Tại sao 2015 là một năm không may với Trung Quốc?
2015 là năm ác mộng đối với Trung Quốc...
Tình hình kinh tế Trung Quốc đã trở nên tồi tệ từ đầu năm 2015 đến nay. Sau đợt tăng giá hơn 150%, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh vào tháng 6 và tháng 8/2015, qua đó xóa sạch mức điểm tăng từ đầu năm 2015 đến nay.
Ngoài ra, hàng loạt những ngành kinh tế như bất động sản, sản xuất, xuất khẩu đều giảm tốc. Mới đây, Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tháng 9/2015 của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, thời điểm khủng hoảng toàn cầu diễn ra.
Tồi tệ hơn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thay đổi cách điều hành tỷ giá Nhân dân tệ và phá giá đồng tiền trong tháng 8/2015.
Vậy câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao những biến động trên lại xảy ra dồn dập vào thời điểm hiện tại?
Chuyên gia Jim Chanos của Kynikos Associates cho rằng những tác động từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất, việc PBOC điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8/2015 và việc chính quyền Bắc Kinh mắc sai lầm trong xử lý thị trường chứng khoán nước này là những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc gặp rắc rối như hiện nay.
Chỉ vài tuần trước khi FED tuyên bố hoãn nâng lãi suất vào ngày 17/9, cả thế giới hầu như đều cho rằng Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và chấm dứt mức lãi suất gần 0%.
Thị trường đánh giá khả năng FED nâng lãi suất là một tín hiệu cho thấy sự tự tin vào tình hình hồi phục của kinh tế Mỹ. Kết quả là đồng USD tăng giá, dẫn đến các dòng vốn bắt đầu rút khỏi thị trường Trung Quốc với mức độ mạnh nhất trong 1 thập kỷ qua.
Trước khi điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá, Nhân dân tệ được neo vào đồng USD nên đồng tiền này cũng tăng giá theo, khiến các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Ngành xuất khẩu trong tháng 7/2015 của Trung Quốc đã suy giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
Vì vậy, dù chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng việc cải cách cơ cấu kinh tế chuyển sang tập trung cho thị trường tiêu dùng có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng rõ ràng các nhà lãnh đạo chưa sẵn sàng cho việc kinh tế giảm tốc mạnh. Kết quả là PBOC quyết định phá giá Nhân dân tệ. Kể từ điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá, đồng tiền này đã giảm giá 4,3%.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường tiền tệ có vẻ đã vượt dự đoán của các nhà hoạch định chính sách và chính quyền Bắc Kinh không muốn Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn nữa. Do đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã được sử dụng nhằm hỗ trợ đồng tiền này.
Các chuyên gia phân tích dự đoán nước này đã tiêu tốn khoảng 94 tỷ USD đến 110 tỷ USD để bảo vệ tỷ giá riêng trong tháng 8/2015.
Bên cạnh đó, chứng khoán Trung Quốc cũng biến động mạnh khi chính phủ khuyến khích người dân đầu tư vào chứng khoán. Mục đích của chính quyền Bắc Kinh là sử dụng lượng tiền tiết kiệm dồi dào trên thị trường để giải cứu và huy động vốn cho các công ty đang ngập trong nợ nần, đặc biệt là những doanh nghiệp quốc doanh.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu theo lộ trình cải cách kinh tế của chính phủ, nhưng những công ty này lại có tỷ lệ tín dụng quá cao và không dễ dàng huy động vốn tư nhân.
Khi người dân Trung Quốc tin tưởng vào chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình và đầu tư vào chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite Index và Shenzhen Composite Index đều đã tăng hơn 150%.
Mặc dù vậy, đà tăng của chứng khoán nước này đã chấm dứt vào ngày 12/6/2015 khi thị trường bắt đầu những đợt điều chỉnh lớn. Chính phủ đã phải chi hàng trăm triệu USD để giải cứu thị trường cùng hàng loạt các biện pháp khác như hoãn các đợt IPO, cấm các nhà quản lý bán cổ phiếu của công ty trong 6 tháng, hạn chế tinh trạng giao dịch ký quỹ.
Bất chấp những biện pháp cứu trợ đó, thị trường vẫn suy giảm mạnh trong tháng 8/2015.
Những diễn biến trên cho thấy chính phủ Trung Quốc hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý thị trường vốn. Ngay cả những nhà đầu tư có quan điểm tích cực về dài hạn tại thị trường này như Giám đốc điều hành Lloyd Blankfein của Goldman Sachs cũng phải thừa nhận phản ứng của chính quyền Bắc Kinh là “lóng ngóng.”
Tất nhiên, tất cả những rắc rối trên không đồng nghĩa với việc thị trường Trung Quốc sẽ sụp đổ ngay lập tức, nhưng điều này giúp giải thích phần nào tại sao năm 2015 là một năm không may với nước này.
Đồng ý với quan điểm trên, chuyên gia Chanos nhận định quá trình thay đổi của thị trường Trung Quốc từ tăng trưởng nóng sang suy giảm sẽ diễn ra từ từ chứ không quá nhanh chóng.