Vì sao đói nghèo không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến tâm lý xã hội?

30/11/2017 14:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Nghèo là một trải nghiệm dễ gây cảm giác hổ thẹn, làm mất phẩm giá và lòng tự tôn. Mặc dù các biểu hiện và nguyên nhân của nghèo khổ là khác nhau, sự xấu hổ đi kèm cùng với nó có thể thấy ở khắp mọi nơi.

Thay vì kết quả của việc xóa đói giảm nghèo, phẩm giá và sự tự tôn của những người nghèo mới là những điều kiện tiên quyết trong cuộc chiến đấu chống lại đói nghèo. Chỉ khi các nhà hoạch định chính sách nhận thức được điều này, thì thế giới mới có cơ hội loại bỏ đói nghèo dưới mọi hình thức.

Nghèo là một trải nghiệm dễ gây cảm giác hổ thẹn, làm mất phẩm giá và lòng tự tôn. Mặc dù các biểu hiện và nguyên nhân của nghèo khổ là khác nhau, sự xấu hổ đi kèm cùng với nó có thể thấy ở khắp mọi nơi. Các nghiên cứu gần đây tại Trường Đại học Oxford đã cho thấy từ Trung Quốc đến Vương quốc Anh, tình trạng kinh tế khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của những người nghèo – thậm chí cả trẻ em.

Dù có những bằng chứng rõ ràng thể hiện sự liên kết giữa nghèo đói với tâm lý đau khổ, các chính sách khắc phục đói nghèo thường không để tâm đến sự hổ thẹn của những người nghèo. Thay vào đó, các nỗ lực giảm nghèo có xu hướng tập trung vào các biểu hiện hữu hình như thu nhập thấp hoặc thiếu giáo dục. Kết quả là các giải pháp xóa đói giảm nghèo thường ngầm giả định rằng điều kiện sống được cải thiện sẽ tự động nâng cao phúc lợi tinh thần của những người nghèo.

Việc bỏ qua khía cạnh tâm lý xã hội của đói nghèo có thể là một sai lầm. Để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững dưới mọi hình thức của UN vào năm 2030, trọng tâm cần phải được đặt vào việc giải quyết các vai trò của sự hổ thẹn trong nghèo đói.

Tác động tiêu cực của việc thiếu lòng tự tôn đi kèm đói nghèo và cản trở người nghèo thực hiện các hành động tích cực để cải thiện tình hình kinh tế của họ đã được chứng kiến ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Ở Ấn Độ, cảm giác hổ thẹn đi kèm với mất mùa và căng thẳng về tài chính đã đẩy nông dân vào tình trạng lạm dụng chất gây nghiện, và trong nhiều trường hợp cực đoan là tự tử. Ở Tanzania, các nhà nghiên cứu về giáo dục song ngữ đã tìm ra rằng nỗi sợ bị chế giễu có thể cản trở các học sinh có kỹ năng tiếng Anh kém hơn tham gia vào lớp học. Ở Uganda, học sinh cấp 3 nghèo nói rằng không có khả năng trả tiền học, mua đồng phục hay mua đồ dùng học tập khiến họ liên tục cảm thấy xấu hổ.

Vì sao đói nghèo không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến tâm lý xã hội? - Ảnh 1.

Để giải quyết triệt để sự hổ thẹn liên qua đến nghèo đói và vai trò của hổ thẹn trong tình trạng đói nghèo thâm niên, một số giải pháp cần phải được thực hiện.

Trước tiên, các nhà hoạch định chính sách cần phải nhận thức được vấn đề này. Thay vì chỉ coi sự hổ thẹn là một ‘sản phẩm phụ đáng tiếc’ khi sống trong cảnh nghèo đói, họ nên xem xét tới cách thức nghèo đói làm giảm phẩm giá của con người, khiến họ không chỉ nghèo mà còn ‘hèn’. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Amartya Sen – một trong những người có tiếng nói ảnh hưởng nhất trong xóa đói giảm nghèo từ lâu đã lập luận rằng sự hổ thẹn là một nguyên nhân của nghèo ‘tuyệt đối’. Chú trọng vào sự hổ thẹn của người nghèo phải là một phần của bất kỳ chiến lươc giảm nghèo nào.

Thêm vào đó, sự xấu hổ hay tình trạng thiếu tự tin và lòng tự tôn thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách người nghèo nhận thức về khả năng thay đổi của họ, duy trì nhận thức rằng họ có rất nhiều thiếu sót. Điều này có thể khiến họ bị mắc kẹt trong nghèo đói. Để giúp họ thoát khỏi cái bẫy do chính nhận thức của họ tạo ra, các chiến lược phát triển con người cần phải xem xét cách thức để củng cố năng lực cá nhân, khát vọng và sự tự tin của những người nghèo.

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được rằng các chương trình xóa đói giảm nghèo, nếu không được thực hiện đúng, có thể làm tăng cảm giác xấu hổ của người nghèo. Ví dụ, các nhà nghiên cứu làm việc tại Ấn Độ vào năm 2005 đã phát hiện ra rằng phụ nữ nước này dừng tới các phòng khám để tránh cách đối xử khinh thường của các nhân viên y tế. Trường hợp tương tự cũng được ghi nhận ở các phụ nữ Nam Phi đối với trợ cấp nuôi con và những người sử dụng ngân hàng thực phẩm ở Anh.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM