Cứ 50km có một trạm BOT nhưng còn thiếu thứ giúp hàng hóa lưu thông, kinh tế phát triển

25/04/2017 16:24 PM | Kinh tế vĩ mô

Sứ mạng của logistics là cung ứng hàng hóa dịch vụ đến tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất. Để thực hiện sứ mạng này giải pháp quan trọng là phải phát triển đồng bộ hệ thống logistics Quốc gia.

50 km có một trạm BOT nhưng thiếu một trung tâm logistics

Với việc mở cửa thị trường dịch vụ logistics ở nước ta từ năm 2013, ngành logistics đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy vậy cho đến nay, hệ thống logistics ở nước ta, nhất là cơ sở hạ tầng logistics còn rất nhiều hạn chế, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ trên cả thị trường trong nước và thị trường Quốc tế. Trung tâm logistics được coi là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nhưng thực sự chưa được quan tâm đầu tư phát triển ở Việt Nam. Trong khi đó các trạm BOT lại mọc lên khắp nơi, khoảng cách không tới 50km.

Ở nước ta, ngành logistics và trung tâm logistics đang còn là vấn đề mới mẻ, ngay cả trong các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, các vấn đề về hệ thống logistics, trong đó có các trung tâm logistics cũng chưa hề được đề cập.

Cũng giống như logistics, khái niệm trung tâm logistics (logistics Centres, Freight Villages, logistics park, logistics zones) đang có nhiều định nghĩa khác nhau tùy theo từng góc độ nghiên cứu. Theo Hiệp hội trung tâm logistics Châu Âu Europlatforms (European Associantion of Freight Villagers), trung tâm logistics là một khu vực nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế, được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics như kho bãi, văn phòng, khu vực xếp dỡ hàng…

Như vậy, một trung tâm logistics cần phải đảm bảo 5 yếu tố cơ bản: Khu vực - nơi thực hiện các hoạt động vận tải, logistics, thương mại trong nước và quốc tế; Các hoạt động tại trung tâm được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau; Các chủ thể có thể là chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng cơ sở vật chất của trung tâm; Trung tâm logistics được đầu tư xây dựng và trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động dịch vụ của trung tâm; Trung tâm logistics phải được kết nối với nhiều phương tiện vận tải như đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không… Trung tâm logistics như là một điểm kết nối liên hoàn các phương tiện vận tải của khu vực

Với các chức năng cơ bản trên, trung tâm logistics có vai trò rất quan trọng trong việc tối ưu hóa các dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin; Thúc đẩy lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam trên các thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đầu tư logistics chỉ để phục vụ cho doanh nghiệp?

Thực tế ở Việt Nam, Logistics có sự phát triển nhanh chóng và trở thành ngành kinh tế đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Cùng với sự phát triển của ngành logistics, cơ sở hạ tầng logistics, trong đó có các trung tâm logistics từng bước được đầu tư xây dựng ở Việt Nam.

Giai đoạn đầu nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối, lưu thông hàng hóa và vận tải hàng hóa tăng nhanh, đặc biệt là hàng Container đã hình thành nhiều trung tâm phân phối, nhiều cảng nội địa ở các vùng trên cả nước (đây là hệ thống hạ tầng kho hàng, bến bãi phục vụ cho các hoạt động logistics). Khu vực phía Bắc có khoảng 8 cảng - ICD gồm: Gia Lâm (Hà Nội), Mỹ Đình (Hà Nội), Thụy Vân (Phú Thọ), Hải Dương (Hải Dương), Ninh Phúc (Ninh Bình), Hòa Xá (Nam Định), Tiên Sơn (Bắc Ninh), Lào Cai (Lào Cai).

Bảng 1. Tổng hợp hiện trạng một số cảng cạn khu vực phía Bắc


Nguồn: GS.TS. Đặng Đình Đào tổng hợp năm 2016.

Nguồn: GS.TS. Đặng Đình Đào tổng hợp năm 2016.

Khu vực phía Nam, lượng hàng hóa lưu thông lớn, khối lượng hàng Container thông qua các cảng biển chiếm trên 70% cả nước. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển các cảng nội địa ICD và các điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hệ thống kho bãi chứa hàng. Khu vực phía Nam hiện có khoảng 9 ICD đang hoạt động gồm: Phước Long Transimex, Biên Hòa, Bến Nghé (Trường Thọ), Sóng thần (trong KCN Sóng thần), Tanamexco, Phúc Long, Sotrans, Tân cảng - Long Bình. Ngoài ra, trong một số khu công nghiệp hình thành các điểm làm thủ tục hải quan, điểm kiểm tra hàng hóa ngoài cửa khẩu (bảng 2).

Bảng 2: Tổng hợp hiện trạng một số cảng cạn khu vực phía Nam


Nguồn: GS.TS. Đặng Đình Đào tổng hợp năm 2016

Nguồn: GS.TS. Đặng Đình Đào tổng hợp năm 2016

Với tiềm năng phát triển thị trường logistics Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã và đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực logistics, công ty liên doanh Indo-Trans keppel logistics Việt Nam (ITL Keppel), công ty Keppel logistics thuộc tập đoàn viễn thông và vận tải Keppel, công ty sản xuất, nhập khẩu Bình Dương (Protrade), Tập đoàn YCH của Singapore, công ty DD Schenker Việt Nam thuộc tập đoàn logistics Schenker đưa vào khai thác trung tâm logistics SCL tại KCN Sóng thần I (Bình Dương). Công ty CP đầu tư Bắc Kỳ xây dựng trung tâm logistics Tiên Sơn (Bắc Ninh) với diện tích 10ha. Trong đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2010-2020 phát triển trung tâm logistics được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, sự phát triển trung tâm logistics ở nước ta còn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Trước hết, sự quan tâm, quy hoạch đầu tư xây dựng các trung tâm logistics còn rất hạn chế; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy được đầu tư xây dựng khang trang nhưng mang tính đơn lẻ theo từng phương tiện, thiếu kết nối liên hoàn, thiếu hẳn các trung tâm logistics hậu cần cho vận hành khai thác hiệu quả và văn minh giao thông; quy mô các trung tâm logistics được xây dựng tự phát lại còn rất nhỏ bé thường ở mức 10 ha, thậm chí từ 1 ha đến 2 ha, trong khi ở các nước, quy mô của trung tâm logistics bằng cả quy mô của một khu công nghiệp (KCN logistics) lên đến 1500 ha.

Trung tâm logistics ở nước ta chủ yếu thuộc sở hữu của một doanh nghiệp và cung ứng dịch vụ cho khách hàng, chưa phát triển đến quy mô hội đủ các yếu tố của một trung tâm logistics như các nước. Việt Nam chưa có một trung tâm logistics nào đáp ứng cả 5 yếu tố, mà thực chất chỉ là ICD mở rộng thêm một số chức năng; chưa hình thành các cụm logistics, các trung tâm logistics chưa thực hiện được chức năng kết nối liên hoàn các phương tiện vận tải của các địa phương và vùng lãnh thổ vì các trung tâm hiện nay được xây dựng riêng lẻ chỉ để phục vụ mục đích của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Quyết định 1012/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics quy mô loại 1 mới chỉ có 20 - 30 ha, loại 2: 10 - 12 ha; trung tâm logistics chuyên dùng chỉ có 3 - 4 ha, bằng quy mô của các cảng cạn ICD, kho bãi trong phân phối, lưu thông; Việt Nam cho đến nay chưa có khu công nghiệp logistics nào trên cả nước mà tại các khu công nghiệp hiện có của các địa phương, thành phố, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trung tâm phân phối (logistics) của mình để phục vụ cho sản xuất kinh doanh; đang có sự bất cập trong quy hoạch các khu công nghiệp và các trung tâm logistics (KCN logisics) ở Việt Nam, hình như chúng ta chỉ chú ý đến quy hoạch phát triển các KCN mà không tính đến các khu công nghiệp hậu cần (logistics)…

Hệ lụy là làm cho chi phí logistics tăng cao so với các nước, gây ắch tắc trong lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền; làm giảm giá trị, chất lượng hàng hóa và khả năng cạnh tranh trên các thị trường; đi xa hơn là làm trầm trọng thêm ùn tắc giao thông, sử dụng hiệu quả thấp các phương thức vận tải vốn Việt Nam có nhiều lợi thế như đường biển, đường sông, đường sắt, trong khi đường bộ lại quá tải…


GS.TS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông là chuyên gia lĩnh vực logistics từng học tập, nghiên cứu tại Nga.

GS.TS. Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông là chuyên gia lĩnh vực logistics từng học tập, nghiên cứu tại Nga.

GS.TS. Đặng Đình Đào

Cùng chuyên mục
XEM