Hơn 2.000 điều kiện kinh doanh được đề nghị bãi bỏ là những điều kiện gì?
Trong phiên họp chuyên đề xây dựng dựng pháp luật của Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã kiến nghị bãi bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đề xuất :
- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện kinh doanh về tài chính
- Bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm
- Bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất
-Bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán
- Bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh
- Bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch
- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác
Thống kê rà soát điều kiện kinh doanh (cập nhật đến ngày 10/8/2017), nguồn MPI
Bàn về các điều kiện kinh doanh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương CIEM cho biết tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề vào khoảng 4.284 điều kiện. Trong đó 15 Bộ quản lý có quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó, Bộ Công thương là bộ có nhiều điều kiện kinh doanh nhất với con số lên đến 1.150 quy định.
Nguồn MPI
Thực tế hiện nay, các điều kiện kinh doanh đang ở hơn 230 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhiều nhất là ở cấp Nghị định với hơn 162 quy định.
Với thực tế như vậy, CIEM nhận định đây là một rào cản lớn cần phải được dỡ bỏ, nếu không sẽ khiến cho các doanh nghiệp nản lòng. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định sự bất hợp lý của những điều kiện kinh doanh là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về những điều kiện này.
“Lý do là quy định về điều kiện kinh doanh thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệp, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định”, ông nói.
Đồng thời, “rừng” điều kiện này, theo CIEM cũng đã và đang làm giảm cạnh tranh thị trường, giảm đổi mới sáng tạo doanh nghiệp và giảm năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Mặt khác, nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng tạo cơ hội cho sự tuỳ tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của cán bộ.
Ngoài ra, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh. Cụ thể, thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, đồng thời ban hành các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ rang để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhà nước cũng nên chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ví dụ, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Cuối cùng, Bộ đề xuất Chính phủ triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó,Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình.