Trung Quốc có đang đẩy kinh tế thế giới vào vùng nguy hiểm?

15/08/2015 11:24 AM |

“Trung Quốc đang từng bước tiến hành những biện pháp giúp tốc độ phát triển tăng trở lại và đến một mức độ nào đó động thái này sẽ kéo đà phát triển của những quốc gia khác trên thế giới sụt giảm”.

Nội dung nổi bật:

- Nhìn sâu vào động thái thả nổi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng đây là bằng chứng cho thấy tốc độ phát triển của quốc gia phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu này đang chậm lại và rằng các quan chức chính phủ đang “bí” trong việc tìm ra cách để hồi phục đà phát triển.

- Nếu thật sự đúng như vậy, động thái này sẽ gây ra những tác động toàn cầu đáng lo ngại.


Việc đồng tiền của Trung Quốc sụt giảm giá trị mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây đang gây tổn hại đến sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu và đe doạ đến đà hồi phục của Mỹ.

Nhìn bề ngoài, động thái thả nổi đồng tiền dường như là nỗ lực để đánh bóng tên tuổi Trung Quốc trong số những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Họ công khai ủng hộ việc chấp nhận đồng nhân dân tệ như một loại tiền dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại lo lại rằng đây là bằng chứng cho thấy tốc độ phát triển của quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới này đang chậm lại và rằng các quan chức chính phủ đang “bí” trong việc tìm ra cách để hồi phục đà phát triển.

Trước tình trạng như vậy, rất có thể nó sẽ gây ra tác động toàn cầu. Động thái gây áp lực lên đồng tiền của những thị trường mới nổi cạnh tranh như Thái Lan, Việt Nam, Singapore hay một số nước tại châu Âu và Nhật Bản là nhằm tìm cách đẩy nhanh tốc độ phát triển thông qua việc nới lỏng tiền tệ.

Trung Quốc đang từng bước tiến hành những biện pháp giúp tốc độ phát triển tăng trở lại và đến một mức độ nào đó động thái này sẽ kéo đà phát triển của những quốc gia khác trên thế giới sụt giảm”, Gus Faucher - kinh tế trưởng tại PNC Financial Services Group nói.

Cụ thể vào thứ 3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố gây sốc khi điều chỉnh 1,9% tỷ giá nhân dân tệ xuống còn 6,2298 nhân dân tệ đổi 1 USD. 2 ngày sau, đồng nhân dân tệ lại tiếp tục giảm giá trị. Tổng cộng với đà sụt giảm 3,5% như vậy không chỉ kéo theo tình trạng bán tháo cổ phiếu trên toàn châu Á và châu Âu mà còn khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 277 điểm.

Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Âu lần lượt giảm điểm trong 2 ngày qua.

Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc luôn tự hào rằng họ chưa hề mắc sai lầm trong quá trình quản lý nền kinh tế của quốc gia và nhờ vậy tốc độ phát triển đã tăng gấp đôi so với 1 thập kỷ trước (quốc gia này đã xuất khẩu hàng nghìn tỷ USD hàng hoá và vật dụng). Điều này tạo ra sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong xã hội nhưng lại làm gia tăng mức độ cạnh tranh từ những quốc gia ở khu vực. Đây đều là những nước có giá nhân công rẻ và đang có ý định "hất cẳng" Trung Quốc ra khỏi vị trí công xưởng của thế giới. Dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nhưng quá trình này rõ ràng đang diễn ra chậm chạp và còn nhiều vướng mắc.

“Đây sẽ là quá trình chuyển đồi dần dần và có thể mô hình cũ đã 'xì hơi' nhanh hơn dự đoán”, theo Olin Wethington - Đặc phái viên của Mỹ tại Trung Quốc dưới thời tổng thống George W. Bush.

Trước đó, danh tiếng của đảng cầm quyền tại Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề do biến động “không tưởng” trên thị trường chứng khoán. Một vài tuần sau đó, dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy tốc độ phát triển của nước này vẫn ở mức 7% dù rõ ràng có nhiều bằng chứng cho thấy sự suy giảm. Điều này đã khiến rất nhiều chuyên gia phân tích phải băn khoăn về độ xác thực của những thống kê kể trên.

Hiện tại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang cố gắng cân bằng lại cuộc cải cách thị trường thông qua đồng nội tệ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến quyết định thả nổi tỷ giá khiến giá trị đồng nhân dân tệ sụt giảm mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây.

“Sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương sẽ cần phải được thử thách”, Andrew Polk - chuyên gia kinh tế tại Conference Board China Center for Economics and Business, Bắc Kinh nói. “Sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, rõ ràng động thái mới nhất của Trung Quốc với đồng nhân dân tệ có một chút nguy hiểm”.

Tại Trung Quốc, một công chức ở bộ Thương mại là Zhang Yuzhong thì nói rằng việc sụt giá đồng nhân dân tệ sẽ giúp ích cho lĩnh vực xuất khẩu của đất nước. Trong khi đó, tờ Reuters trích một nguồn tin giấu tên nói rằng đang có những “bất đồng trong chính phủ” và đồng nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục mất giá trong vòng vài tháng tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ đưa ra những chính sách gì tiếp theo. Các thương nhân thì nói rằng nhiều ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước đang thay mặt ngân hàng Trung ương để bắt đầu bán USD nhằm ngăn chặn sự trượt giá sâu hơn của nhân dân tệ. Chính vì vậy, phía ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định: “Nhìn vào tình trạng kinh tế của cả trong nước và quốc tế, hiện tại không có cơ sở nào để nói rằng nhân dân tệ sẽ tiếp tục sụt giá”.

Hiện tại, các nhà chức trách Mỹ đang theo dõi sát sao những biến động của đồng nhân dân tệ và ảnh hưởng của nó với nền kinh tế. Sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ có thể trở thành nhân tố tiếp thêm sức mạnh cho thỏa thuận Liên Thái Bình Dương TPP. Tuy nhiên, nó lại "gây khó" cho Fed về việc liệu có nên tăng tỷ lệ lãi suất trong năm nay hay không.

Trung Quốc “có mối liên quan mật thiết đến những quốc gia khác trên thế giới”, Chủ tịch Fed New York là William Dudly nói. “Vẫn là quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào về ý nghĩa của động thái này”.

IMF vào cuối ngày thứ 3 thì tỏ ra thận trọng trước động thái của Bắc Kinh và nói rằng nó “là một bước đi đáng khuyến khích”. IMF đang cân nhắc xem liệu có nên cho nhân dân tệ vào danh sách những tài sản dự trữ quốc gia cùng USD, euro, yen Nhật và bảng Anh hay không.

Trong khi đó, Arthur Kroeber - Giám đốc Gavekal Dragonomics thì nói rằng việc áp dụng tỷ giá hối đoán thị trường theo định hướng của Trung Quốc sẽ mang lại sự phát triển tích cực trong dài hạn. Nó hỗ trợ các nỗ lực nhằm cải cách nền kinh tế của chính phủ và cung cấp cho thị trường một “vai trò quyết định” trong việc phân bổ nguồn lực.

“Trung Quốc đã nới lỏng thị trường trong giai đoạn tâm lý thị trường đang bi quan. Trong trường hợp này, không ngạc nhiên khi nhiều thương gia và chuyên gia phân tích đã nhầm và cho rằng nền kinh tế đang hoảng loạn và rơi tự do”.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM