Vì sao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đi đâu cũng dễ gặp người miền Trung?

10/05/2017 15:33 PM | Xã hội

Báo cáo của UNU - WIDER lần đầu đã vẽ nên bức tranh về những người 'bỏ quê lên thành phố' ở Việt Nam.

Hiện tượng di cư trong xã hội hay còn được nghe với những thuật ngữ gần gũi hơn như ‘lên tỉnh’, ‘ra thành phố’, ‘lên Hà Nội, ‘vào Sài Gòn’, ngày càng được chú ý hơn, phần vì số lượng ngày càng tăng, phần vì nó đã gây càng nhiều tác động đến cả nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Mới đây, Viện Nghiên cứu thế giới về Kinh tế Phát triển của Đại học Liên Hợp quốc (UNU – WIDER) đã công bố một báo cáo mang tên "Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam".

Đây có thể coi là bản báo cáo đồ sộ đã khắc họa lại những thay đổi lớn lao của nông thôn Việt Nam trong mấy chục năm qua, bao gồm cả vấn đề di cư. Từ đây, một bức tranh toàn cảnh về câu chuyện ‘lên thành phố sống’, ‘rời bỏ quê hương’ đã được mô tả rõ nét, mang cho người đọc nhiều cái nhìn mà trước nay chưa hề được nhắc đến.

Số người ‘bỏ quê hương’ ở Việt Nam sắp nhiều bằng dân số cả một thành phố lớn

Theo số liệu tiết lộ trong báo cáo, vào năm 1989, diện tích dân số di cư nội địa ở Việt Nam đã ghi nhận đạt con số 1,3 triệu người, qua đó chiếm khoảng 2,5% dân số.

Vì sao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đi đâu cũng dễ gặp người miền Trung? - Ảnh 1.

Con số này dần dần tăng lên trong suốt thời kỳ kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt. 10 năm sau – tức là năm 1999, đã có 2 triệu người được ghi nhận rời bỏ quê hương của mình. Những thống kê mới nhất là vào năm 2009, sau 20 năm từ khi thống kê ghi nhận, số người di cư ở Việt Nam đã lên đến 3,4 triệu người – chiếm 4,3% tổng dân số.

UNU – WIDER dự kiến rằng, đến năm 2019, tức là chỉ còn 2 năm nữa tính từ hiện tại, số người ‘bỏ xứ mà đi’ sẽ bằng dân số cả một thành phố lớn: 6 triệu người – chiếm tất cả 6,4% tổng dân số.

Đất miền Trung có nhiều người xa quê để tới Hà Nội, Sài Gòn nhất!

Người dân ở đâu là những người ‘bỏ xứ mà đi’ nhiều nhất ? Và họ đã đến những đâu ? Báo cáo của UNU – WIDER cũng chỉ rõ điều này.

Theo báo cáo này vào năm 2012, tỉnh có tỷ lệ số người di cư, rời bỏ quê hương cao nhất chính là Nghệ An. Ở đây, có gần 50% hộ gia đình được hỏi trả lời rằng nhà có người đã di cư và không còn sống thường xuyên ở Nghệ An nữa. Điều đó có nghĩa là ở tỉnh miền Trung này, cứ 10 gia đình thì đã có phân nửa trong số này có con em, thành viên trong gia đình rời bỏ mảnh đất xứ Nghệ.

Vì sao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đi đâu cũng dễ gặp người miền Trung? - Ảnh 2.

Đồng thời, Quảng Nam cũng là tỉnh có số người rời bỏ quê hương nhiều thứ hai. Sang đến năm 2014, các vị trí đứng đầu chuyển sang các tỉnh Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, với khoảng 10 hộ gia đình thì có gần 3 hộ trả lời rằng có người xa quê. Đặc biệt, tất cả các tỉnh này đều thuộc dải đất miền Trung.

Những người này đã đi đến những đâu để lập nghiệp ? Báo cáo cũng chỉ ra rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có tỉ lệ người di cư đến lớn nhất theo số liệu năm 2012, với tỉ lệ lần lượt là 26,55% và 16,51%.

Điều này củng cố thêm nhận định rằng di cư thường có xu hướng tập trung ở các đô thị lớn. Quy luật này đã càng thể hiện rõ ràng ở năm 2014, khi mà Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận lần lượt 26,99% và 20,55% người di cư, nhiều hơn cả tỷ lệ 2 năm trước.

Vì sao tôi xa nhà?

Mục đích của những người di cư cũng được nhắc đến trong báo cáo của UNU – WIDER. Theo đó, phần lớn người di cư tạm thời để phục vụ cho công việc và học tập (lên đến hơn 90% những người di cư tạm thời là thuộc nhóm này). Đây chính là những sinh viên, những người mới đi làm đã rời quê để bắt đầu việc học hay bắt đầu sự nghiệp của mình.

Khác với lý do của những người di cư tạm thời, những người rời khỏi mảnh đất quê hương vĩnh viễn đa phần là vì lý do hôn nhân/gia đình hoặc vì yêu cầu của công việc khiến họ buộc phải chuyển nơi sinh sống.

Vì sao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đi đâu cũng dễ gặp người miền Trung? - Ảnh 3.

Năm 2012, cứ 10 người di cư vĩnh viễn thì có 4 người vì lý do công việc và có hơn 5 người là vì lý do dựng vợ gả chống. Tuy nhiên, đến năm 2014, lý do dựng vợ gả chồng đã áp đảo hơn khi mà cứ 10 người rời quê hương vĩnh viễn thì có tới 6 người là vì lý do này.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM