Kiểm toán, phát hiện 27 dự án BOT "ma" dân phải trả phí oan

25/02/2017 12:22 PM | Kinh tế vĩ mô

Kiểm toán Nhà nước phát hiện thủ đoạn lập trạm thu phí mang tên dự án BOT (được thu phí) nhưng đặt trên các tuyến đường không đầu tư bằng BOT, đồng nghĩa với việc người dân phải trả phí oan...

Trạm thu phí BOT đặt trên đoạn đường không đầu tư theo hình thức BOT khiến dân phải nộp phí oan - ảnh minh họa

Đây là kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với 27 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT từ năm 2011-2016 được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sáng nay, 21/2.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, theo quy định, khoảng cách các trạm thu phí là 70 km nhưng thực tế xảy ra hai tình trạng. Một là trạm thu phí cho dự án nhưng đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến người dân không đi trên đường được đầu tư bằng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Thứ hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận giữa bộ GTVT, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm.

Từ thực tế đó, theo kiểm toán nhà nước, cần phải quy định rõ ràng hơn về vị trí đặt các trạm thu phí như: trạm thu phí phải đặt trên dự án thực hiện; khoảng cách giữa các trạm tối thiểu 70 km.

Về mức thu phí, kiểm toán nhà nước cho rằng, việc cứ qua trạm thu phí là thu phí không kể chiều dài đi được là bao nhiêu đều có mức thu như nhau, gây khó khăn cho người dân và DN tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua lại trạm thu phí dù đi quảng đường rất ngắn nhưng lại trả phí rất cao. Do vậy cần quy định mức thu phí với người dân địa phương nơi đặt trạm thu phí.

Về lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định qua hai trường hợp đấu thầu và chỉ định thầu, tuy nhiên hai phương án này đều rất khó khăn cho quản lý, kiểm tra kiểm soát. Hầu hết các dự án BOT đều theo hình thức chỉ định thầu.

Về kết quả kiểm toán 27 dự án BOT, theo kiểm toán nhà nước, việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng do nguyên nhân tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án, dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Điển hình như dự án QL1 Khánh Hòa, tăng 179 tỷ đồng, dự án quốc lộ Quảng Nam, tăng 126 tỷ đồng, quốc lộ Cần Thơ – Phụng Hiệp tăng 26 tỷ đồng… Một số dự án lớn BOT, tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 Uông Bí – Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Sau khi rà soát các chỉ tiêu đầu vào, tính toán lại phương án tài chính sát thực tế, phù hợp quy định, kiểm toán nhà nước đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án tài chính ban đầu. Điển hình như dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày; dự án nâng cấp mở rộng đường HCM QL 14 đoạn qua tỉnh Đắc Nông giảm 12 năm, 3 tháng, 22 ngày…

Theo Xuân Hưng

Cùng chuyên mục
XEM