Trong khi người trẻ nô nức ‘nghỉ hưu non’, thì người phụ nữ 64 tuổi này quay lại với công việc, kiếm hơn 1 tỷ đồng/năm: Công nghệ không quên người có tuổi, chỉ cần CHỊU HỌC!
Người cao tuổi không cam chịu cô đơn, không chấp nhận "nằm yên", luôn theo kịp thời đại. Chính tinh thần không chịu thua này đã khiến họ trở thành những con người ‘gừng càng già càng cay’, trong khi đó, không ít người trẻ chỉ nhăm nhăm chỉ hưu non, sống chill tuyệt đối.
Alibaba đã đăng một thông báo tuyển dụng xã hội, đặc biệt dành cho người cao tuổi từ 60 trở lên, với mức lương hàng năm từ 350.000 – 400.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng). Sau khi tin tức lan truyền, hơn 3.000 đơn xin việc đã nhanh chóng được gửi đến. Trong số các ứng viên, có rất nhiều "nhân tài ở ẩn", bao gồm cả tiến sĩ, thạc sĩ, thậm chí có người còn nộp đơn bằng song ngữ. Trước khi nghỉ hưu, họ từng là giáo viên, công chức, nhân viên y tế. Có người từng làm chuyên gia quan hệ công chúng cấp cao; Có người từng tổ chức vũ hội hàng trăm người; Có người là sinh viên xuất sắc đến từ Đại học Thanh Hoa; Có người thành thạo sử dụng PowerPoint, trình bày ưu thế của mình bằng hình ảnh và văn bản rõ ràng: 12 năm kinh nghiệm mua hàng trên Taobao, điểm tín dụng 785, thành thạo phần mềm thiết kế Photoshop; Thậm chí, có người còn từng nghiên cứu về hạt nhân, sinh học và các ngành khoa học công nghệ cao.
Cuộc cạnh tranh trở nên vô cùng gay gắt.
Cuối cùng, bà Lưu Diễm Bình, 64 tuổi, phó giáo sư tiếng Anh tại Đại học Công nghệ Chiết Giang, đã giành chiến thắng. Bà được tuyển dụng làm chuyên gia trải nghiệm sản phẩm, trở thành nhân viên mới lớn tuổi nhất tại Alibaba.
Yêu cầu của Taobao đối với bà là: không cần làm việc cố định tại văn phòng, chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ để thảo luận phương án.
Bà Lưu chia sẻ: Sau khi nghỉ hưu, bà đã dành hết năng lượng cho việc ca hát và khiêu vũ.
Bà là người sáng lập đội múa quảng trường đầu tiên của khu dân cư Meida, đồng thời thành lập một xưởng nghệ thuật Lohas, tổ chức các hoạt động ca hát và khiêu vũ cho người cao tuổi, hướng dẫn họ học tập và thưởng thức cái đẹp.
Bà Lưu đeo kính cận không viền, mặc trang phục thể thao rộng rãi màu trắng, đeo chiếc đồng hồ thông minh, phá vỡ định kiến rằng người cao tuổi không quan tâm đến thời trang.
Người cao tuổi không cam chịu cô đơn, không chấp nhận "nằm yên", luôn theo kịp thời đại. Chính tinh thần không chịu thua này đã khiến giới trẻ cũng phải ngưỡng mộ. Nghỉ hưu chỉ đơn giản là sự chuyển đổi từ vai trò này sang vai trò khác, không có nghĩa là từ bỏ ước mơ và niềm đam mê với cuộc sống.
01 - Chỉnh sửa CV cho người cha 50 tuổi thất nghiệp
Trước đây không lâu, một người dùng mạng có tên "Cự Cự" đã chia sẻ một bài viết với tiêu đề: "Chỉnh sửa CV cho người cha 50 tuổi thất nghiệp, thật xót xa."
Người cha 50 tuổi mất việc, nhờ con gái giúp sửa lại CV. Những dòng chữ trên CV rất ngắn, ngắn đến mức chỉ vài câu đã có thể tóm gọn cả cuộc đời của cha. Càng sửa, mắt con gái càng cay cay, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Người từng là trụ cột gia đình, giờ đây trông thật bất lực.
Nhớ lại một bản tin trước đây: Thành phố Đường Sơn, Trung Quốc, đã dỡ bỏ tất cả trạm thu phí đường bộ xung quanh. Nhân viên thu phí đồng loạt phản đối, có một người phụ nữ nói: "Tuổi thanh xuân của tôi đều dành cho trạm thu phí, ngoài thu phí ra tôi chẳng biết làm gì khác, chẳng ai thích chúng tôi, mà chúng tôi cũng không thể học được điều gì mới nữa". Không ai có thể mãi mãi giữ nguyên trạng thái của tuổi trẻ, cũng không thể mãi ở trong vùng an toàn quen thuộc.
Xã hội thay đổi chóng mặt mà chẳng bao giờ báo trước với ai.
02 - Người trẻ nôn nóng "nghỉ hưu", người già lại lao vào "tái làm việc"
40 năm giảng dạy tại trường đại học, sáng lập câu lạc bộ thư pháp và hội họa trong cộng đồng, sở hữu chứng chỉ xoa bóp trị liệu… Với hàng loạt kỹ năng tích lũy, mong muốn tìm lại cảm giác kiểm soát và nhịp điệu trong công việc, nhân viên lớn tuổi thực sự là một "kho báu" hiếm có.
Nếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều năm chỉ vì nghỉ hưu mà bị lãng quên, thì đó không gì khác ngoài một sự lãng phí to lớn về giá trị cá nhân.
Theo Báo cáo khảo sát về tái việc làm của nhóm người cao tuổi năm 2022 do 51job công bố:
68% người cao tuổi có mong muốn mạnh mẽ được làm việc sau khi nghỉ hưu.
Vì khao khát một cuộc sống ý nghĩa, 46,7% người cao tuổi quay lại thị trường lao động để tìm kiếm giá trị cá nhân và xã hội.
19% muốn tiếp tục phát huy chuyên môn và theo đuổi sự nghiệp.
34,3% tham gia tái việc làm để hỗ trợ tài chính gia đình và đáp ứng nhu cầu chi tiêu cao hơn.
Một ông chú 61 tuổi ở Bắc Kinh hiện đang làm cố vấn cho một tổ chức đầu tư. Bởi vì công việc cố vấn đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, nhân viên trẻ trong công ty không thể đảm nhiệm được. Trước đó, ông từng là phó tổng giám đốc tại một công ty công nghệ trong gần 10 năm, nhờ vậy hoàn toàn đủ năng lực đảm nhận vai trò này. Hơn nữa, công việc này chỉ chiếm 2 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại ông có thể leo núi, pha trà, đầu tư chứng khoán.
Còn chị Hồng, 53 tuổi, đến từ Thiên Tân, hiện đang làm nhân viên kinh doanh rượu trắng. Dù công việc tái việc làm sau khi nghỉ hưu không có bảo hiểm xã hội và mức lương giảm một nửa, nhưng với chị, hiện tại như vậy đã là đủ.
Nếu chỉ dựa vào lương hưu thì vẫn có thể sống, nhưng khoảng một năm sau khi nghỉ hưu, chồng chị bị xuất huyết não, cần điều trị và nằm viện, gánh nặng gia đình đè lên vai chị. Để giảm áp lực tài chính cho con cái, chị quyết định tự mình gánh vác.
Những người lao động lớn tuổi đều có lợi thế riêng, nhưng cũng đối mặt với những khó khăn riêng. Họ là tài sản quý giá của xã hội, hỗ trợ họ tái hòa nhập vào lực lượng lao động cũng chính là giúp xã hội phát triển theo hướng lành mạnh hơn.
03 - Những lĩnh vực ít người để ý
Tất nhiên, vẫn có một số người cao tuổi chọn đi con đường riêng. Họ dũng cảm hòa nhập vào thế giới của giới trẻ, xem anime mà người trẻ yêu thích, chơi những trò chơi mà họ đang đam mê.
Một người phụ nữ 50 tuổi đến từ Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, hiện đang là streamer game trên Douyin (phiên bản Tiktok tại Trung Quốc).
Di chuyển mượt mà, thao tác linh hoạt, thậm chí còn có thể đặt bẫy tinh vi để hạ gục đối thủ.
Trong một trận đấu, cô loại bỏ 18 người, trở thành một tay súng cừ khôi và nhận được sự hâm mộ, yêu thích từ giới trẻ.
Một blogger 90 tuổi khác tự gọi mình với biệt danh "Mẫn Từ Bất Lão". Có nghĩa là, xét về tuổi tác thì đã già, nhưng xét về tinh thần, bà thấy mình không hề già. Với mái tóc bạc trắng và chất giọng "Quảng Phổ" (tiếng Quảng Đông pha tiếng phổ thông), bà dùng ngôn từ thân thiện và phong thái tự nhiên để thu hẹp khoảng cách với những người hâm mộ trẻ tuổi. Đôi khi, bà còn nói tiếng Quảng Đông để giới thiệu các món ăn đặc sản của vùng. Câu nói mà bà thường nhắc đi nhắc lại là: "Công nghệ không quên người cao tuổi, chỉ cần chúng ta chịu học."
Bà từng theo học trường sư phạm nhưng không có cơ hội vào đại học, và niềm đam mê duy nhất trong đời chính là học tập. Nhờ niềm tin mãnh liệt đó, bà đã làm việc quần quật ngày đêm để cả bốn cô con gái đều thi đỗ đại học, hoàn thành tâm nguyện cả đời của mình.
Bằng chính trải nghiệm của mình, bà đã chứng minh một điều: Tuổi tác, thực chất chỉ là một con số, chứ không phải xiềng xích trói buộc sự phát triển của một con người.
Chỉ cần giữ tinh thần trẻ trung và yêu cuộc sống, bất cứ lúc nào cũng có thể sống một cuộc đời rực rỡ theo cách riêng của mình!