Thuê công ty ODM Trung Quốc để sản xuất smartphone giá rẻ - "chiến lược con dao 2 lưỡi" của Samsung
Dù không thích thú gì điều này, nhưng Samsung hiểu rằng việc thuê các ODM Trung Quốc để sản xuất smartphone giá rẻ là điều không thể tránh khỏi hiện nay.
Một báo cáo mới của Reuters cho thấy, Samsung đang có kế hoạch outsource đến 1/5 sản lượng smartphone của mình cho một công ty ODM (Nhà thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng) của Trung Quốc vào năm tới để cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ giá rẻ của Huawei và Xiaomi. Tuy nhiên, một người thân cận với sự việc cho rằng chiến lược này sẽ đi kèm với nhiều rủi ro.
Theo báo cáo trên, Samsung chuyển việc sản xuất các phiên bản Galaxy A cho các nhà thầu bên ngoài như hãng Wingtech và các nhà ODM khác tại Trung Quốc. Dự kiến có khoảng 60 triệu điện thoại của Samsung sẽ do các hãng này sản xuất.
Wingtech và nhiều nhà ODM khác đã sản xuất điện thoại cho nhiều thương hiệu khác nhau – bao gồm Huawei, Xiaomi và Oppo – giúp họ tận dụng được lợi thế kinh tế về quy mô, giúp giảm chi phí và phát triển các mẫu điện thoại giá rẻ với tốc độ nhanh hơn.
Chiến lược không thể tránh khỏi
Nhiều nhà phê bình cho rằng chiến lược này sẽ làm Samsung mất khả năng kiểm soát chất lượng và làm giảm năng lực sản xuất của mình vì việc thuê ngoài. Thậm chí có người còn lo ngại rằng, chiến lược này sẽ giúp đỡ các đối thủ khi gia tăng khối lượng cần thiết cho các nhà thầu để họ có thể hạ chi phí xuống thấp hơn nữa.
Thêm vào đó, Samsung có thể sẽ khó chống đỡ nổi một cuộc khủng hoảng khác về chất lượng. Năm 2016, Samsung từng gặp nhiều khó khăn khi xử lý vấn đề cháy nổ của Galaxy Note7 và mới đây nhất, họ lại phải lùi thời hạn ra mắt của Galaxy Fold đến nửa năm do các lỗi đối với màn hình gập của thiết bị.
Nhưng theo những người thân cận với kế hoạch này, lợi nhuận mỏng manh của dòng smartphone giá rẻ làm Samsung có rất ít lựa chọn ngoài việc học tập đối thủ và sử dụng các nhà ODM để cắt giảm chi phí. "Đó là chiến lược không thể tránh khỏi chứ không phải là một chiến lược tốt." Một nguồn tin của Reuters cho biết.
Samsung cho biết trong tuyên bố gửi tới Reuters rằng, họ đang chuyển việc một vài dòng smartphone giới hạn sang các hãng bên ngoài để mở rộng danh mục sản phẩm hiện tại và "đảm bảo quản lý hiệu quả trên thị trường." Công ty từ chối cho biết sẽ có bao nhiêu điện thoại Samsung được sản xuất bởi các hãng ODM và chỉ hé lộ rằng khối lượng vẫn chưa được xác định.
Ưu thế linh kiện giá rẻ của các ODM
Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho biết, các nhà ODM có thể thu mua tất cả các thành phần cần thiết cho smartphone giá rẻ (giá từ 100 USD đến 250 USD) với chi phí thấp hơn từ 10% đến 15% so với các thương hiệu lớn có nhà máy riêng ở Trung Quốc.
Một nguồn tin của Reuters trong chuỗi cung cấp cho rằng, Wingtech có thể mua được một số bộ phận với giá rẻ hơn 30% so với Samsung Electronics mua tại Việt Nam, nơi họ có 3 nhà máy khổng lồ sản xuất smartphone, TV và đồ gia dụng.
Wingtech bắt đầu sản xuất tablet và điện thoại cho Samsung từ năm 2017, với sản lượng chiếm khoảng 3% tổng số smartphone của họ. Theo IHS Markit, con số này dự kiến sẽ tăng lên 8%, tương đương với 24 triệu đơn vị sản phẩm trong năm nay.
Series Galaxy A ra mắt trong thời gian vừa qua của Samsung.
Các nguồn tin cho biết, kế hoạch outsource của Samsung sẽ hướng đến các dòng Galaxy A tầm trung và giá rẻ với việc Wingtech sẽ tham gia vào cả thiết kế và sản xuất. Ví dụ, một trong những thiết bị đang được outsource là Galaxy A6S, có giá 185 USD ở Trung Quốc.
Một nguồn tin cho hay, các smartphone do Wingtech sản xuất sẽ chủ yếu dành cho thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ. Samsung đang tận dụng cơ hội Huawei bị dính lệnh trừng phạt của Mỹ để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế. Thuê các ODM sản xuất smartphone sẽ giúp Samsung củng cố ngôi đầu về thị phần toàn cầu, đồng thời giảm rủi ro về lợi nhuận khi tự sản xuất smartphone giá rẻ.
CW Chung, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của hãng Nomura tại Hàn Quốc cho biết: "Điện thoại giá rẻ đang là cơn đau đầu cho Samsung." Chung cho rằng, giờ đây chúng như các hàng hóa thông thường và thật "vô nghĩa" khi tiếp tục tự mình sản xuất chúng.
Nhưng Chung và các chuyên gia khác cũng cho rằng nếu Samsung tạo điều kiện cho các nhà ODM hoạt động hết công suất, nó sẽ giúp các nhà thầu giảm chi phí hơn nữa và có thêm kinh nghiệm và kiến thức về hoạt động sản xuất smartphone. Điều đó nghĩa là các đối thủ của Samsung đang được những nhà ODM này gia công cũng sẽ tận dụng được các kiến thức và kỹ năng đó.
"Nếu các hãng ODM trở nên cạnh tranh hơn, nghĩa là các đối thủ của họ cũng cạnh tranh hơn." Tom Kang, nhà phân tích tại Counterpoint cho biết. Ông còn bổ sung thêm rằng, khi một nhà sản xuất đã mất đi chuyên môn trong việc sản xuất các sản phẩm giá rẻ cho thuê ngoài, sẽ rất khó lấy lại các kỹ năng đó.
Con dao hai lưỡi trong trò chơi sinh tồn
Ông Chung cũng cho rằng, chiến lược chuyển dịch sản xuất của Samsung cũng là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm về năng lực sản xuất của công ty, vốn từng là một nhà sản xuất giá rẻ của châu Á và sau đó vươn lên trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng cao cấp.
Dù đối thủ Apple của họ cũng outsource sản phẩm thông qua hãng Foxconn Technology với các nhà máy tại Trung Quốc, nhưng họ vẫn thiết kế smartphone của mình tại California.
Trong email phản hồi báo cáo của Reuters, Samsung cho biết họ sẽ tham gia giám sát quá trình thiết kế và phát triển smartphone của các ODM. Samsung hiểu rằng các nhà thầu tiết kiệm chi phí bằng cách cắt giảm một số bước trong quy trình sản xuất, điều có thể gây ra rủi ro về chất lượng.
Do vậy, Samsung đang kết hợp với các nhà cung cấp linh kiện Hàn Quốc cho các hãng ODM Trung Quốc để theo dõi chặt chẽ hơn việc kiểm soát chất lượng.
"Chúng tôi hiểu logic của việc tăng khối lượng sản xuất thông qua các nhà thầu Trung Quốc là một quyết định kinh doanh chiến lược, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi vui vẻ với nó." Giám đốc của một nhà cung cấp linh kiện Hàn Quốc cho biết.
Samsung nói với Reuters rằng, họ sẽ áp dụng cùng các hệ thống kiểm tra chất lượng và tiêu chuẩn tương tự như họ làm với các thiết bị của mình, đồng thời bổ sung các cam kết về việc mang lại các sản phẩm chất lượng.
Dù nhiều năm nay Samsung luôn tự sản xuất và thiết kế các điện thoại của mình, nhưng theo hai nguồn tin của Reuters, ông Roh Tae-mon, giám đốc điều hành trẻ nhất trở thành chủ tịch của Samsung Electronics – người có vị trí cao thứ hai tại bộ phận mobile, lại đang ủng hộ chiến lược ODM.
Các hãng Hàn Quốc khác cũng lựa chọn chiến lược outsource. LG Electronics với bộ phận smartphone đang thua lỗ từ nhiều năm nay, cũng cho biết về kế hoạch mở rộng sản lượng của các ODM với các điện thoại giá rẻ và tầm trung.
"Smartphone giờ đã trở thành cuộc chiến của chi phí. Đó là trò chơi sinh tồn vào lúc này." Ông Kim Yong-serk, cựu chủ tịch mảng di động của Samsung, người hiện đang là giáo sư tại Đại học Sungkyunkwan cho biết.