Tuyển dụng ở Grab: Bằng cấp chỉ là phụ, nhiều ứng viên hồ sơ đẹp còn không qua được vòng lọc CV

13/11/2017 09:49 AM | Kinh doanh

Grab, startup nổi tiếng nhất Đông Nam Á khi “cả gan” đối đầu và đánh bại gã khổng lồ Uber trên một loạt “sân nhà”. Sau chỉ 5 năm kể từ ngày thành lập vào 2012, Grab đã phát triển ấn tượng với hơn 1 triệu tài xế và 45 triệu người dùng tại hơn 50 thành phố. Nhưng khác với Uber, mặc dù phát triển nhanh không kém nhưng Grab đến giờ vẫn âm thầm tăng trưởng với nội bộ cực kỳ ổn định. Vì sao lại thế? Đó chính là nhờ văn hóa công ty tại Grab!

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series "Văn hóa doanh nghiệp". Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mời quý độc giả đón đọc và đóng góp nội dung để series thêm phong phú.


Muốn làm việc tại Grab? Không chỉ giỏi, mà còn phải phù hợp!

Với một thương hiệu như Grab, mỗi ngày công ty này nhận được hàng trăm đơn ứng tuyển từ khắp nơi trên thế giới, và chỉ một số cá nhân đặc biệt mới nhận được lời mời làm việc. Rachel, nhân viên phòng nhân sự tại trụ sở chính Grab Singapore chia sẻ: "Trung bình chỉ có 3% đến 5% ứng viên nhận được thư mời làm việc vì tiêu chuẩn tuyển dụng của Grab cực kỳ khắt khe."

"Đầu tiên, chúng tôi sẽ tham khảo kinh nghiệm và những dự án thực tế mà ứng viên đã từng hoàn thành. Độ phức tạp của dự án là một yếu tố quyết định," Rachel nói. "Đội tuyển dụng còn tìm hiểu thêm trang blog hoặc trang cá nhân của ứng viên, các bài thuyết trình cũng như hỏi ý kiến các tên tuổi trong phần tham khảo của thư ứng tuyển."

Về bằng cấp, Rachel bảo đây chỉ là một yếu tố phụ trong việc xét tuyển ở Grab, vì "rất nhiều ứng viên với bằng cấp tốt thậm chí không vượt qua vòng lọc CV."

Nhưng trên cả kỹ năng, kinh nghiệm và học vấn đó chính là thái độ của mỗi ứng viên. Đội ngũ tuyển dụng Grab luôn chú tâm phân tích và nhận định xem liệu ứng viên này có phù hợp với văn hóa và các giá trị của công ty hay không.

"Để thành công trong môi trường Grab, chúng tôi tìm kiếm những ứng viên có thể thích nghi nhanh nhất, sở hữu tốt cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, đặc biệt là những cá nhân có quyết tâm cải thiện thực trạng vận tải ở Đông Nam Á."

Nghe có vẻ khó nhằn? Bạn nên nhớ rằng chỉ có 3-5% ứng viên được tuyển dụng tại Grab.

Tại Grab, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ là những yếu tố tuyển dụng quan trọng, nhưng việc phù hợp với văn hóa công ty sẽ quyết định liệu ứng viên có được mời về làm việc hay không.

"Cho dù ứng viên có giỏi đến mấy, chúng tôi vẫn từ chối họ nếu các đồng nghiệp sẽ cảm thấy khó chịu khi làm việc chung với người này," Rachel nói thêm. "Chúng tôi luôn chú trọng giữ vững văn hóa công ty tuyệt vời tại Grab!"

Môi trường làm việc: Đúng kiểu startup

Cơ hội phát triển nhanh với nhiều thách thức: Grabber có cơ hội được giải quyết các vấn đề lớn trong khu vực mà chưa ai có thể giải quyết được. Những dự án của Grab luôn có mục đích thay đổi cục diện của cả Đông Nam Á. Đây là những cơ hội rất đặc biệt mà các nhân viên tiếp cận được khi làm việc tại Grab.

Môi trường đa dạng: Grab luôn tuyển dụng những cá nhân phù hợp nhất với công việc, không phân biệt chủng tộc, giới tính, xuất thân hay tôn giáo. Nguyên tắc tuyển dụng này đã giúp Grab trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hiếm hoi có gần 50% các nhà quản lý là nữ.

Các cuộc thi cho nhân viên: Vào mỗi quý, Grab sẽ tổ chức cuộc thi "Grabathon" để cho nhân viên của mình có cơ hội phát triển những ý tưởng hay thành hiện thực.

Cùng nhau trở thành Grabber: Grab tin vào việc nếu các nhân viên văn phòng của mình có cơ hội đóng vai một tài xế Grab trong một ngày, họ sẽ đem lại các ý tưởng và giải pháp thực tiễn nhất cho tài xế và người dùng. Tất cả nhân viên Grab đều có cơ hội làm tài xế một ngày ngay sau khi gia nhập Grab.

Cổ phiếu: Grabber còn có cơ hội sở hữu một phần cổ phiếu để cùng công ty tận hưởng lợi nhuận mà chính tay họ mang lại.

Trợ cấp sử dụng Grab: Mỗi nhân viên đều có khoảng tiền trợ cấp để sử dụng dịch vụ Grab, ngay cả trong cuối tuần.

Văn phòng mở và thời gian làm việc linh hoạt: Văn phòng của Grab hoàn toàn không có những hộp kín mà thay vào đó là rất nhiều khu vực mở khác nhau, các nhân viên có thể thay đổi chỗ ngồi của mình theo ý muốn. Về giờ làm việc, nhân viên hoàn toàn có thể sắp xếp giờ làm việc của mình sớm hay muộn, quan trọng là vẫn hoàn thành tốt được công việc.

Đồ ăn: Bánh kẹo, nước uống, kem, cà phê và thỉnh thoảng là bia luôn được chất đầy phòng ăn chung của công ty để tiếp năng lượng cũng như giúp nhân viên luôn phấn chấn và tràn đầy động lực.

Trang phục: Tại Grab, bạn chỉ cần mặc đồ thoải mái và không ảnh hưởng tới người khác là được.

Nhưng rất chú trọng đến văn hóa công ty và tác động xã hội

Thật khó để tìm được một công ty mà tất cả mọi nhân viên đều thật sự quan tâm đến những tác động xã hội mà công việc của họ gây ra. Sau một loạt tai tiếng từ Uber, Grab vẫn âm thầm phát triển nhưng vẫn đặt song song hai mục tiêu tăng trưởng bền vững và cải thiện xã hội, chứ không đơn thuần là tăng trưởng bất chấp hậu quả.

Nhưng điều đó không có nghĩa là các thành viên ở Grab không mong muốn phát triển và đem về doanh thu cho công ty. Tại Grab có một câu châm ngôn "Vấn đề của bạn cũng là vấn đề của tôi", mọi nhân viên đều khao khát đem lại một kết quả tích cực cho cả công ty và các nhà đầu tư. Khác với Uber, kết quả chung của tập thể quan trọng hơn thành tích cá nhân, và vì thế, cả nhóm luôn cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề được đặt ra.

Grab tự nhận mình không phải là một startup phát triển "điên cuồng" nhằm nâng cao định giá của công ty. Các nhà lãnh đạo luôn thúc đẩy một môi trường thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau, nhằm đem lại cho tài xế Grab các trải nghiệm tốt nhất có thể, vì họ mới là những người trực tiếp đại diện công ty.

Và qua đó, văn hóa công ty đã thúc đẩy cả tập thể Grab cùng nhau phát triển. Vì suy cho cùng thì "Vấn đề của bạn cũng là vấn đề của tôi".

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM