Suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ 'giết chết' thị trường tranh thế giới?

23/09/2015 14:05 PM |

Nghệ thuật đương đại đã trở thành một trong hai hình thức cất giữ tài sản quan trọng nhất trên thế giới.

Suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ tác động gì đến thị trường nghệ thuật đương đại? Đó có phải là công cụ quan trọng để... chuyển vốn và cất giấu tài sản? Phải chăng đây cũng là nhân tố chính gây nên bong bóng trên thị trường nghệ thuật trong vài năm qua?

Cách đây 5 tháng, Larry Fink, chủ tịch và là CEO của BlackRock, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nói rằng cùng với cách mua những căn hộ ở các thành phố lớn như New York, London, và Vancouver, nghệ thuật đương đại đã trở thành một trong hai hình thức cất giữ tài sản quan trọng nhất trên thế giới. “Hãy quên vàng đi. Hãy mua các bức tranh,” ông nói. Điều này khiến cho mọi người khá ngạc nhiên vì trước đây chưa hề có người nào “cùng đẳng cấp” với ông phát biểu như thế.

Tuy nhiên, không phải là ông không có lý. Hồi tháng 5, bức “Women of Algiers” của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá 179 triệu USD tại một buổi đấu giá ở New York, tăng 32 triệu USD so với năm 1997. Nhưng đó chưa phải là cái giá cao nhất trong năm nay vì một nhà sưu tập Thụy Sĩ đã trả gần 300 triệu USD cho bức “When Will You Marry?” của Paul Gauguin, vẽ năm 1892. Và nếu như có ai cho rằng sở dĩ các bức đó có giá cao ngất ngưỡng là do Picasso và Gauguin đều đã... chết thì họ đã lầm. Tranh của một số họa sĩ còn sống như Jeff Koons, Gerhard Richter, và nhiều họa sĩ khác nữa cũng đang tăng vùn vụt.

Với các nhà kinh tế học, đợt bong bóng nghệ thuật này đã gợi lên nhiều câu hỏi thú vị, nhưng thú vị nhất có lẽ là: “Chính xác là ai sẽ bỏ ra rất nhiều tiền cho những tuyệt tác như thế?”. Khó mà biết được câu trả lời vì thế giới nghệ thuật cực kì “bí hiểm”. Mà quả thật là thế, nghệ thuật chính là cơ hội đầu tư lớn cuối cùng chưa hề được quản lý.

Cũng đã có nhiều bài báo viết về các bộ sưu tập tranh của những quỹ đầu cơ và các quỹ nghệ thuật, trong đó người mua thường mua cổ phần trong các danh mục nghệ thuật mà không hề được sở hữu tác phẩm thực sự nào. Và sự thật là, trong nhiều trường hợp, những nhà đầu tư đến từ các thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc, đã “góp mặt”, và thường thực hiện các vụ mua bán dưới dạng ẩn danh.

Thế Trung Quốc không có chế độ kiểm soát dòng vốn nghiêm ngặt, giới hạn mỗi công dân nước mình không được phép mang hơn 50.000 USD ra khỏi quốc gia mỗi năm hay sao? Câu trả lời là “Có”, nhưng cũng có nhiều cách để... lách, trong đó có cả cách “xưa như trái đất” nhưng vẫn khá hiệu quả là “ghi sai giá trị hóa đơn”.

Chẳng hạn như để mang tiền ra khỏi Trung Quốc, người bán ở Trung Quốc có thể ghi giá thấp hơn nhiều so với những gì đối tác phương Tây thật sự sẽ trả cho họ, và chênh lệch sẽ được hai bên thỏa thuận chuyển vào một ngân hàng ở nước ngoài. Ước tính được lượng tiền ra khỏi quốc gia theo kiểu này là cực kì khó vì vừa không có đủ các số liệu vừa khó mà phân biệt được nó với các dạng đa dạng hóa đầu tư bình thường khác, như cố kinh tế gia Rüdiger Dornbusch của MIT từng ví von là “thầy bói mù xem voi”.

Nhiều ước tính cho rằng lượng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc trong những năm gần đây đang ở khoảng 300 tỉ USD/năm, đặc biệt là tăng đáng kể trong năm 2015 khi nền kinh tế của quốc gia này tiếp tục suy yếu. Dù chính quyền nước này cũng đang ra sức ngăn chặn chuyện rửa tiền nhưng điều này được ví như là “bắt cóc bỏ dĩa”.

Như vậy, có thể đoán chừng là những người mua nặc danh đến từ Trung Quốc trong các cuộc đấu giá gần đây của Sotheby và Christie đã bí mật rút tiền ra khỏi đất nước mình trước đó, và các bức tranh là một sự đầu tư dễ dàng cất giấu nhất vì chúng không nhất thiết phải được trưng bày ở đâu đó. Chúng có thể được bảo vệ cẩn mật tại một hầm cất giấu nào đó ở Thụy Sĩ hay Luxembourg. Một số thương vụ nghệ thuật ngày nay được cho là chỉ chuyển từ hầm cất giấu này sang hầm cất giấu khác, y chang như chuyện Fed báo cáo về những thương vụ mua bán vàng giữa các Ngân hàng trung ương quốc gia.

Cách đây không lâu, Mỹ Latin là một yếu tố thúc đẩy lớn trên thị trường nghệ thuật, nhờ vào lượng tiền “thoát” được sự quản lý của những quốc gia như Argentina và Venezuela, cũng như từ những tập đoàn buôn bán ma túy muốn dùng tranh để rửa tiền.

Rõ ràng là động cơ của những nhà đầu tư nghệ thuật muốn chuyển vốn, bằng cách giấu hay rửa tiền, là khá khác với động cơ của các nhà đầu tư bình thường. Và với người Trung Quốc, “trò chơi” này chỉ mới bắt đầu.

Vậy những suy thoái kinh tế ở các thị trường mới nổi, mà Trung Quốc chính là tâm điểm, sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nghệ thuật đương đại như thế nào? Trong ngắn hạn, câu trả lời là: “không rõ ràng”, vì lượng tiền sẽ thất thoát khỏi quốc gia này thậm chí sẽ nhiều hơn ngay cả khi kinh tế phát triển chậm lại. Về dài hạn, kết quả là khá rõ ràng, đặc biệt là nếu như Fed tăng lãi suất. Với lượng người mua chủ chốt ít lại, chi phí cơ hội tăng lên, thì hồi kết của đợt bong bóng này sẽ không phải là một bức tranh đẹp đẽ gì.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM