Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Để thực hiện rà soát bỏ các quy định quản lý cần trả lời được 3 câu hỏi
Mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã kiến nghị bãi bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Trong một cuộc họp khác về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu cho thấy, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Theo đó mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này (Số liệu của Viện Quản lý kinh tế Trung ương).
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, kết quả đã có nhưng chưa đạt so với kỳ vọng và so với tương quan kinh tế luôn biến động phát triển không ngừng không chỉ ở Việt Nam mà ở các các nước xung quanh.
Theo ông Hiếu, cách làm hiện nay là đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát toàn bộ lĩnh vực và tự rà soát từng thủ tục lại không hiệu quả. Theo đó chính các bộ ngành là nơi ban hành các quy định, là những người xây dựng chính sách, thực thi chính sách nhưng sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình vừa ban hành trước đó thì điều này không hiệu quả.
Ngoài ra việc tự rà soát nhưng không có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó. Nên theo ông Hiếu cần thay đổi cách làm, có cơ quan độc lập, tổ công tác thẩm định kết quả cuối cùng trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội
Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông lại cho rằng "Chúng ta cần có phản biện trong việc ban hành các chính sách và phải luôn khách quan, khoa học, tôn trọng quyền quản lý của mỗi bộ, mỗi doanh nghiệp. Chỉ có điều quy trình để cho DN và người dân tuân thủ phải tường minh, dễ hiểu".
Theo ông Đông, hiện các nước đều có quản lý, quy định pháp luật, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ. Quy trình thực hiện việc tuân thủ đó của doanh nghiệp còn quan trọng hơn nữa và giảm thiểu sự tùy tiện chủ quan của người quản lý. Sự tùy tiện của cơ quan quản lý xuất phát từ quy định quản lý không lượng hóa được, chỉ mang tính chất định tính.
Về quá trình rà soát bỏ các quy định quản lý theo Thứ trưởng Đông đầu tiên phải trả lời được câu hỏi "Nếu bỏ quy định đó đi thì thiệt hại, rủi ro cho nền kinh tế, cho xã hội là cái gì?". Nếu trả lời được sẽ có rủi ro như thế này thì phải tiếp tục trả lời câu thứ 2 "Vậy có giải pháp nào để quản lý tốt hơn không ngoài việc đặt ra quy trình thủ tục". Nếu không chỉ ra được giải pháp nào thì phải đưa ra các điều kiện về quản lý để cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện.
Ông nhấn mạnh ngay cả 2 câu hỏi kia đều cho câu trả lời bắt buộc phải ban hành thì cần giải quyết vấn đề tiếp theo là khi ban hành chi phí quản lý có xứng đáng với chi phí lợi ích mang lại hay không? Để thực hiện rà soát phải bám 3 câu hỏi lớn, nếu trả lời được ba câu hỏi đó cộng với việc làm rõ quy trình cho doanh nghiệp tuân thủ. Đối với cộng đồng doanh nghiệp nên tham gia thông qua các hiệp hội để phản ánh tiếng nói của mình và nhiệm vụ của các Hiệp hội nên tập trung nhiều hơn vào phản biện chính sách.