Từ người đạp xích lô đến thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng của TS. Trần Hoàng Ngân

01/12/2017 09:32 AM | Xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành quyết định của Thủ tướng về việc bổ sung PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP. HCM làm thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ít ai biết, ông Tiến sỹ ấy từng có thời tuổi trẻ đi bán kem, bán bánh mì dạo và đạp xích lô.

Ngay sau khi thông tin TS. Trần Hoàng Ngân trở thành thanh viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông.

Ông Trần Hoàng Ngân cho biết: “Tôi vừa mới nhận được thông tin trên trang Chính phủ điện tử”.

Cạnh những niềm vui vì nhận được sự tin tưởng từ Thủ tướng là những áp lực, theo ông Ngân. Bởi nền kinh tế vẫn đang còn nhiều vấn đề phải bàn đến trong trung hạn và dài hạn. “Giờ chúng ta phải có cái nhìn dài hơn do trong ngắn hạn đã tương đối ổn định khi giải quyết hay tìm được hướng đi cho những điểm nghẽn như nợ xấu, nợ công...”, ông Ngân cho biết.

Ông nói rằng kết cấu hạ tầng, giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM cần được quan tâm trong thời gian tới. Vì nếu không có giải pháp đột phá cấp bách thì sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Như vậy, cần phải quan tâm đến giải pháp về vốn.

TS. Trần Hoàng Ngân cho biết thị trường chứng khoán hiện đang có tốc độ phát triển nhanh, do đó là cơ hội vàng để tái cơ cấu các DNNN. Ông nhấn mạnh việc cần xử lý nhanh các DNNN hoạt động không hiệu quả, cổ phần hoá chúng để có vốn đầu tư cho hạ tầng trong dài hạn.

Cạnh đó, dù điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm nay là xuất khẩu tăng nhanh dẫn đến xuất siêu 2,8 tỷ USD nhưng ông Ngân lưu ý rằng nó đến chủ yếu từ khu vực FDI. Do vậy, để điểm sáng lan toả, theo ông cần phải tạo được sự kết nối giữa các khu vực doanh nghiệp, đồng thời giải bài toán công nghiệp phụ trợ.

“Đi liền với những điều trên Chính phủ cần phát huy vai trò kiến tạo và minh bạch, đặc biệt trong quản trị điều hành. Vừa qua, chính hiệu quả điều hành đã giúp cho TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) tăng cao. Chính điều này đã khiến cho kinh tế tăng trưởng chứ không phải là vốn không”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Ông Trần Hoàng Ngân là thầy giáo và được nhiều người biết đến với vai trò là đại biểu Quốc hội khoá XIII và XIV với những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ tại Nghị trường. Tuy nhiên, cũng ít ai biết được, chặng đường của ông Ngân không hề bằng phẳng.

Ông Trần Hoàng Ngân sinh trưởng trong gia đình nghèo, đông anh em nên từ những ngày học lớp 3, để có học phí, ông đã ôm thùng kem, bánh mì, báo đi khắp các ngõ hẻm của TP. HCM để bán. Khi chưa tròn 9 tuổi, mẹ mất, các anh chị đi kinh tế mới, ông trở thành trụ cột trong gia đình, phụ cha nuôi 3 em nhỏ.

Cậu học trò lớp 8 khi ấy đã trở thành thợ nấu chì. Không dừng lại ở công việc đơn thuần, ông tìm cách pha axit, trộn bột chì tái chế để tạo ra những tấm lắc bình ắc quy. Căn nhà lụp xụp của ông khi đó đã trở thành xưởng sản xuất nhỏ, suốt ngày đỏ lửa nấu chì. Cuộc sống mưu sinh đã khiến ông bị nhiễm độc chì nặng.

Chia tay nghiệp nấu chì, ông chuyển sang đạp xích lô để nuôi ước mơ giảng đường. Với chiếc xích lô cũ mượn từ người anh rể, ông đi khắp nơi trong thành phố bắt khách đến nửa đêm. Trở về lúc tối mịt cũng là lúc ông tranh thủ lật sách vở ra chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.

Về sau, đến khi thành danh, năm 2007, một lần nữa ông trở lại với chiếc xích lô với cuốc xe chở ông Cô Gia Thọ, chủ hãng bút bi Thiên Long dạo phố Sài Gòn – một thoả thuận trị giá 400 triệu để xây trường mới cho các em học sinh người Vân Kiều ở bản Khe Ngài, Quảng Trị.

Từ người đạp xích lô đến thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng của TS. Trần Hoàng Ngân - Ảnh 1.

PGS TS Trần Hoàng Ngân đạp xích lô chở ông Cô Gia Thọ, năm 2007

Ông Ngân cũng được sinh viên yêu quý khi là người thầy mang đến nhiều bài giảng và sân chơi học thuật mới mẻ. Trong những năm đầu làm giảng viên, vì nhận thấy nhu cầu về thanh toán quốc tế cho hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam phát triển nhưng sinh viên chưa được học thanh toán quốc tế, ông đã tìm đến các ngân hàng, công ty xuất nhập khẩu để tìm hiểu thực tế và xin tài liệu.

Năm 2000, ông đã khởi xướng sàn giao dịch chứng khoán ảo đầu tiên tại Việt Nam cho sinh viên. Cạnh đó là cuộc thi Dynamic – doanh nghiệp tương lai.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM