Cộng đồng khoa học thế giới dậy sóng vì nghiên cứu biến đổi gen trên cơ thể người tại Trung Quốc

27/11/2018 13:51 PM | Xã hội

"Thử nghiệm này quá vội vàng. Chúng ta đang nói đến việc can thiệp vào cấu trúc của con người. Đó là một vấn đề vô cùng lớn", Tiến sĩ Eric Tool của Viện nghiên cứu SRTI tại California cho biết.

Mới đây, một nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra cặp song sinh đầu tiên trên thế giới có sự can thiệp vào ADN nhằm kháng nhiễm HIV, đồng thời cho rằng kỹ thuật này sẽ viết lại hoàn toàn cấu trúc sự sống của con người trên trái đất.

Nếu kết quả này chính xác thì chúng là một bước tiến mới trong công nghệ sinh học, đồng thời tạo nên cuộc tranh cãi dữ dội trong làng khoa học.

Theo những nhà khoa học Mỹ, các hành vi thử nghiệm can thiệp vào gen hay ADN của con người bị cấm hoàn toàn tại Mỹ bởi chúng có thể di truyền cho các thế hệ sau và tạo nên những rủi ro cho toàn nhân loại.

Cộng đồng khoa học thế giới dậy sóng vì nghiên cứu biến đổi gen trên cơ thể người tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong khi nhiều nhà khoa học cho rằng kết quả trên là quá nguy hiểm để tiến hành thì một số chuyên gia lại nói đây là bước tiến mới của nhân loại trong công nghệ sinh học.

Nhà nghiên cứu thử nghiệm công nghệ trên, chuyên gia He Jiankui tại Thẩm Quyến cho biết ông đã can thiệp vào gen của 7 cặp đôi trong quá trình điều trị thụ tinh và hiện đã có 1 cặp đôi mang thai. Chuyên gia He cho biết ông không định ngăn ngừa một loại bệnh di truyền hay chữa trị gì cả mà chỉ đơn giản tạo cho bé mới sinh có được sự miễn dịch tự nhiên với HIV, vốn chỉ có ở một số người.

Chuyên gia He cũng từ chối cho biết địa chỉ, tên họ hay cho thấy thành quả của cuộc thí nghiệm. Bởi vậy tuyên bố của nhà nghiên cứu He vẫn chưa được xác minh. Công trình nghiên cứu của ông cũng không được đăng lên các tạp chí khoa học để những chuyên gia khác có cơ hội tìm hiểu và phản bác.

"Tôi cảm thấy có trách nhiệm vô cùng lớn khi đi tiên phong trong lĩnh vực này. Xã hội sẽ quyết định phải làm gì với công nghệ mới này", chuyên gia He nói.

Tiến sĩ Kiran Musunuru của trường đại học Pennsylvania cho biết sẽ rất nguy hiểm khi thực hiện thí nghiệm trên cơ thể người mà không để ý đến vấn đề đạo đức.

"Thử nghiệm này quá vội vàng. Chúng ta đang nói đến việc can thiệp vào cấu trúc của con người. Đó là một vấn đề vô cùng lớn", Tiến sĩ Eric Tool của Viện nghiên cứu SRTI tại California cho biết.

Cộng đồng khoa học thế giới dậy sóng vì nghiên cứu biến đổi gen trên cơ thể người tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Chuyên gia He Jiankui

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra được cách tác động vào gen, thay thế những đoạn mã hỏng bằng các đoạn mã mới. Chúng đã được thí nghiệm trên cơ thể người trưởng thành nhằm chữa trị một số loại bệnh chết người.

Tuy nhiên, việc can thiệp vào ADN người trong quá trình thụ tinh hay còn ở thời kỳ sơ khai như tinh trùng hoặc trứng là một khái niệm hoàn toàn khác khi cơ thể người chưa hoàn toàn hình thành và có thể tiềm ẩn rất nhiều rủi ro chưa biết. Mỹ cấm các hoạt động thử nghiệm về gen trên trứng hay tinh trùng trừ khi chúng được dùng cho nghiên cứu của phòng thí nghiệm và không được để chúng tự do phát triển hoàn chỉnh thành một cá thể.

Trung Quốc cũng cấm các hoạt động nhân bản con người nhưng chưa có quy định rõ ràng về can thiệp gen từ giai đoạn sơ khai như trên.

Nghiên cứu cho phép người nhiễm HIV mang thai

Chuyên gia He từng học tại trường đại học Stanford-Mỹ trước khi trở về mở phòng nghiên cứu tại trường đại học Công nghệ và Khoa học Nam Trung Quốc (SUSTC) ở Thẩm Quyến. Ông cũng có 2 công ty riêng chuyên kinh doanh công nghệ gen sinh học.

Sau tuyên bố của ông He, trường SUSTC tuyên bố công trình này vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, đồng thời xem xét rút đầu tư khỏi phòng nghiên cứu của chuyên gia He.

Các nhân viên nghiên cứu của phòng thí nghiệm cho biết chuyên gia He đã tác động vào gen của nhiều loài, đồng thời đăng ký bản quyền cho công nghệ này từ vài năm trở lại đây.

Cộng đồng khoa học thế giới dậy sóng vì nghiên cứu biến đổi gen trên cơ thể người tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Chuyên gia He Jiankui

Trong khi đó nhà nghiên cứu He cho biết ông chọn bệnh HIV vì đây là đại dịch của nhân loại. Phương pháp của ông là vô hiệu hóa mã gen CCR5, vốn tạo nên loại protein cho phép HIV có thể xâm nhập vào các tế bào.

Điều thú vị là trong thử nghiệm của ông He, tất cả nam giới tham gia là người nhiễm HIV nhưng nữ giới lại hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên những người đàn ông vẫn đang được điều trị bằng thuốc ức chế nên không khiến họ lây lan quá mạnh khi tham gia thí nghiệm. Sau khi tác động vào trứng và tinh trùng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, chúng sẽ được cấy vào cơ thể phụ nữ để mang thai.

Trước đó, tinh trùng đã được rửa sạch khỏi tinh dịch nhằm tránh lây nhiễm HIV.

Công nghệ mới như theo chuyên gia He mô tả sẽ cho phép các cặp đôi nhiễm HIV có thể có con mà không bị di truyền từ bố mẹ.

Những rủi ro gặp phải

Dẫu vậy, kết quả của quá trình trên cũng không chắc chắn khi một trong 2 đưa trẻ sinh đôi có thể không miễn dịch được HIV trong khi bé còn lại thì miễn dịch. Kết quả này khiến nhiều chuyên gia bất bình bởi chuyên gia He đã đặt sự an nguy của đứa bé xuống thấp hơn so với việc thí nghiệm tác động gen.

Thậm chí ngay cả khi CCR5 đã bị vô hiệu hóa nhằm ngăn chặn HIV thì không có điều gì chắc chắn đứa bé sẽ miễn dịch hoàn toàn với căn bệnh thế kỷ này. Thêm nữa, những người thiếu mã gen CCR5 dễ mắc các bệnh như West Nile, khiến bệnh nhân tử vong do các dịch cúm.

Cộng đồng khoa học thế giới dậy sóng vì nghiên cứu biến đổi gen trên cơ thể người tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Chuyên gia He Jiankui

Thêm vào đó, quy trình thử nghiệm của chuyên gia He cũng bị nghi vấn khi không chắc liệu những người tham gia thí nghiệm có hiểu được hết lợi ích và rui ro họ sẽ gặp phải hay không. Chuyên gia He không hề có kinh nghiệm điều hành bất kỳ phòng khám nào trước đó.

Nhận thức được những rủi ro này, chuyên gia He cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm cung cấp bảo hiểm hay bất kỳ chi phí y tế nào cho tất cả những đứa trẻ tham gia thí nghiệm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nghi vấn về tính xác thực của thí nghiệm khi vào năm 2017, hơn 100 nghiên cứu của Trung Quốc đã bị rút khỏi 1 tạp chí danh tiếng do vi phạm tiêu chuẩn phản biện.

AB

Cùng chuyên mục
XEM