Xuất khẩu cà phê nhân giảm do quán cà phê mọc lên như nấm
Ít có nước nào có được tăng trưởng về sản lượng cà phê nhân xuất khẩu như của Việt Nam. Cũng ít nước có các cửa hàng cà phê xuất hiện nhiều như nấm ở khắp cả nước, lượng cà phê chế biến tiêu thụ tăng lên rõ rệt.
Theo số liệu của Trung tâm tin học và thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2015 ước đạt 1,05 triệu tấn với tổng giá trị 2,13 tỷ USD, giảm 29,6% về khối lượng và giảm 31,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng xuất khẩu cà phê giảm có hai nguyên nhân chủ yếu, một là mất mùa do thời tiết khiến sản lượng giảm khoảng 20% và hai là do đầu tư nước ngoài của Nestlé, Olam, Cà phê Ngon... đưa các nhà máy chế biến đi vào hoạt động tiêu thụ lớn lượng cà phê nhân, đặc biệt nhiều cơ sở rang xay nhỏ phát triển khiến cà phê chế biến gia tăng.
Những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan), cụ thể theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, năm 2014 lượng xuất khẩu cà phê chế biến đã lên đến gần 54.000 tấn, chiếm 3,2% tổng lượng xuất nhưng kim ngạch lại đạt gần 274 triệu USD, chiếm 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dự kiến năm 2015 lượng xuất khẩu cà phê chế biến có thể tăng 25% so với năm 2014, đạt mức xuất khẩu 68.000 tấn.
Vicofa cho biết lượng cà phê nhân tiêu dùng trong nước đã tăng từ 5 – 7% năm 2010 nay đã tăng lên trên 10%, như vậy mục tiêu 15% vào năm 2020 có thể sẽ đạt được. Điều đó có nghĩa lượng cà phê nhân xuất khẩu ngày một giảm.
"Ít có nước nào có được tăng trưởng về sản lượng cà phê nhân xuất khẩu như của Việt Nam. Cũng ít nước có các cửa hàng cà phê xuất hiện nhiều như nấm ở khắp cả nước, lượng cà phê chế biến tiêu thụ tăng lên rõ rệt.
Giới trẻ Việt Nam ngày một ưa chuộng và thích thú thưởng thức ly cà phê Việt Nam. Dự kiến lượng cà phê nhân xuất khẩu sẽ giảm dần nhường chỗ cho cà phê rang xay và hòa tan đang tăng trưởng nhanh", Vicofa đánh giá.
Bên cạnh đó, theo Vicofa, cà phê Việt Nam có nhiều ưu điểm nổi trội được khách hàng quốc tế ưa chuộng với mùi vị thơm ngọt (sweet smell) do được trồng ở độ cao trên 400m so với mực nước biển.
Cà phê Việt Nam được trồng tại các khu vực Đà Lạt, Đăk Lăk, Sơn La hay có sương mù nên đã tạo được độ ngọt dịu khiến nhiều khách hàng quốc tế không thể nào quên, tạo ra mùi vị đặc trưng của cà phê Việt Nam.
Trong khi đó, loại cà phê được trồng ở các vùng nhiệt đới khác có hương vị khá nồng (hot smell) không thơm ngọt dịu nhẹ như cà phê Việt Nam. Mặc dù cà phê Conillon của Brazil đã vào sàn London một thời gian nhưng các nhà rang xay thế giới lại không mặn mà tiếp nhận mà chỉ thích cà phê Robusta của Việt Nam.
Các nhà rang xay quốc tế đã đưa ra khuyến nghị đối với các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam nên để riêng vụ nào ra vụ đó, không nên trộn lẫn cà phê vụ mới với vụ cũ gây ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của cà phê, khiến cà phê Việt Nam không giữ được mùi vị thơm ngon thuần khiến lúc ban đầu.
Để cà phê Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế và khẳng định thương hiệu, Vicofa khuyến cáo các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê Việt Nam nên lưu ý hơn đến ý kiến của các nhà rang xay thế giới không nên trộn lẫn cà phê vụ mới vụ cũ với nhau.