Thu nhập của lao động ngành dầu khí: "Thời oanh liệt" nay còn đâu?

16/11/2016 08:49 AM | Kinh doanh

Giá dầu giảm sâu trong 2 năm trở lại đây đã đặt các công ty dầu khí vào trạng thái khó khăn chồng chất. Giảm lương, cắt thưởng, chấm dứt hợp đồng lao động… những khái niệm này đã dần quen với người lao động trong ngành dầu khí. Và dự đoán tình hình sẽ chưa sớm được cải thiện.

Lương tháng ngàn đô nay rơi vào cảnh thất nghiệp

Lãnh đạo một số DN cho biết, năm 2015 kế hoạch giảm áp lực tài chính đã được thực hiện bằng chính sách giảm lương, giảm nhân sự và giảm chi phí sản xuất. Thậm chí, một số DN đã sáp nhập các phòng, ban và giải thể một số bộ phận để giảm bớt gánh nặng tài chính. Đến thời điểm này, giá dầu vẫn ở mức thấp, vì thế không ít DN tiếp tục xem xét dừng mỏ đang khai thác và cắt giảm lao động. Những DN dịch vụ dầu khí không có đơn đặt hàng trong suốt thời gian dài cũng buộc phải cho lao động nghỉ việc. Thực tế này dẫn tới việc đời sống của hàng ngàn lao động rơi vào cảnh khó khăn, thu nhập giảm.

Kể từ tháng 3-2016 tới nay, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại Công ty TNHH Dịch vụ Schlumberger (TP.Vũng Tàu), anh Đỗ Anh Nam (36 tuổi) đã không ngừng tìm kiếm việc làm mới nhưng chưa có tín hiệu khả quan nào. Anh Nam buồn bã cho biết, việc chấm dứt công việc sau 10 năm gắn bó tại Schlumberger là điều anh chưa từng nghĩ tới. Tuy nhiên, do công ty phải cắt giảm 60% lao động nên đành phải chấp nhận”.

“Tôi nghĩ công ty cũng đã cố gắng nhằm tạo việc làm cho lao động. Song với tình hình này thì không thể giữ lại hết tất cả mọi người. Vì thế, tôi và những anh em khác cũng rất chia sẻ với công ty và chỉ hy vọng giá dầu sớm phục hồi để được đi làm trở lại”, anh Nam nói.

Kể từ khi anh Nam mất việc làm, cuộc sống gia đình anh hoàn toàn đảo lộn. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình, vợ chồng anh đều phải tính toán nhiều hơn, những khoản mua sắm không cần thiết đều được cắt giảm. May mắn sau khi nghỉ việc anh được lĩnh tiền BHTN mỗi tháng 10 triệu đồng trong vòng 7 tháng nên cũng cầm cự được một thời gian. “Về lâu dài tôi chưa biết cuộc sống sẽ thế nào vì mình là trụ cột của gia đình. Trước kia, thu nhập ổn nên có thể thoải mái lo cho con cái, còn giờ thì khác. Hiện tại, tôi chỉ mong tìm được việc làm mới”.

Thực tế, không ít NLĐ trong DN dầu khí hiện nay đang còn làm việc nhưng chỉ trong tình trạng “ngồi chơi xơi nước”. Anh N.Q.Đ, kỹ sư Công ty TNHH Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTCS M&C) cho rằng, cả mấy tháng nay anh em không còn việc để làm. Hơn 2.000 CNLĐ tại Công ty TNHH PTCS M&C đã buộc phải nghỉ việc. “Từ khi giá dầu giảm thì tất cả dự án phát triển mỏ đều tạm ngưng vô thời hạn. Đó là những lý do công ty dầu khí tạm dừng hoạt động. Hiện tại, công việc tôi đang làm thuộc dự án của một nhà thầu vừa bị phá sản, tôi phải chờ việc. Theo tôi thì thị trường lao động của BR-VT trong ngành dầu khí đang rất kém. Các công ty khác cũng đều trong tình trạng này. Mức thu nhập của NLĐ giảm nhiều so với trước”, anh Đ. nói.

Tìm cách vượt khó

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành dầu khí, hàng ngàn NLĐ buộc phải tìm việc khác để xoay xở. Nhiều NLĐ vốn là kỹ sư chuyên ngành dầu khí nhưng khi rơi vào tình trạng mất việc đã buộc phải chấp nhận làm công việc của lao động phổ thông. Là kỹ sư lắp ống thuộc Công ty TNHH Minh Việt (TP.Vũng Tàu) chuyên cung cấp nhân lực trong lĩnh vực dầu khí, thời điểm dự án nhiều, lương của của anh Võ Chí Linh mỗi ngày ít nhất cũng ở mức 350 ngàn đồng. Từ tháng 8-2016, các dự án đều ngưng, anh Linh bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Mất việc, Linh xin làm công nhân tại xí nghiệp đóng tàu ở KCN Đông Xuyên, với thu nhập chỉ tương đương lao động phổ thông là hơn 200 ngàn đồng/ngày.

Không chỉ NLĐ bị mất việc từ cuộc khủng hoảng giá dầu mà các công ty thuộc lĩnh vực dầu khí còn phải đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám” đối với thị trường lao động BR-VT vì lực lượng lao động giỏi có tay nghề di chuyển ra nước ngoài làm việc rất đông. Ông Lê Hóa, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dịch vụ Schlumberger (TP.Vũng Tàu) cho biết, đã có khoảng 70 lao động tại BR-VT chuyển sang các nước khác làm việc, số còn lại làm việc cầm chừng. “Thực tế tình hình này đang khiến nhiều lao động trong lĩnh vực dầu khí bất an. Trước tình hình này, CĐ Công ty chúng tôi cố gắng động viên NLĐ chia sẻ khó khăn với DN. Với những trường hợp mất việc thì CĐ hỗ trợ một phần kinh phí nhằm động viên NLĐ”, ông Hóa cho biết thêm.

Trong bối cảnh khó khăn, để giữ lại nguồn nhân lực, một số DN buộc phải chuyển lao động sang làm việc thông qua công ty trung gian nhằm giảm chi phí. Một kỹ sư làm việc tại Cảng Vietsovpetro cho biết, hiện nay, nhiều lao động đã chuyển sang ký hợp đồng làm việc với công ty khác trên danh nghĩa, nhưng vẫn làm việc thực tế cho công ty cũ. Nghĩa là những lao động này vẫn làm việc cho công ty nhưng là người của công ty khác. Đồng thời, với những vị trí lao động nghỉ hưu thì DN không tuyển thêm. Đối với hợp đồng thời vụ thì sẽ giãn hoặc không ký tiếp. “Do những dự án dịch vụ bên ngoài hầu như không có nên rõ ràng lượng công việc giảm nhiều. Hiện nay, thu nhập của tôi chưa bằng ½ so với trước và các khoản phụ cấp khác đều bị cắt giảm”, kỹ sư này nói.

Hiện nay, các DN thuộc lĩnh vực dầu khí cho người lao động nghỉ việc dưới 2 dạng: thứ nhất là hoãn hợp đồng lao động để chờ việc; thứ hai là khuyến khích thỏa thuận thôi việc và công ty trả một khoản tiền nhất định. Những cách giải quyết đó đều phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động, sắp tới, Sở LĐTBXH sẽ sà soát thêm.

(Ông Nguyễn Phi Hùng,

Trưởng Phòng An toàn lao động việc làm, Sở LĐTBXH)

Vietsovpetro hiện có 7.291 ngàn lao động. Để cân đối tài chính, Vietsovpretro đã phải cắt giảm chi phí, giãn tiến độ các dự án nên các khoản phụ cấp, trợ cấp của NLĐ cũng bị cắt, giảm. Tuy nhiên, NLĐ đều đồng lòng chia sẻ với đơn vị. Chúng tôi luôn xác định, dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng bảo đảm việc làm cho NLĐ.

(Ông Hoàng Phúc Long, Phó Chủ tịch CĐCS Vietsovpetro)

Theo Đông Trúc

Cùng chuyên mục
XEM