Từ Tp.HCM về miền Tây các tài xế phải qua bao nhiêu trạm thu phí BOT?

15/08/2017 07:31 AM | Kinh tế vĩ mô

Từ TP.HCM về miền Tây có tổng cộng 7 trạm thu phí. Các tài xế phải trả ít nhất 245.000 đồng để qua các trạm này.

Chiều ngày 13/8, tại trạm thu phí Cai Lậy đồng loạt các tài xế đã đưa tiền lẻ 200, 500 đồng khiến các nhân viên không thể xử lý, hàng xe ùn tắc nghiêm trọng. Trước tình hình ùn tắc nghiêm trọng, trạm thu phí này phải "xả cửa". Đến 22h ngày 13-8 trạm vẫn chưa thể thu phí trở lại.

Theo khảo sát của Đài truyền hình Việt Nam, từ TP.HCM về miền Tây có tổng cộng 7 trạm thu phí. Các tài xế phải trả ít nhất 245.000 đồng để qua các trạm này.

BOT vốn là loại hình dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phù hợp trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn và là nguồn vốn để thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL. Tuy nhiên với việc các trạm thu phí BOT dày đặc như hiện nay đã trở thành gánh nặng cho người dân.

Trong báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước 2015 gửi lên Quốc hội mới đây, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những nhược điểm, sai phạm trong quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu; xác định tổng mức đầu tư của dự án còn sai sót; xác định tổng vốn đầu tư của dự án bao gồm cả phần thuế GTGT được Nhà nước hoàn lại.

Các sai phạm khác như xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế. Kiểm toán nhà nước chỉ ra nhiều đơn vị sử dụng số liệu thống kê khảo sát trong 2-3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ số liệu khảo sát của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.

Ngoài ra, góp vốn chủ sở hữu chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày .

"Theo tôi không nên làm thêm BOT nữa mà Chính phủ phải ra tay đầu tư. Muốn phát triển kinh tế quốc gia, ổn định nông nghiệp thì phải đầu tư để người dân được hưởng lợi", TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh thành phố Cần Thơ chia sẻ quan điểm về các dự án BOT khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM