Sáu hệ lụy từ sự vô lý của nhiều điều kiện kinh doanh
Rủi ro chính sách nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng luôn là điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp...
Những tác động tiêu cực từ yếu kém của quy định về điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại và cản trở quyết tâm, giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nhận định này được nêu trong báo cáo của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng, về thực trạng của hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Nội dung này cùng với báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ngày 22/8.
Chưa phải cuối cùng
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4284 yêu cầu, điều kiện.
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ 66 luật , 3 pháp lệnh , 162 nghị định và 6 hiệp định.
Trong 15 bộ có quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất (1152), Bộ Tư pháp có ít điều kiện nhất (64).
Nhưng, CIEM lưu ý, đây chưa phải là còn số cuối cùng vì số lượng văn bản quy phạm pháp luật có chứa điều kiện kinh doanh là rất lớn và chưa tính đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn có nội dung điều kiện kinh doanh. Nếu tính đến nội dung của điều kiện kinh doanh, một số bộ, ngành khác cũng có liên quan, ví dụ như điều kiện về trật tự an ninh (kinh doanh karaoke) do Bộ Công An quy định và kiểm tra.
Các điều kiện kinh doanh được quy định khá đa dạng, có đến hàng trăm loại điều yêu cầu, điều kiện khác nhau nhưng theo khái quát của CIEM thì hay thay đổi và khó để có thể theo dõi, thống kê và cập nhật một cách chính xác, kịp thời
Hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh còn nhiều khiếm khuyết, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung - CIEM đánh giá.
Sáu hệ luỵ
Cụ thể hơn, báo cáo nêu 6 hệ luỵ từ những bất cập, khiếm khuyết trong quy định về điều kiện kinh doanh.
Thứ nhất, các điều kiện kinh doanh đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động. Có thể nói, sự bất hợp lý của điều kiện kinh doanh là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh.
Lý do là quy định về điều kiện kinh doanh thường yêu cầu phải có mặt bằng lớn, cở sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định...
Thứ hai, các điều kiện kinh doanh đang làm giảm cạnh tranh thị trường. Do các yêu cầu, điều kiện ngặt nghèo các nhà đầu tư tiềm năng không thể gia nhập thị trường, không tạo ra áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh thường gắn với hàng hóa, dịch vụ của một đơn vị công lập hoặc được Nhà nước chỉ định, tạo ra lợi thế độc quyền, cản trở các nhà đầu tư tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ điển hình là các yêu cầu phải được đào tạo và cấp chứng chỉ bởi cơ quan hành chính, sự nghiệp nhà nước.
Thứ ba, các điều kiện kinh doanh đang làm giảm động lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Nhiều điều kiện kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải kinh doanh theo một phương thức nhất định, phải sử dụng một loại công nghệ nhất định, phải thành lập một loại doanh nghiệp nhất định. Các quy định của điều kiện kinh doanh thường mô tả chi tiết, cứng nhắc cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp không có không gian để đổi mới, sáng tạo, tạo ra nhu cầu mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tốt hơn, góp phần nâng cao tiềm năng và chất lượng tăng trưởng.
Thứ tư, nhiều điều kiện kinh doanh đang làm giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều điều kiện kinh doanh làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, làm giảm giá trị gia tăng doanh nghiệp có thể tạo ra, qua đó làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Quy định của điều kiện kinh doanh khiến cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam mất nhiều thời gian để tìm hiểu quy định, tiếp xúc với cán bộ nhà nước để tuân thủ pháp luật hoặc tránh bị phạt, không có thời gian nâng cao chất lượng quản lý doanh nghiệp, tìm kiếm phương thức canh doanh mới hiệu quả hơn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có năng suất thấp và không cạnh tranh được.
Thứ năm, nhiều điều kiện kinh doanh tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Nhiều giấy phép kinh doanh có thời hạn ngắn, khiến doanh nghiệp khó dự liệu cho tương lai, không muốn đầu tư lớn. Nhiều điều kiện kinh doanh yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch trong khi Nhà nước chưa có quy hoạch và quy hoạch có nhiều thay đổi. Rủi ro chính sách nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng luôn là điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp trong các cuộc khảo sát ý kiến doanh nghiệp (PCI và một số khảo sát khác).
Thứ sáu, nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện trong quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của một số cán bộ. Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định chung chung, không rõ ràng, không cụ thể, ví dụ như: “rõ ràng”, “phù hợp”, “đủ”, “sạch sẽ”, “thoáng mát”, “có đủ”, “thuận tiện”, “thích hợp”, “có đạo đức tốt’, “đủ sức khỏe”...
Những điểm không rõ ràng này chính là cơ sở để một số cán bộ vòi vĩnh doanh nghiệp, gây ra chi phí phi chính thức lớn cho doanh nghiệp - theo báo cáo của CIEM.