TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục

18/06/2023 10:26 AM | Kinh doanh

Cứ 5 thanh niên thì 1 người thất nghiệp ở Trung Quốc cùng với tỷ lệ gửi tiết kiệm ngân hàng cao kỷ lục đang khiến người dân ngày càng thờ ơ với thương mại điện tử.

TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay ngày lễ mua sắm giữa năm (18/6, hay còn gọi là 618) thường là cơ hội để các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử Trung Quốc bùng nổ với vô số khuyến mãi, giảm giá. Thế nhưng năm 2023 này lại là một năm ảm đạm khi người tiêu dùng lo lắng về tình hình giảm tốc thu nhập, kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng...

Thông thường 18/6 sẽ là một trong hai ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng năm nay các hộ gia đình lại gặp vấn đề về tài chính hậu đại dịch nên buộc phải cắt giảm chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ ở Trung Quốc lên đến mức kỷ lục 20% trong khi hàng loạt ngành nghề, từ bất động sản đến giáo dục, công nghệ, ngân hàng...đều gặp vấn đề.

TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục - Ảnh 2.

Người dân Trung Quốc ngày càng thờ ơ với những lễ hội mua sắm trực tuyến có khuyến mãi khủng

Những yếu tố này khiến dù các doanh nghiệp tung mọi chiêu thức marketing cũng chẳng thuyết phục được người tiêu dùng rút ví nhiều như các năm trước.

“Tôi ngày càng mệt mỏi với những ngày hội mua sắm trực tuyến. Tôi tốn cả đống tiền chỉ để chất đầy nhà các sản phẩm chẳng mấy khi dùng đến. Mọi người giờ đây đang gặp áp lực tài chính và chẳng muốn chi tiêu nhiều cho dù họ còn tiền tiết kiệm. Tôi có những người bạn vì giảm thu nhập mà đã phải chuyển con từ trường tư nhân đắt đỏ sang ngôi trường rẻ hơn”, giám đốc Nicole Liu của một hãng thương mại điện tử tại Thượng Hải thừa nhận khi cho biết bản thân không nhận được bất kỳ khoản thưởng nào trong năm vừa qua.

Đìu hiu

Ngày lễ 618 được hãng thương mại điện tử JD.com nổi tiếng của Trung Quốc cổ xúy nhằm đối trọng với ngày lễ độc thân 11/11 của Alibaba. Đây là năm đầu tiên JD.com tổ chức lại ngày lễ này sau quãng thời gian gián đoạn vì đại dịch.

Tuy nhiên theo Nikkei, tình hình tài chính khó khăn hậu đại dịch cùng nền kinh tế gặp nhiều thách thức đã kìm hãm thị trường tiêu dùng năm nay.

Dù là ngày lễ mua sắm lớn nhưng phần lớn các nền tảng thương mại điện tử năm nay đều từ chối công bố tổng giá trị giao dịch (GMV). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cả Alibaba và JD.com từ chối công bố GMV, một dấu hiệu được nhiều chuyên gia đánh giá là sự thoái trào khỏi thời hoảng kim của ngành thương mại điện tử.

Thậm chí Alibaba còn “dằn mặt” các hãng cung cấp số liệu về hậu quả nếu họ công bố GMV của các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn như Tmall hay Taobao.

“Năm nay, những số liệu về doanh số cứ như thứ gì đó nhạy cảm vậy”, một nhân viên của một hãng số liệu nói với Nikkei.

TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục - Ảnh 3.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định dù người dân vẫn còn tiền nhưng sức mua lại cực kỳ yếu, qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.

“Tiền tiết kiệm hộ gia đình tại Trung Quốc đã lên mức cao kỷ lục, qua đó cho thấy mọi người không muốn dùng tiền gửi ngân hàng của mình để chi tiêu hay đầu tư cho các ngành như bất động sản, vốn đang gặp khó về thanh khoản. Chúng ta đang chứng kiến sự thiếu niềm tin lan rộng trên thị trường chứ không riêng gì ngành bán lẻ”, người đứng đầu mảng nghiên cứu vĩ mô tại Châu Á của Pictet Wealth Management, ông Dong Chen cảnh báo.

Nhu cầu tiêu dùng yếu khiến các nền tảng thương mại điện tử đua nhau khuyến mãi hoặc tung các chiêu trò giảm giá kích thích trong mùa lễ hội mua sắm năm nay, qua đó càng gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường.

Cả Alibaba và JD đều cho biết họ đã đầu tư kỷ lục vào các chương trình giảm giá, khuyến mãi trong năm nay. Vô số nền tảng thương mại điện tử khác cũng chạy đua giảm giá khi những ông lớn như Xiaohongshu hay WeChat cũng muốn nhảy vào mảng livestream bán hàng.

Theo ước tính của chuyên gia Alicia Yap thuộc Citi Group, dù JD.com kỷ niệm 20 năm thành lập trong năm nay với khoản tiền lớn cho các chương trình khuyến mãi nhưng tăng trưởng GMV có lẽ chỉ đạt 2-5%.

Con số này thấp hơn nhiều so với năm ngoái khi JD công bố GMV đạt 379,3 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 53 tỷ USD, chỉ trong 18 ngày lễ mua sắm giữa năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước đó.

TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục - Ảnh 4.

Niềm tin sứt mẻ

Chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Yi của iiMedia Reseach nhận định ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn và mọi người hiện nay không còn mặn mà với những đợt lễ mua sắm lớn. Thay vào đó, người tiêu dùng Trung Quốc coi thương mại điện tử chỉ là công cụ tiêu dùng bình thường hàng ngày như những kênh bán lẻ khác.

“Một số doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu dao động khi phải đầu tư quá nhiều cho những đợt giảm giá khủng trong các dịp lễ mua sắm trực tuyến”, chuyên gia Zhang đánh giá.

Tờ Nikkei cho hay Trung Quốc đang cố chuyển mình từ phụ thuộc xuất khẩu và bất động sản sang mảng tiêu dùng cho tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng trong 3 năm qua, sức mua nội địa của thị trường này bị đánh giá là đã giảm tốc.

Các yếu tố địa chính trị, xung đột thương mại đang ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và các chuyên gia cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ cần tung ra những biện pháp kích thích mạnh nếu muốn giữ tăng trưởng.

Bên cạnh đó, hàng loạt những thông tin tiêu cực như tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ cao kỷ lục trong tháng 5/2023, doanh số bán lẻ thấp hơn kỳ vọng, tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 5,4% GDP trong quý I/2023...càng khiến tình hình trở nên khó khăn.

Trong tuần lễ vàng du lịch tháng 5/2023, hoạt động ngành du lịch tại Trung Quốc đã vượt qua so với mức trước đại dịch. Tăng trưởng của các hãng bán lẻ lớn và tập đoàn kinh doanh ăn uống tương ứng đạt 18,9% và 57,9%. Thế nhưng con số này là so sánh với năm ngoái khi các lệnh giãn cách vẫn còn.

Mặc dù số lượng chuyến du lịch trong tuần lễ vàng tăng 19,1% so với năm 2019 trước đại dịch nhưng tổng doanh thu của ngành lại chỉ tăng 0,66%, qua đó cho thấy du khách cũng hạn chế chi tiêu.

TMĐT thoái trào tại Trung Quốc: Các ngày lễ mua sắm online mất giá, người dân không chịu rút ví khi thất nghiệp kỷ lục - Ảnh 5.

Chuyên gia kinh tế trưởng Tao Wang của UBS chi nhánh Trung Quốc thì cho biết chi tiêu cho mảng đồ gia dụng xa xỉ hiện nay cũng yếu khi ngành bất động sản gặp khó.

Tệ hơn, sự siết chặt của chính quyền Bắc Kinh với các ngành công nghệ, giáo dục, bất động sản khiến hàng loạt doanh nghiệp phải sa thải lớn để cắt giảm chi phí càng tạo nên vòng luẩn quẩn khi người tiêu dùng mất thu nhập để có thể chi tiêu.

Tờ Nikkei cho hay hiện 1/5 số thanh thiếu niên 16-24 tuổi tại Trung Quốc, tương đương 6,5 triệu người đang thất nghiệp.

Hệ quả là vô số người nộp đơn cho ngành dịch vụ chia sẻ vốn không cần nhiều bằng cấp hay yêu cầu. Số liệu của nền tảng Meituan cho thấy lượng tài xế giao đồ ăn nhanh của công ty này đã tăng 1 triệu người năm 2022, đạt 6,24 triệu tài xế. Con số này cao hơn so với 570.000 tài xế tăng thêm năm 2021 và 710.000 năm 2020.

Theo Nikkei, số lượng tài xế ngành chia sẻ dịch vụ chở khách cũng tăng mạnh 60% so với 2 năm trước, đạt 5,41 triệu người. Thế nhưng trớ trêu là nhu cầu dùng ứng dụng gọi xe lại giảm trong cùng kỳ khi người dân tiết kiệm chi tiêu.

Giáo sư kinh tế Yao Yang của trường đại học Bắc Kinh cho biết Trung Quốc nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% GDP trong năm nay thì ngành tiêu dùng ít nhất phải tăng trưởng 6,36%, một nhiệm vụ chẳng hề dễ dàng chút nào trong bối cảnh sứt mẻ niềm tin như hiện nay.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM