Trung Quốc kéo Mỹ suy thoái bằng cách nào?

27/09/2015 15:19 PM |

Những lập luận cho rằng Mỹ ít chịu ảnh hưởng bởi các nền kinh tế mới nổi không nhận được sự đồng tình từ các nhà kinh tế.

Không ai có thể nói chắc chắn rằng tình hình kinh tế Trung Quốc rồi sẽ diễn biến tồi tệ thế nào, nhưng dường như các nhà tạo lập chính sách ở Mỹ lại đang tự trấn an mình bằng những lập luận rằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và khu vực Thái Bình Dương nói chung vẫn chỉ đóng góp một phần nhỏ trong GDP của Mỹ.

Và dù các thị trường mới nổi đang dần có ảnh hưởng lớn hơn đến kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ vẫn là số một thế giới. Và hiện nay, khi dòng vốn bỏ chạy khỏi những nền kinh tế mới nổi đang chứa đựng rủi ro như Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ thì Mỹ tất yếu sẽ là điểm an toàn được chọn lựa bởi giới đầu tư.

Tuy nhiên, những lập luận cho rằng Mỹ ít chịu ảnh hưởng bởi các nền kinh tế mới nổi không nhận được sự đồng tình từ các nhà kinh tế. Quả thật, khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 đã không khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng lần này, một cuộc suy thoái tại các nền kinh tế mới nổi sẽ không kéo tăng trưởng kinh tế của Mỹ chậm lại.

David Levy, nhà kinh tế và chủ tịch của trung tâm dự báo kinh tế Jerome Levy, đã và đang dự báo rằng Trung Quốc sẽ phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế và ông tin rằng bất ổn tại các nền kinh tế mới nổi có thể kéo nền kinh tế Mỹ rơi vào một bất ổn khác.

Đầu tư là hoạt động đóng góp lớn nhất cho kinh tế toàn cầu. Khi đầu tư tăng lên, kinh tế toàn cầu mở rộng. Ngược lại khi đầu tư bắt đầu trì trệ hoặc suy giảm, các doanh nghiệp dự báo lợi nhuận cũng sẽ sụt giảm và đây là điều kiện cho các cuộc khủng hoảng nhen nhóm.

Các thị trường mới nổi hiện chiếm gần một nửa chi phí vốn – đầu tư mới của thế giới, trong khi mức đầu tư tại các nước phát triển vẫn không tăng lên mấy và đang đứng ở dưới mức trước khi khủng hoảng 2008 diễn ra.

Với các nền kinh tế mới nổi từng bay cao như Brazil và Nga đã và đang rơi vào suy thoái, dữ liệu kinh tế đưa ra từ Trung Quốc cũng cho biết rằng nước này đang bước vào một đợt suy giảm mạnh mẽ, có rất nhiều lý do để tin rằng các nền kinh tế đang phát triển sẽ không còn có thể là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nữa. Như nhà kinh tế Levy từng cho rằng:

“Đầu tư ròng tại các thị trường mới nổi trong nhiều năm trở lại đây chính là nguồn tạo ra lợi nhuận lớn nhất trong nền kinh tế thế giới, giờ đây đang giảm tốc. Đầu tư tại các nền kinh tế mới nổi vào sản xuất, khai khoáng và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đã bị sử dụng một cách không hiệu quả, tạo sự dư thừa công suất nghiêm trọng và những hệ lụy tài chính xấu liên quan.

Trong khi đó hoạt động đầu tư tại các nền kinh tế đã phát triển cũng đang không tạo được nhiều động lưc. Theo chu kỳ, thì hoạt động đầu tư ở Mỹ - nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới - đã đạt độ chín và gần như sẽ không có sự tích lũy nhu cầu quá lớn để tạo thúc đẩy đáng kể nữa. Động lực từ chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều khi mà lãi suất đang ở mức siêu thấp và sắp tới sẽ bước vào chu kỳ thắt chặt. Trong khi đó các ngân hàng ở Eurozone vẫn đang vật lộn với các khoản nợ xấu.

Như vậy, các công ty Mỹ có đang phụ thuộc kinh tế vào hoạt động xuất khẩu tới châu Á hay không cũng không phải là điều quan trọng. Mà vấn đề quan trọng hơn đó là triển vọng lợi nhuận toàn cầu mà Mỹ là một thành phần lớn trong đó, cùng với đó là các nền kinh tế mới nổi (mà Trung Quốc đang đóng vai trò dẫn dắt) đang bước vào thời kỳ đầu tư sụt giảm.

Theo Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM