Không phải lao động giá rẻ, ông Trương Gia Bình chỉ ra rằng giới "cổ cồn" văn phòng mới là những người đầu tiên bị robot "cướp việc"

08/04/2017 14:44 PM | Kinh doanh

"Giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với giới công nhân cổ cồn (kỹ sư), bác sĩ, luật sư. Giai đoạn tiếp theo, lao động giá rẻ sẽ chịu ảnh hưởng, tuy có thể sẽ chậm hơn".

Ngày 7/4, buổi Diễn đàn CEO 2017 với chủ đề: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – Được và mất” được tổ chức bởi Thởi báo kinh tế Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi hội thảo này đã quy tụ nhiều vị diễn giả, chuyên gia và nhiều doanh nhân nổi tiếng trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong những cuộc trò chuyện hay những cuộc phỏng vấn bên lề, tất cả các tên tuổi này đều đồng thuận quan điểm rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên thế giới sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam để vươn lên nếu chúng ta có thể đón đầu làn sóng; hoặc sẽ là một dấu mốc đánh dấu sự tụt hậu xa hơn nếu chúng ta lại bỏ lỡ.

Chỉ trong khoảng thời gian vài chục năm tới, cơ cấu nền kinh tế sẽ thay đổi rất nhiều, thể hiện rõ nhất ở việc máy móc, robot và các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế hoàn toàn sự có mặt của con người ở nhiều công việc, ngành nghề.

Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT - ông Trương Gia Bình - tại buổi diễn đàn đã dẫn lại báo cáo mới đây của diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF) chỉ ra ngành nghề nào hay những ai sẽ là người phải chịu ảnh hưởng từ làn sóng công nghệ trong thời gian sắp tới.

Theo ông Trương Gia Bình, câu hỏi ai sẽ bị chịu ảnh hưởng bởi làn sóng công nghệ sẽ còn tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau của làn sóng công nghệ ấy.

"Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với giới công nhân cổ cồn (kỹ sư - các 'công nhân' có kiến thức và trình độ đại học), bác sĩ, luật sư. Giai đoạn tiếp theo, lao động giá rẻ sẽ chịu ảnh hưởng, tuy có thể sẽ chậm hơn".

Ông Bình cũng cho rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, Việt Nam tuy là một nước đi sau nhưng vẫn một vài điểm lợi thế có thể giúp chúng ta đón được làn sóng công nghệ đang thay đổi vũ bão trên thế giới.

Thứ nhất, đó là việc khi cuộc cách mạng mới bắt đầu lúc này, không phải Chính phủ nào cũng đang nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam.

Thứ hai, đó là việc từ khi ngành công nghệ thông tin nước ta đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng đã dần trở nên vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Và cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng này không phải là cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người, mọi doanh nghiệp. Trong đó, có thể có những nhóm rất nhỏ, chỉ có vài người nhưng sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Việt Nam có đến trên 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khác với các tập đoàn kinh tế lớn, do quy mô nhỏ của mình, các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể dễ thay đổi, dễ biến chuyển để thích ứng với các môi trường kinh doanh khác nhau. Vì thể, đây có thể coi là lợi thế thứ ba của Việt Nam trong cuộc cách mạng.

Trong buổi hội thảo, gần như tất cả các vị chuyên gia, các doanh nhân tham dự đều cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là một dấu mốc quan trọng trong biên niên sử kinh tế Việt Nam.

Từ góc độ của người làm khoa học, tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Thái phát biểu: "Vấn đề không nên đặt ra là Việt Nam có thể bắt kịp xu hướng này hay không, mà ngược lại, nếu không tham gia được vào xu hướng chung thì kinh tế và công nghiệp nước ta có thể xảy ra ra tình trạng lỡ tàu, làm cho nguy cơ tụt hậu càng nặng nề hơn".

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM