Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong 'xuống tiền' đầu tư vào nông nghiệp?

20/12/2016 08:38 AM | Kinh doanh

Ngoài những cái tên quen thuộc như bầu Đức, bầu Long, Vingroup thì gần đây xuất hiện những tên tuổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát súng tiên phong của bầu Đức

Khoảng 5 năm trước, khi bất động sản rơi vào khủng hoảng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã tuyên bố rút khỏi thị trường và đầu tư vào nông nghiệp.

Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong xuống tiền đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 1.

Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL.

Theo đó, các lĩnh vực tập đoàn tham gia là nuôi bò (lấy thịt và sữa), trồng cao su, mía đường, cọ dầu…

Tính đến nửa đầu năm 2016, HAGL duy trì quy mô một đàn bò khoảng 7.500 con bò sữa, 130.000 con bò thịt. Trước đó, bầu Đức cho biết tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là khoảng 18.000 tỷ đồng và bước đầu cho lợi nhuận.

Tuy nhiên, nông nghiệp không phải là bài toán dễ dàng khi bầu Đức gặp không ít khó khăn. Một số hàng hóa, trong đó có cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng tới doanh thu.

Khoảng giữa năm 2016, bầu Đức đã bán bớt một phần mía đường tại Lào và cho biết có thể tiếp tục bán 10.000 ha – 20.000 ha cao su để trợ nợ. Tính đến 30/6, tổng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai là 26.683 tỷ đồng, trong đó, nợ vay ngắn hạn là 10.212 tỷ đồng, vay dài hạn là 16.472 tỷ đồng.

Dù đang ngập trong nợ nần song giá trị lĩnh vực nông nghiệp của HAGL vẫn lên cả tỷ USD và một số lĩnh vực vẫn có những điểm sáng trên thị trường.

Đại gia ngành thép lấn sân sang chăn nuôi

Năm 2015, Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long (bầu Long) làm Chủ tịch HĐQT bắt tay sang lĩnh vực nông nghiệp. Đại gia ngành thép thành lập Công ty Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát là công ty con của Tập đoàn đã đổ số vốn điều lệ 300 tỷ đồng vào dự án này với mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng trong 3 năm tới chuyên sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong xuống tiền đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 2.

Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Giữa năm 2016, tập đoàn của bầu Long lại nhập 500 con lợn giống về nuôi, nhằm phát triển lĩnh vực mới của mình. Theo dự kiến, Hòa Phát sẽ bắt đầu cung cấp lợn thịt, lợn giống từ đầu năm 2018 và đặt mục tiêu 650.000 đầu lợn vào năm 2021.

Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, tập đoàn còn đăng ký các ngành nghề từ chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt… đến sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.

Cũng giống như HAGL, Hòa Phát cũng không tránh khỏi những áp lực khi bước chân vào nông nghiệp. Kết thúc quý I/2016, các mảng kinh doanh của Hòa Phát đều khả quan, duy chỉ có mảng nông nghiệp báo lỗ gần 14 tỷ đồng.

Tỷ phú Forbes Phạm Nhật Vượng đi trồng rau sạch

Giữa tâm bão thực phẩm bẩn năm 2015, với nguồn vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức bước vào cuộc chơi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong xuống tiền đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 3.

Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Thay vì nuôi bò, trồng mía, đại gia này kinh doanh theo hướng chuyên cung cấp nguồn thực phẩm sạch với thương hiệu VinEco. Theo đó, đầu ra cho nông sản VinEco sẽ được đảm bảo bởi hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đang được “phủ sóng” toàn quốc.

Ông Vượng dự kiến sẽ đầu tư những trang trại trồng rau, củ, quả sạch với công nghệ của Israel, Nhật Bản cho năng suất cao gấp vài chục lần so với bình thường. Vingroup còn đầu tư 300 tỷ đồng trong một năm để hỗ trợ 1.000 HTX và hộ nông dân trồng rau an toàn, hỗ trợ phân phối và xây dựng thương hiệu bài bản.

2 nữ doanh nhân ngành sữa Việt Nam

Xuất phát từ những ly sữa xuất từ nước ngoài về, cả 2 DN sữa lớn ở Việt Nam là Vinamilk và TH True Milk cũng đã đầu tư mạnh vào phát triển đàn bò, sản xuất sữa trên chính quê hương mình.

Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong xuống tiền đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 4.

Bà Mai Kiều Liên - Nguyên chủ tịch Vinamilk (trái) và bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn sữa TH True Milk.

Cụ thể, Vinamilk đã xây dựng 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng để nhân giống bò cao cấp từ Úc, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới.

Tổng đàn bò cung cấp sữa của công ty này là hơn 80.000 con, mỗi ngày cung cấp gần 600 tấn sữa tươi nguyên liệu. Vinamilk dự kiến nâng tổng đàn bò lên 100.000 con vào năm 2017 và 120.000-140.000 con vào năm 2020.

Tương tự TH True Milk của bà chủ Thái Hương cũng đã triển khai dự án nuôi bò sữa từ năm 2009 trên diện tích 37.000 ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hiện DN này đã có 45.000 con bò cho sữa với năng suất bình quân 40 lít/con/ngày.

Dự kiến đến năm 2017, trang trại của TH True Milk sẽ tăng lên 137.000 con bò sữa, cung cấp ra thị trường 500 triệu lít sữa/năm.

Những tên tuổi mới

Sau 20 năm kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Him Lam đã quyết định bước chân vào ngành nông nghiệp Việt Nam và chọn cây mắc ca để đầu tư.

Cuối năm ngoái, Công ty Cổ phần Him Lam của đại gia Dương Công Minh đã phối hợp cùng với Ngân hàng LienVietPostBank phát triển dự án trọng điểm của ngành Nông nghiệp Việt Nam với vốn đầu tư lên tới 20.000 tỷ đồng.

Trước khi có gói tín dụng 50 nghìn tỷ, những đại gia nào tiên phong xuống tiền đầu tư vào nông nghiệp? - Ảnh 5.

Ông Dương Công Minh, CTHĐQT Công ty Cổ phần Him Lam

Theo tính toán của ông Dương Công Minh, người đứng đầu Him Lam, khi trưởng thành, một hécta mắc ca có thể thu hoạch được 4,7 tấn hạt, cao gấp đôi cây cà phê và cao hơn nhiều các loại cây công nghiệp khác như ca cao, hồ tiêu, hạt điều.

Trên thị trường, nhu cầu loại hạt này gấp 4 lần cung, khiến cho giá bán có thể lên tới một triệu đồng một kg.Theo đó, bắt đầu từ năm 2015, dự án nhân rộng diện tích lên 250.000 hécta, biến Tây Nguyên trở thành thủ đô mắc ca Đông Nam Á.

Không chỉ có Him Lam, mới đây, người giàu thứ 2 mới nổi trên thị trường chứng khoán Việt - Trịnh Văn Quyết - chủ tịch FLC cũng đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, FLC vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận đầu tư vào dự án Nông trường Lam Sơn có trụ sở tại xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích đất của dự án lên đến gần 1.300 ha, trong đó bao gồm 530 ha trồng mía nguyên liệu, 530 ha trồng cao su,...

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% so với toàn nền kinh tế - con số nhỏ không tưởng. Tuy nhiên, trước làn sóng nhảy vào nông nghiệp từ năm 2015 cũng phần nào cho thấy một dấu hiệu khởi sắc cũng như một niềm tin phát triển toàn ngành từ những tay chơi chuyên nghiệp trong kinh doanh dù nông nghiệp chỉ là lĩnh vực tay ngang của những ông lớn này.

3 đại gia giúp Vingroup đạt tham vọng thống lĩnh thị trường rau sạch là ai?

H.M

Cùng chuyên mục
XEM