Vì sao người dân "xứ sở của các vị thần" kiên quyết nói "Không"?

08/07/2015 11:21 AM |

Quyết định bỏ phiếu “không” của 61% người dân Hy Lạp là kết quả của tình thần “kháng cự” do cha ông để lại, đặc biệt là trong những tình huống vô vọng.

Nội dung nổi bật:

- Trong lịch sử Hy Lạp, người dân nước này được biết đến với tinh thần "kháng cự" mạnh mẽ và không chịu khuất phục.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định bỏ phiếu “không” của 61% người dân Hy Lạp vào chủ nhật vừa qua chính là kết quả của tinh thần kể trên. Tuy nhiên, nỗ lực kháng cự đôi lúc mang lại vinh quang chiến thắng nhưng cũng không ít lần khiến Hy Lạp gặp thất bại ê chề.


Vào năm 1800, những chiến binh người Hy Lạp đã giận dữ vùng lên chống lại sự cai trị của đế quốc Ottoman thay vì chịu đựng và khuất phục. Theo truyền thuyết, trên ngọn núi Zalongo, nhiều người phụ nữ đã quăng những đứa trẻ của họ xuống vách đá và sau đó cùng nhảy theo thay vì bị bán và trở thành nô lệ.

Bức tranh mô tả sự vùng lên của quân lính Hy Lạp trong một trận chiến.

Tiếp đó, ngày 28/10/1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệtcủa quân đội Hy Lạp.

Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này.

Mới đây nhất, trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Chủ nhật, đại đa số người dân Hy Lạp đã quyết nói “không” với những biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc từ phía châu Âu và các chủ nợ thay vì chấp thuận nhận về các gói cứu trợ.

Trải qua nhiều thế kỷ, tinh thần phản kháng dường như đã thấm sâu vào máu người dân Hy Lạp. Các chuyên gia phân tích đều nói rằng, quyết định bỏ phiếu “không” của 61% người dân nước này là kết quả của tình thần “thách thức” do cha ông để lại, đặc biệt là trong những tình huống vô vọng. Trải qua hàng trăm năm, tinh thần này càng được nuôi dưỡng bằng việc việc người dân Hy Lạp kể lại cho con cháu những truyền thuyết lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thực tế, mọi người Hy Lạp đều bị thấm nhuần bởi tư tưởng chống cự trong vinh quang trước những tình huống khó khăn”, theo Nick Malkoutzis – biên tập viên của tờ Macropolis.gr đồng thời là chuyên gia phân tích chính trị.

Malkoutzis nói thêm, việc bỏ phiếu nói “Không” vào ngày Chủ nhật vừa qua gần giống với những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đã đến lúc, người Hy Lạp cảm thấy bị kìm kẹp khổ sở trong những chính sách hà khắc từ phía chủ nợ trong suốt 5 năm qua và cuộc trưng cầu dân ý lần này chính là cơ hội để họ giải phóng chính mình.

Lịch sử Hy Lạp đã chứng minh, dù đôi khi sự chống cự đã tạo nên những chiến thắng vĩ đại như trong cuộc chiến tranh giành độc lập vào năm 1821 chống lại đế chế Ottoman. Nhưng đôi khi, nó lại mang đến những thất bại ê chề như việc bị rơi vào tay Nazis và Musolini trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Khi hàng nghìn người Hy Lạp đổ xuống quảng trường Syntagma ăn mừng chiến thắng của cuộc trưng cầu dân ý vào tối Chủ nhật, rất nhiều người nói rằng họ không nghĩ nhiều đến việc sẽ được cứu trợ hay không mà đơn giản chỉ là đã đến lúc phải “kháng cự”.

Người dân Hy Lạp đổ ra đường phố ăn mừng vì kết quả phiếu nói "không" với chính sách thắt lưng buộc bụng chiếm ưu thế dù không biết tương lai đất nước mình sẽ ra sao.

Hầu hết trẻ em Hy Lạp khi đến trường đều được học và hiểu về những cuộc chiến và tinh thần chống cự bất khuất của cha ông chúng. Thậm chí, gần đây không ít trong số này còn được lôi kéo vào những cuộc biểu tình, đánh trống rầm rộ kêu gọi phản đối những yêu cầu hà khắc từ phía châu Âu và chủ nợ, bất luận kết quả sẽ ra sao.

Thanos Veremis – giáo sư lịch sử danh dự tại trường đại học Athens nói rằng người Hy Lạp thấm nhuần và tự hào với những câu chuyện về tinh thần kháng cự trong chiến tranh của cha ông bởi nó đánh vào đúng “chỗ ngứa” của đất nước nhỏ bé này. Hy Lạp đã phải chịu đựng sự thống trị bởi quá nhiều quyền lực bên ngoài mà mới nhất, trong mắt mỗi người dân Hy Lạp chính là Liên minh châu Âu. Họ nghĩ mình đang trải qua một cuộc chiến tranh giành độc lập khác và họ “cần phải đứng lên để chống lại Liên minh châu Âu”.

Bản thân thế hệ lãnh đạo Hy Lạp ngày nay cũng được nuôi dưỡng bởi tinh thần kháng cự. Họ là lớp người đã chứng kiến hình ảnh của những sinh viên giận dữ lập hàng rào người bên trong Đại học Athens Polytechnic nhằm chống lại chính quyền quân sự đã thống trị nước này từ năm 1967 – 1974. Mỗi ngày Hy Lạp đều trải qua những cuộc biểu tình khiến hàng loạt chuyến phà đến các hòn đảo buộc phải hủy bỏ, không chỉ giao thông mà mọi thứ khác đều hỗn loạn.

Thực tế dù nhiều người Hy Lạp không thể chịu được chính sách thắt lưng buộc bụng và bỏ phiếu “không” vào chủ nhật vừa qua, nhưng một thống kê cho thấy đa phần vẫn muốn ở lại Liên minh châu Âu.

Evi Prousali – một nhà phê bình người Hy Lạp có mặt trong lễ ăn mừng diễn ra tại quảng trường Syntagma vào tối chủ nhật nói rằng, cô ngưỡng mộ sự giàu có trong văn hóa đa dạng của người châu Âu. Evi nói: "Tôi không chống lại những người bạn châu Âu. Tôi chỉ phản đối tầng lớp chính trị và kinh doanh cao cấp, những người cố tình lờ đi Hy Lạp và cả những người châu Âu khác nữa".

“Đó không phải là những con người cụ thể. Họ là những công ty quốc tế, hệ thống ngân hàng châu Âu. Đức và Pháp đang lãnh đạo toàn bộ châu Âu như thời kỳ trước khi chiến tranh thế giới xảy ra. Tình huống lúc này không khác gì thuộc địa”.

Trong một diễn biến mới nhất, bộ trưởng tài chính Yanis Varoufakis đã từ chức, có khả năng sẽ mở ra những tiếng nói “dễ chịu” hơn trong các cuộc đàm phán. Phía chính phủ Hy Lạp đang có nhiều tiến triển nhưng chưa rõ liệu họ có thể khiến Syriza – đảng cầm quyền của nước này có trạng thái thỏa hiệp hơn hay vẫn quyết tâm phản đối những yêu cầu của chủ nợ.

Trong khi đó, đã có rất nhiều lời cảnh báo rằng phía chủ nợ sẽ không xem xét lại khối nợ khổng lồ của Hy Lạp nếu không có bất kỳ chuyển biến mới nào từ phía Hy Lạp. Chính vì vậy, nhiều nhà phân tích khẳng định rằng, những phiếu bầu “không” của người dân nước này sẽ phải trả giá.

Hệ thống ngân hàng Hy Lạp đóng cửa, ATM cạn tiền, người dân rơi vào cảnh khốn khổ nhưng vẫn có 61% người bỏ phiếu nói "không" với chính sách thắt lưng buộc bụng để nhận cứu trợ.

Bản thân một số ít người Hy Lạp đã tỏ ra tiếc nuối với lựa chọn phiếu bầu “Không”. Tuy nhiên, ngay sau khi chứng kiến những cuộc họp liên tiếp của nhiều lãnh đạo châu Âu mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, họ lại được tiếp thêm sức mạnh để ủng hộ quan điểm của mình.

Theodoris Sourdis, 38 tuổi đang ngồi trong cửa hàng sửa chữa đồ điện tử của mình tại Athens nói rằng anh cảm thấy ổn khi bỏ phiếu “Không” và hy vọng vào những thỏa hiệp tốt hơn trong tương lai. “Trong tôi đang có cảm giác lẫn lộn giữa buồn chán và một chút hy vọng về sự thay đổi”, Sourrdis nói. “Cũng có một chút tự hào nữa”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, anh nhún vai và nói thêm rằng đã dành cả ngày để nghe thông tin qua đài phát thanh và nó cho thấy “không có bất kỳ thay đổi nào cả. Vẫn chỉ là những cuộc đàm phán và thỏa hiệp”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM