Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính: Năm nay đừng lấy thành tích cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp ra mà thấy vui...

04/05/2017 09:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Ông Nguyễn Công Nghiệp, thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính nói về Chủ trương giảm tỷ trọng vốn Nhà nước vẫn chưa được sát sao, dù số doanh nghiệp được cổ phần hóa vẫn đang tăng lên.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng thoái vốn, cổ phần hóa vốn Nhà nước đang cần có những bước cải thiện trong quy trình để đạt được hiệu quả tối đa của mình. Trong một buổi hội thảo về quản lý vốn nhà nước tại Hà Nội mới đây, nhận định này dường như đã trở nên xác đáng hơn từ nhận xét của đại diện cơ quan quản lý nhà nước.

Trong cuộc trao đổi bên lề với chúng tôi, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính là ông Nguyễn Công Nghiệp đã chỉ ra một vấn đề lớn đang đặt ra với quản lý vốn Nhà nước hiện nay là việc chủ trương giảm vốn Nhà nước trong nền kinh tế vẫn chưa được thực hiện sát sao.

Ngược lại, trên thực tế thì các báo cáo lại chỉ ra vốn đầu tư Nhà nước đang ngày càng tăng lên. Giá trị tài sản, giá trị vốn chủ sở hữu của Nhà nước trong nền kinh tế không hề của dấu hiệu giảm xuống, ngược lại so với xu hướng thoái vốn và cổ phần hóa hiện tại của Chính phủ.

Lý do của thực trạng này được ông Nguyễn Công Nghiệp chỉ ra là vì vốn Nhà nước đã thoái ra nhưng lại không được mang đi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mang đến đầu tư vào thành phần doanh nghiệp Nhà nước và có vốn đầu tư Nhà nước khác.

Tựu chung lại, vốn Nhà nước trong nền kinh tế có tỷ trọng không suy giảm đáng kể. Hệ quả đối với các thành phần kinh tế khác, theo ông Nghiệp là “không còn để giành khoảng trống cho các thị trường và các khu vực khác tồn tại”.

Ông Nghiệp dẫn chứng một số liệu giật mình rằng dù quá trình thoái vốn, cổ phần hóa đã thực hiện từ lâu nhưng “trong các yếu tố đầu vào thì khu vực doanh nghiệp Nhà nước và có vốn đầu tư Nhà nước có tỷ trọng chiếm đến 60%. Tỷ trọng khối doanh nghiệp này tính theo GDP cũng lên đến 30%, trong khi con số mục tiêu chỉ là 15%”.

“Thoái vốn Nhà nước nên để đầu tư ngược trở lại doanh nghiệp hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Theo tôi, thì là cơ sở hạ tầng” – ông Nghiệp kết luận.

Từ bao lâu nay, công tác thoái vốn, cổ phần hóa đã được thực hiện nhưng những nguyên tắc nhất quán, những mục tiêu thoái vốn triệt để vẫn chưa được tuân theo khiến cho thoái vốn, cổ phần hóa chỉ thiên về lượng mà chưa tạo ra giá trị ở phần chất.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng Cần có mục tiêu rõ ràng, quan điểm triển khai rõ ràng. Khi chủ trương giảm tỷ trọng vốn Nhà nước đã được đặt ra thì phải thực hiện bằng được chủ trương đó.

“Muốn thế thì năm nay đừng lấy thành tích cổ phần hóa được bao nhiêu doanh nghiệp mà thấy vui. Phải là năm nay, vốn nhà nước đã thoái được bao nhiêu, Chúng ta không thể lấy kết quả số doanh nghiệp được cổ phần hóa, mà phải lấy số vốn thoái ra và được đầu tư vào hạ tầng là thước đo”, ông nhấn mạnh.

Việc cổ phần hóa, rút vốn, tựu chung lại cần đạt được mục tiêu cuối cùng là giảm con số tỷ trọng vốn Nhà nước trong tổng thể nền kinh tế. Có như vậy, những khu vực doanh nghiệp khác như tư nhân mới có thể có khoảng trống để tồn tại và phát triển, theo như lời Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp nhận định.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM