Văn hóa cuồng bất động sản của người Trung Quốc đang tạo nên thị trường bong bóng lớn nhất thế giới

28/11/2018 09:30 AM | Xã hội

"Nhà xây lên là để ở chứ không phải đầu cơ", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

Đối với người Trung Quốc hiện nay, việc sở hữu một hoặc nhiều căn nhà là biểu tượng cho sự thành công, trưởng thành cũng như sự sẵn sàng cho việc lập gia đình. Đây có lẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành một trong những thị trường bất động sản lớn nhất thế giới với 1,7 nghìn tỷ USD doanh số nhà mới được giao dịch năm 2017, cao gấp 7 lần so với Mỹ.

Tư tưởng phải có nhà ở tại Trung Quốc đã giúp rất nhiều tỷ phú của nước này giàu lên nhanh chóng, như Chủ tịch Xu Jiayin của Evergrande với 36 tỷ USD, Chủ tịch Wang Jianlin của tập đoàn Wanda với 20,2 tỷ USD tài sản. Bằng việc đầu tư những khu cánh đồng rộng lớn để xây các tòa nhà cao tầng chọc trời, hàng loạt công ty bất động sản tại Trung Quốc phất lên nhanh chóng.

Mảng bất động sản là một trong những động lực chính cho sự bùng nổ của Trung Quốc suốt 40 năm qua, đồng thời tạo nên một tầng lớp những người trung lưu có tiền. Tuy nhiên, văn hóa bắt buộc phải có nhà cùng sự bùng nổ của thị trường bất động sản lại đang tạo nên vô vàn hệ lụy.

Thế hệ trẻ hiện nay tại Trung Quốc đang cảm thấy vô cùng khó khăn để có thể sở hữu một ngôi nhà, trong khi người dân lại đổ quá nhiều tiền tiết kiệm vào thị trường nhà đất vốn đã phồng khá to. Hiện người dân Trung Quốc chi tới 74% tiền tiết kiệm của họ cho nhà ở, cao gấp đôi mức 35% tại Mỹ.

Văn hóa cuồng bất động sản của người Trung Quốc đang tạo nên thị trường bong bóng lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Hộ gia đình Trung Quốc đầu tư nhiều vào bất động sản hơn so với Mỹ. Tỷ lệ tài sản phi bất động sản của người Trung Quốc thấp hơn nhiều quốc gia khác.

Cội nguồn của thị trường bong bóng

Năm 1949, khi đất nước mới thống nhất, bất động sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước và được phân cấp cho các hộ gia đình. Tuy nhiên trải qua nhiều biến động chính trị, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và thực hiện cải cách nền kinh tế, thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu có sự thay đổi chóng mặt.

Năm 1984, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố ủng hộ quyền sở hữu nhà của tư nhân. Kể từ đó, nhiều công trình đã được bán quyền sử dụng cho cá nhân, qua đó kích thích thị trường bất động sản bắt đầu bùng nổ. Quá trình này bắt đầu trước ở các đặc khu kinh tế như Thẩm Quyến, Thượng Hải rồi lan dần ra cả nước.

Ngoài ra, việc cải cách kinh tế cũng kích thích lượng lớn lao động rời bỏ quê hương lên thành phố tìm việc làm, qua đó thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại nhiều thành thị.

Dẫu vậy khi người dân Trung Quốc ngày một giàu hơn, tư tưởng sở hữu nhà lại khiến mọi người mua thêm, mua nữa nhà ở bởi họ cho đây là kênh đầu tư, tiết kiệm an toàn. Những ngôi nhà nếu không thể ở có thể cho thuê, hoặc bán lại với giá hời mà không sợ mất giá nhanh chóng như thị trường chứng khoán hay kênh đầu tư khác.

Ngày nay, khoảng 90% số hộ gia đình ở Trung Quốc sở hữu ít nhất 1 căn nhà và 25% số hộ sở hữu nhiều hơn 1 căn.

Chính vì quan điểm này mà chỉ trong 20 năm, giá nhà tại Trung Quốc đã tăng 325%. Giám đốc điều hành Oscar Choi của OP Capital phải thốt lên rằng thị trường bất động sản Trung Quốc đang chắc chắn lâm vào tình trạng bong bóng vì quá nhiều người đầu cơ vào nhà đất không phải để ở.

Hàng loạt những thành phố ma xuất hiện ở Trung Quốc nơi người mua chỉ để đầu cơ chứ chẳng có người mua thực sự để ở. Hệ quả là hàng loạt dự án bất động sản tại Trung Quốc bị tạm dừng, qua đó tác động ngược lại đến thị trường tín dụng bởi hầu hết các dự án nhà ở đều có vay vốn ngân hàng.

Chuyên gia Larry Hu của Macquarie nhận định thị trường bất động sản mới là rủi ro lớn nhất của Trung Quốc trong 1 năm tới chứ không phải chiến tranh thương mại. Dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn bong bóng thị trường nhưng không một ai chắc chắn chúng sẽ đem đến hiệu quả.

Văn hóa cuồng bất động sản của người Trung Quốc đang tạo nên thị trường bong bóng lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Tăng trưởng đàu tư bất động sản (ngoại trừ giao dịch mua đất không) tại các nước. Đóng góp của ngành bất động sản cho GDP.

Giờ đây, hàng loạt tập đoàn bất động sản đã chuyển từ tích cực đầu tư dự án mới sang bảo toàn tài sản và đa dạng hóa danh mục đầu tư. Các tập đoàn lớn như Evergrande, Wanda hay Country Garden đều đã mở rộng sang mảng chăm sóc sức khỏe, công nghệ xanh hay robot tự động nhằm giữ an toàn cho tài sản.

Thêm nữa, việc vay vốn quá nhiều đầu cơ vào nhà ở đã khiến thị trường bất động sản gây nguy hiểm cực lớn cho hệ thống tài chính. Tình trạng nghiêm trọng đến mức năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải tuyên bố: "Nhà xây lên là để ở chứ không phải đầu cơ".

AB

Cùng chuyên mục
XEM