Gần 2.000 điều kiện kinh doanh được đề nghị bãi bỏ

23/08/2017 09:15 AM | Xã hội

Kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD...

Ngày 22/8, Chính phủ đã họp chuyên đề xây dựng pháp luật, thảo luận 9 nội dung trong đó có kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tại đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bãi bỏ 1.930 yêu cầu, điều kiện về kinh doanh không phù hợp.

Theo đó, Bộ này đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính; bãi bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm; bãi bỏ toàn bộ 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất; bãi bỏ toàn bộ 127 điều kiện về phương thức kinh doanh; bãi bỏ toàn bộ 80 điều kiện về quy hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị bãi bỏ toàn bộ các điều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán; và bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.

Kiến nghị trên được nhấn mạnh là để thực hiện chủ trương cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, so sánh với các tiêu chuẩn của OECD, chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn thấp và đang góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu đang diễn ra quyết liệt hiện nay.

Bộ này kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD theo hướng thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn (an toàn cháy nổ, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ...); đồng thời ban hành các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Hai là chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Kiến nghị tiếp theo là triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó, Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình.

Theo Nguyễn Lê

Cùng chuyên mục
XEM