Thiếu sự cảm thông, Silicon Valley có thể thành "ác quỷ" giống Phố Wall

29/11/2016 20:43 PM | Công nghệ

Nếu tiếp tục thiếu cảm thông với những người có cuộc sống bị hủy hoại bởi công nghệ, đến năm 2020, Silicon Valley có thể trở thành một "con quỷ" giống như Phố Wall.

Silicon Valley dường như đã mất đi chút sinh khí kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đường phố San Francisco - một phần tinh thần của thung lũng - bớt náo nhiệt. Các cuộc nói chuyện trong quán café trở nên trầm lắng.

Bầu không khí yên lặng đôi khi bị phá vỡ bởi tiếng hô của người biểu tình. Lãnh đạo, nhân viên và những người làm nên toàn bộ hệ sinh thái công nghệ có vẻ đang bị xáo trộn và vẫn còn sốc vì Donald Trump thắng cử.

Một cuộc nói chuyện có chủ đề Trump là kẻ thù của thung lũng Silicon và sự hối tiếc vì giới công nghệ chưa làm đủ để đưa Hillary Clinton vào Nhà Trắng. Người khác lại cho rằng con quỷ thật sự chính là những gã khổng lồ Silicon, đặc biệt là Twitter, Facebook và Google vì đã truyền bá tin tức xuyên tạc, làm mất thanh danh Clinton và giúp Trump được bầu chọn.

Những lời buộc tội ấy không bất ngờ với Om Malik, cây bút của tạp chí NewYorker. Với anh, thất bại lớn nhất của thung lũng Silicon không phải là tiếp thị sản phẩm nghèo nàn, thất hứa mà chính là thiếu vắng sự cảm thông với những người có cuộc sống bị làm phiền bởi ma thuật của công nghệ.

Hai năm trước, anh từng viết trên blog: “Điều quan trọng với chúng ta là nói về tác động xã hội mà Google đang làm hay cái mà Facebook có thể làm với dữ liệu. Liệu nó có thể ảnh hưởng đến cảm xúc (để gia tăng sự kết nối), nó có thể can thiệp vào quy trình chính trị”.

Có lẽ đã đến lúc để những người phổ biến công nghệ tự hỏi bản thân vài câu hỏi khó, bắt đầu bằng: Vì sao nhiều người bỏ phiếu cho Trump? Maik hi vọng người trong ngành công nghệ nhìn ra ngoài màn hình smartphone và cố hiểu cảm giác của thế hệ vô vọng và bị bỏ rơi vì sự thay đổi quá nhanh của xã hội.

Rất khó để nghĩ về hậu quả của công nghệ với tư cách nhà sáng lập của startup đang chạy đua để khẳng định mình hay một nhà điều hành, người luôn lo lắng phải đạt tăng trưởng liên tục để làm nhà đầu tư hài lòng. Đối ngược với áp lực từ tăng người dùng, tăng doanh số, tuyển dụng đúng người để thực hiện tầm nhìn của mình chính là sự đào thải những đối tượng mà bạn không hề biết đến.

Nếu đang làm cho Facebook, Google, Amazon hay Uber, bạn không thể phủi tay khỏi tác động của các thuật toán. Nếu làm cho Amazon, bạn phải nhận thức được rằng bạn đang từ từ hủy hoại ngành bán lẻ, nơi vô số người đang công tác. Nếu làm cho Airnb, bạn đang ảnh hưởng đến việc tuyển dụng khách sạn.

Otto, startup mới được Uber mua lại, muốn tự động hóa việc chở hàng bằng xe tải và gần đây hoàn thành chuyến đi kéo dài 120 dặm, chở hàng ngàn can bia giữa Fort Collins và Colorado Springs.

Từ góc độ công nghệ, đó là thành tựu không thể không khen ngợi. Từ góc độ một tài xế xe tải với các món nợ và một đứa con đang học đại học, nó lại là khoảnh khắc “chết tiệt” họ không ngờ tới.

Chỉ một đột phá công nghệ như vậy đã đặt gần 2 triệu lái xe vào tình thế nguy hiểm. Lái xe tải là một trong số ít công việc lương cao không yêu cầu bằng cấp. Loại bỏ nhu cầu tuyển dụng con người không chỉ ảnh hưởng đến bản thân tài xế mà còn đến các dịch vụ hỗ trợ như cây xăng, nhà nghỉ, bán lẻ. Toàn bộ một hệ sinh thái có thể sụp đổ.

Xe hơi/xe tải tự lái, máy bay không người lái, tư nhân hóa dịch vụ công như vận tải, tất cả những điều này theo đuổi tự động và hiệu quả nhưng đi kèm hiệu ứng trái ngược.

Erik Brynjolfsson, Giáo sư trường Quản trị M.I.T Sloan trả lời MIT Technology Review: “Năng suất lao động ở mức kỷ lục, đổi mới chưa bao giờ nhanh đến thế và cùng lúc đó, chúng ta chứng kiến thu nhập trung bình giảm, ít việc làm hơn. Mọi người bị bỏ lại phía sau vì công nghệ phát triển quá nhanh còn kỹ năng và các tổ chức không theo kịp chúng”. Ông gọi đó là “sự ngược đời của kỷ nguyên chúng ta”.

Chúng ta nói về bộ lọc trên các mạng xã hội - những thuật toán giúp chúng ta kết nối với người đáng quan tâm và thế giới muốn thấy 0 và tác động tiêu cực của nó nhưng bộ lọc ngoài đời thực, như tại thung lũng Silicon, còn trầm trọng hơn nhiều.

Con người trở thành những con số, thuật toán trở thành quyền lực, thực tế trở thành thứ mà dữ liệu xây dựng. Facebook hết lần này đến lần khác làm cho những bộ lọc này trở nên ngớ ngẩn.

Phản hồi của họ về tin tức xuyên tạc là minh họa hoàn hảo về thế hệ thiếu cảm thông tại Silicon Valley. Mark Zuckerberg, một trong những nhà sáng lập, giám đốc thông minh nhất, rực rỡ nhất của thời kỳ hậu Internet ban đầu bào chữa Facebook thực sự không thể phân xử tin nào thật, tin nào giả. Mất 1 tuần để công ty biết được rằng họ hoàn toàn có thể phát triển công cụ tốt hơn giúp chống lại tin xuyên tạc và giữ bản thân trung lập.

Đây không phải lần đầu tiên Facebook lấp liếm khỏi thực tế nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của 1,5 tỷ người dùng. Ví dụ hoàn hảo là vào 2 năm trước khi Facebook trong mục “Your Year in Review” đăng ảnh của đứa con gái đã mất của người dùng Eric Meyer, khiến Meyer phải viết: “Thuật toán về cơ bản là ích kỷ”.

Người thiết kế thuật toán đã không cân nhắc điều đó, có lẽ vì họ chưa từng trải qua bi kịch như vậy hoặc có lẽ họ chỉ không nhắc đến cảm giác của con người trong những cuộc họp về sản phẩm, đặc biệt khi họ nằm trong công ty tập trung vào sự tương tác và tăng trưởng.

Sự thiếu vắng lòng cảm thông trong thiết kế công nghệ không phải vì người viết ra nó không có trái tim mà có thể vì họ thiếu trải nghiệm thực tế ngoài bong bóng công nghệ. Sự vô dụng của Facebook là lời nhắc nhở đã đến lúc các công ty không chỉ nghĩ về tăng trưởng mà còn phải ghi nhớ sự tăng trưởng ảnh hưởng đến mọi người ngoài đời cả tích cực và tiêu cực.

Không chỉ có Facebook. Đây là lúc cả ngành công nghệ nên dừng lại và suy nghĩ: khi công nghệ tìm đường vào cuộc sống của mỗi người theo những cách mới mẻ và chưa từng được hình dung, chúng ta cần biết về những người bị chúng đe dọa. Sự cảm thông không phải từ để nói cho hay mà là thứ cần được thực hành.

Hãy bắt đầu không phải từ duyệt tin mới trên Facebook mà là đi đến những miền đất của Mỹ, nơi 1 cốc latte 5 USD và hoa quả tươi không phải là bổng lộc mà là lời nhắc nhở giàu – nghèo. Nếu không, đến năm 2020, Silicon Valley sẽ trở thành một con quỷ lớn hơn trong trí tưởng tượng của đại chúng, giống như đối trọng của nó ở bờ Đông, Phố Wall.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM