Tuy Campuchia không còn là "đối thủ" lớn của Việt Nam, nhưng Myanmar đang trở nên rất mạnh

31/03/2016 15:28 PM | Tài chính

Campuchia không còn nằm trong Top 3 “đối thủ” của Việt Nam trong cạnh tranh hút FDI. Tuy nhiên các đối thủ truyền thống như Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia đều mạnh lên. Đáng chú ý là sự hấp dẫn vượt trội từ Myanmar, tỷ lệ lựa chọn đã tăng từ 2,48% năm 2014 lên 9,03% năm 2015.

Tỷ lệ nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Campuchia thay vì Việt Nam đã giảm từ 20% trong năm trước xuống còn 2,5% vào năm 2015, phản ánh sự lo ngại về tình hình chính trị của nước này, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cho biết.

Theo kết quả khảo sát năm ngoái, Campuchia là “đối thủ” cạnh tranh lớn thứ 3 của Việt Nam về hút FDI, bên cạnh Trung Quốc và Thái Lan.

Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng nửa số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đang đầu tư tại Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%) trước khi chọn Việt Nam.

Những con số này đều tăng so với năm 2014 và gần gấp đôi so với năm 2013.

So sánh với danh sách năm 2014:

“Bản thân sự gia tăng này đã là một chỉ báo quan trọng về thứ hạng phát triển của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế”, báo cáo nhận định.

Việt Nam giờ đây phải cạnh tranh với các đối thủ truyền thống trong khu vực (như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và một số quốc gia mới nổi như Philippines và Lào.

Khi được đề nghị đánh giá những yếu tố về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia mà họ từng cân nhắc chọn địa điểm đầu tư, các doanh nghiệp FDI đã chỉ ra 4 điểm mạnh của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia cạnh tranh: mức thuế, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính trị.

Về mức độ ảnh hưởng chính sách, doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho rằng tại Việt Nam, họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động của mình so với các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt là hai nước láng giềng Campuchia và Lào.

Kết quả đo lường cảm nhận về bất ổn chính sách không có thay đổi lớn. Trên 60% doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn hầu hết các quốc gia cạnh tranh. Kết quả này rất quan trọng, bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng môi trường chính sách có thể tạo điều kiện cho họ xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang Lào và Campuchia

Các doanh nghiệp FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn xét về các yếu tố như tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công (như giáo dục, y tế và dịch vụ công ích) và chất lượng cũng như độ tin cậy của cơ sở hạ tầng.

Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào. Đây luôn là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận chính sách ở Việt Nam.

Đáng lưu ý, đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với các nước cạnh tranh khác.

Những điểm yếu này khá thống nhất với kết quả đánh giá về Việt Nam trong nhiều đánh giá xếp hạng quốc tế khác.

Báo cáo PCI được thực hiện thường niên từ năm 2005. PCI 2015 dựa trên thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM