Digital Story 2014: Quyền lực người tiêu dùng ngày càng lớn, hãy biết kể chuyện thông minh

11/06/2014 12:36 PM | Marketing

Sự phát triển của mạng xã hội dẫn đến quyền lực của người tiêu dùng ngày càng lớn, vì thế khi làm Content Marketing, doanh nghiệp cần kể những câu chuyện một cách thông minh và giàu cảm xúc để hướng tới họ.

Trên đây là ý kiến của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại hội thảo “Content Marketing – Khi Click và Brick song hành” do Admicro tổ chức vào ngày 10/6/2014 tại TP.HCM.

Quyền lực người tiêu dùng ngày càng lớn

Trong các trao đổi của mình tại hội thảo, nói về Marketing 3.0, ông Nguyễn Đình Thành, giám đốc tư vấn chiến lược truyền thông của Le Bros, cho biết, Content Marketing hiện nay phải chú trọng vào môi trường, xã hội, đạo đức và sự bền vững. 

Nếu trước đây người tiêu dùng chỉ nghe một chiều qua báo chí, giờ đây sự phát triển của mạng xã hội đã thay đổi mọi thứ. 

Quyền lực của người tiêu dùng ngày càng lớn và hành vi tiêu dùng cũng thay đổi, kết hợp với nhiều tiến bộ khoa học, họ trở thành một nguồn phát thông tin quan trọng và đầy quyền lực. 

Người tiêu dùng bây giờ có thể vào vai Tổng biên tập một tờ báo hay vào vai Tổng giám đốc một đài truyền hình và họ giảm tỉ lệ phụ thuộc vào báo chí, cũng như tăng tương tác và chia sẻ trên mạng xã hội.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc của T&A Ogilvy cũng chia sẻ, trong kỉ nguyên nội dung và mạng xã hội hiện nay, câu chuyện của người tiêu dùng có tác động và lan tỏa rất lớn, họ dùng rất nhiều hình thức để truyền tải và phát ngôn trên báo chí của doanh nghiệp là không đủ. 

Kèm theo đó việc xử lý khủng hoảng cũng thay đổi, nó diễn ra từng phút, từng giờ…và lan tỏa trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, thông tin được chia sẻ tới hàng triệu người, xuất hiện hàng triệu chuyên gia pháp lí…

Hãy kể những câu chuyện thông minh và giàu cảm xúc

Với việc quyền lực người tiêu dùng ngày càng lớn và sự phát triển của mạng xã hội hay các kênh truyền thông số, theo các chuyên gia, doanh nghiệp làm Content Marketing cần kể nhiều câu chuyện một cách thông minh và giàu cảm xúc để hướng đến người dùng.

Theo ông Nguyễn Đình Thành, giám đốc tư vấn chiến lược truyền thông của Le Bros, những câu chuyện được kể phải có mối liên hệ với DNA của thương hiệu, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn và thông tin càng hay càng tốt. 

Nội dung hay chưa đủ mà còn cần cách thể hiện và sự tiện dụng, có sự liên hệ giữa các kênh từ truyền thống đến Digital. Câu chuyện còn liên quan đến các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, ngoài ngôn ngữ, lịch sử…, có các giá trị như chăm sóc, chia sẻ, công bằng, độc đáo, dám thể hiện và câu chuyện không bao giờ dừng lại.

Ông Lê Quang Vũ, Giám đốc Blue C cũng cho biết thêm, câu chuyện phải kể nhiều ngôi, nhiều đối tượng, thay đổi nội dung phù hợp với từng kênh và tiêu chí khách hàng. Câu chuyện được kể phải khác biệt, tạo ra trải nghiệm, có tình cảm, sự gắn bó và kết nối. 

Thông tin được truyền tải một cách ý nghĩa và thương hiệu được truyền tải tự nhiên, dễ chia sẻ và phải có cái liên quan đến doanh nghiệp nhưng không phải là một bài quảng cáo. Phải tạo ra hệ sinh thái nội dung, câu chuyện vẫn vậy nhưng cách kể khác nhau sẽ tạo ra sự thành công của thương hiệu.

Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc của T&A Ogilvy chia sẻ, trước những khủng hoảng, những câu chuyện của người dùng trên các kênh truyền thông hay mạng xã hội, doanh nghiệp khi làm content marketing phải thông minh bởi nó là một chìa khóa mới; Phải biết nhận thức là một cách mới để lắng nghe; Phải biết tiếp thị câu chuyện là cách mới để tạo dựng niềm tin; Phải có ủng hộ xã hội là sức ảnh hưởng mới; Dữ liệu tức thời là chìa khóa mới để xây dựng mối quan hệ.

Theo ông Sơn, khi người tiêu dùng tạo ra những câu chuyện làm ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, doanh nghiệp cần sử dụng các câu chuyện để phản hồi các hình ảnh đấy. Họ đưa hình ảnh lên các kênh nào mình cũng phản hồi lại trên các kênh đó, cần có các phản ứng tức thời và xây dựng câu chuyện đầy thông minh và giàu cảm xúc.

Phan Đặng Trà My, Giám đốc điều hành của Admicro cũng nhấn mạnh, khi kể một câu chuyện cần phải xác định mục tiêu của cả thương hiệu, đối tượng của nó ở đâu, câu chuyện phải có mục tiêu dài hạn, có các kế hoạch từng giai đoạn như ngắn, trung hạn, dài hạn. 

Cách truyền tải và hình thức chuyển tới người dùng cũng rất quan trọng, câu chuyện cần có cách thu hút, thậm chí là biến mình thành người nổi tiếng để mọi người quan tâm. Và đặc biệt, câu chuyện phải được kể đúng thời điểm và bắt được cảm xúc người dùng.


Theo Lê Mỹ

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM