Từ việc một bà bán rau mùi ở Nhật cũng dán mã vạch, mà chán ngán cách kiểm soát thực phẩm bẩn từ ngọn ở Việt Nam!

26/08/2016 08:32 AM | Kinh tế vĩ mô

Chỉ 1 mớ rau mùi, một nông dân người Nhật cũng dán mã vạch và chịu trách nhiệm về sự an toàn của mớ rau đó. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta đang buộc người tiêu dùng phải thông thái khi các cơ quan y tế, quản lý thị trường… không thể bảo vệ người tiêu dùng.

Trên mảnh đất Việt Nam, một doanh nhân Nhật Bản sẵn sàng bỏ rau xà lách ông trồng vào miệng ăn sống. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt lại hoang mang với chính các nông sản và thực phẩm do người Việt trồng và chế biến.

Khi chúng ta không còn tin nhau…

- Hiện đang có sự không tin nhau giữa các bên: Người tiêu dùng không tin nhà bán lẻ. Nhà bán lẻ không tin nhà sản xuất. Và nhà sản xuất không tin nhà bán lẻ.

- Sản phẩm nông nghiệp đang bị mất niềm tin nghiêm trọng. Tôi thì mất toàn bộ rồi. Không thể nào tin được. Ai là người lấy lại niềm tin cho chúng tôi?

Đây là những trăn trở được đặt ra tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" do báo điện tử Trí thức trẻ - Soha tổ chức mới đây.

Nỗi trăn trở này khiến ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội – nhớ lại hình ảnh một bà bán rong tại Nhật Bản sẵn sàng dán mã vạch vào rau mùi nhà mình khi bán ra thị trường.

Người nông dân ấy dám khẳng định mớ rau đó là của người ta trồng, và người ta chịu trách nhiệm về sự an toàn của mớ rau đó.

Nhưng ở Việt Nam, tính cấu kết rất kém bền vững, cái xấu dễ làm khó bỏ, và luôn coi lợi nhuận là trên hết.

“Chính cái đó là cái gốc của vấn đề tùy tiện trong con người Việt Nam, trong đó có người sản xuất và người phân phối”, ông Phú nói.

Lý giải nguyên nhân thực thực phẩm sạch không ra được thị trường nhiều, ông Phú cho biết, một phần nguyên nhân là do khâu quản lý từ “ngọn” của Việt Nam.

“Hiện các nhà quản lý của chúng ta mải mê kiểm soát ở khâu bán lẻ, mà quên mất rằng chăn nuôi là một chu trình rất dài. Con lợn 4 tháng, vịt sạch của ông Đoàn Văn Vươn thì 70 ngày mới cho xuất chuồng. Và khi thịt ra đến phản chợ bà hàng thịt thì chỉ 2 tiếng sau đã vào nồi nước đang sôi của một gia đình ở Hà Nội”.

“Hiện chúng ta đang quản lý từ ngọn, chứ không quản lý từ gốc. Hãy bỏ đi cái tư duy “phong trào”, tư duy “sực nhớ” của chúng ta đi! Đừng buộc người tiêu dùng phải thông thái, mà các cơ quan quản lý y tế, quản lý thị tường,công an kinh tế phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng”, ông Phú nói.

Trong khi các cơ quan quản lý thì quản lý từ ngọn, các khâu sản xuất và bán lẻ - phân phối tại Việt Nam cũng không khá hơn.

- Người sản xuất: Chi phí sản xuất sạch khá cao, trong khi đối tượng bỏ mấy trăm nghìn đồng để mua 1 kg xà lách không nhiều. Điều này đã buộc người sản xuất tìm cách cắt giảm các chi phí trong trồng trọt, chăn nuôi, và không có cách nào là sản xuất thực phẩm không sạch để giảm giá thành.

Và người nghèo phải chấp nhận ăn bẩn. Chính sức mua của dân tạo ra sự tùy tiện, nhiều gia đình đành phải chấp nhận ôm bệnh ung thư sau 10 – 20 năm.

- Nhà bán lẻ: Dù mang chức danh Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Phú thẳng thực “vạch tội” các siêu thị ép chiết khấu, ép các khoản phí tạo mã, chiếm dụng vốn...

“Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật, nhưng chúng ta một mặt chưa đủ luật, một mặt kỷ luật thị trường kém, hoặc thậm chí người dân phá luật. Chỉ cần đoàn kiểm tra đi một cái là họ sẵn sàng bỏ thuốc độc vào ngay”, ông Phú nói.

Với cách thức sản xuất, phân phối, quản lý như trên, ông Phú đùa rằng đến Bộ trưởng Bộ Y tế có khi đi ra chợ cũng mua phải thịt tăng trọng.

Trong một bối cảnh khác, trước nỗi lo của người dân về thịt lợn chứa chất cấm, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: Việc đánh giá chất cấm được kiểm tra bởi phòng chuyên môn, chỉ định, cán bộ từ trung ương xuống cơ sở. Trong đó có sự phối hợp quyết liệt của Công an và cơ quan thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu có sự khả nghi.

Và kết quả của công cuộc quản lý quyết liệt này là “Có tỉnh, thành báo cáo không còn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM