Đại gia Trung Quốc đổ xô vào nông nghiệp: Ông chủ Công ty game đi chăn lợn

07/10/2015 13:58 PM | Kinh doanh

Những ông trùm nhảy qua đầu tư vào nông nghiệp không phải ai cũng giống ai ở lý do, mục tiêu và cả ý muốn kiếm lời.

Đa số thuần túy coi đây là cơ hội đầu tư, nhưng cũng có người ngoài chuyện đó, còn muốn được cân bằng cuộc sống sau chuỗi ngày luôn bận rộn, căng thẳng với thương trường.

Các nhà tài phiệt góp mặt trong ngành nông nghiệp đến từ đủ loại ngành nghề, từ trùm bất động sản, tỷ phú máy tính, game online… Ngay cả tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma (Mã Vân) cũng không bỏ qua cơ hội.

Từ game online đến trại lợn

Ông ta có thể là một tỷ phú, nhưng William Ding, người ăn nói nhỏ nhẹ, nhà sáng lập Cty trò chơi online khổng lồ của Trung Quốc NetEase.com (NTES.O), lại cảm thấy rất thoải mái trong trại lợn, tương tự như khi ông điều hành tại tổng hành dinh Cty.

Năm 2009, ông Ding 38 tuổi và nổi tiếng là hay e thẹn, nhưng là một trong ba nhà cung cấp game online lớn nhất Trung Quốc, theo Reuters.

Tuy nhiên, cuối năm 2009, người ta thấy tỷ phú Ding nhảy qua mở trại chăn nuôi heo, như thể để tìm lại sự cân bằng và yên tĩnh trong cuộc sống sau một thời gian dài quá bận rộn với thị trường game online phát triển với tốc độ phi mã ở Trung Quốc.

Người giàu thứ 23 ở Trung Quốc với tài sản trị giá 2,25 tỷ USD theo tính toán của Tạp chí Forbes, là một trong những người tiên phong trên thị trường kinh doanh trên internet khi ông lập ra NetEase năm 1997, khởi đầu là một cỗ máy tìm kiếm nhỏ.

Hơn một thập kỷ sau và đi kèm nhiều tranh cãi, NetEase trở thành một trong những cái tên nổi bật trên mạng ở Trung Quốc và Ding đã trở nên nổi tiếng. Phóng viên và người hâm mộ bám theo ông khắp nơi như thể ông là ngôi sao nhạc rock.

Ding sinh ra và lớn lên ở tỉnh Chiết Giang, đi học kỹ sư, làm việc cho nhiều Cty rồi lập ra NetEase. Tỷ phú Ding, thường mặc quần jean, giày thể thao luôn khác biệt trong những hội nghị, hội thảo đầy những người mặc vest, đã tìm thấy sự thư thái qua các hoạt động như chăn nuôi heo.

Cty NetEase đã đầu tư xây dựng một trang trại rộng 80ha ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, theo báo Australia Financial Review. 

“Đây không phải là một khoản đầu tư cho NetEase hay là cách để kiếm thêm tiền. Tôi hy vọng hoạt động đầu tư vào nông nghiệp của mình sẽ giúp củng cố an toàn thực phẩm và tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn”, Ding nói trong một cuộc phỏng vấn sau khi trang trại chăn nuôi đi vào hoạt động.

Mục tiêu của tỷ phú Ding là nuôi 10.000 con lợn theo cách hợp vệ sinh hơn, tạo điều kiện để chúng sinh trưởng an lành, bớt căng thẳng và chật chội so với các trại chăn nuôi truyền thống ở Trung Quốc.

William Ding có thể coi việc đầu tư chăn nuôi là cách để tìm lại sự cân bằng, nhưng đối với Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, đây cũng là một kênh sinh lợi bên cạnh Cty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba mà ông sáng lập.

Vì thế, tuy không nuôi lợn, không trồng dâu, ông cũng nhanh tay đầu tư SX sữa, theo báo Australian Financial Review.

Trông thấy trước những cơ hội khi nhu cầu sản phẩm cao cấp song hành với sự gia tăng giới trung lưu ở Trung Quốc đại lục, đi kèm với những quan ngại về tình hình an toàn thực phẩm hiện tại, các đại gia Trung Quốc trong đó có Jack Ma nhanh chóng ra tay.

Tính đến tháng 7/2014, Yunfeng Capital, Cty con của Ma đã bỏ ra 360 triệu USD mua lại 60% cổ phần trong tập đoàn SX bơ sữa Yili khổng lồ của Trung Quốc.

Còn về Lenovo, hãng máy tính hàng đầu, kể từ khi bắt tay vào SX nông nghiệp từ năm 2011, đến nay, Cty này đã lập riêng một chi nhánh chuyên phát triển nông nghiệp có tên Joyvio.

Chi nhánh có kế hoạch đầu tư khoảng 300 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng) vào nông nghiệp trong vòng 5 năm. Mấy năm qua, Lenovo đã bỏ tiền lập nhiều trang trại trồng việt quất và trái kiwi.

“Số lượng các nhà đầu tư vào nông nghiệp đang tăng lên. Trước đây, chỉ có các Cty liên quan đến nhà nước đầu tư vào nông nghiệp và họ cũng đã làm nông nghiệp từ xưa rồi”, lãnh đạo chi nhánh Trung Quốc của hãng kiểm toán Deloitte National M&A, Patrick Yip nói.

Đón đầu cơ hội

Tuy nhiên, khu vực nông nghiệp nay thu hút cả các nhà đầu tư tài chính mặc dù thời gian quay vòng vốn trong nông nghiệp lớn hơn một số hình thức đầu tư tài chính phổ biến, khi ít nhất phải 3 đến 5 năm mới bắt đầu có lời.

“Tôi nghĩ các nhà đầu tư tài chính và Cty tin học đã chứng kiến Trung Quốc phát triển nhanh như thế nào trong vòng 20 năm qua và sự thiếu hụt thực phẩm cao cấp, an toàn”, Patrick Yip nói.

Chu trình và thời hạn đầu tư trong nông nghiệp diễn ra khá lâu, có thể mất 10 tới 20 năm để một khoản đầu tư mang lại thành công, nhưng những gì kiểu đầu tư này mang lại là rất ngọt ngào.

Tiền sinh lời từ các hoạt động kinh doanh phần mềm chảy qua lĩnh vực nông nghiệp tại một thời điểm mà chính phủ đang cân nhắc những cải cách đất đai quan trọng, cũng như những thay đổi trong cung cách hoạt động của hơn 1.700 nông trường quốc doanh.

Đó là cơ hội cho các nhà đầu tư. Một số Cty lớn đang tìm kiếm cơ hội mua vào đất đai, kể cả những mảnh đất nhỏ theo kiểu thu gom và đẩy hoạt động SX nông nghiệp lên một cấp độ mới bao gồm việc đưa công nghệ cao, máy móc hiện đại cũng như những phương pháp canh tác mới vào ứng dụng.

Không chỉ trong nước, sự thèm khát đất canh tác của các nhà đầu tư Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thị trường nhiều nước: Ở Australia, sự hào hứng của nhà đầu tư Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu ngành SX bơ sữa, thịt bò, thịt cừu và ngành nuôi trồng thủy sản tăng lên.

Các nhà đầu tư đến từ Đại lục cũng đang tìm kiếm cơ hội mua lại các Cty của Australia hoạt động trong lĩnh vực SX nông nghiệp, theo chuyên gia của quỹ EG, có trụ sở tại Thượng Hải.

Theo NGUYỄN XUÂN THỦY

Cùng chuyên mục
XEM