Trung Quốc: Đổ vỡ tứ tung

12/08/2015 17:30 PM |

Khi cơn địa chấn trên thị trường chứng khoán vừa nguôi ngoai, Nhân dân tệ bất ngờ sụt giá mạnh, chưa dừng lại ở đó, tờ Financial Times còn bày tỏ lo ngại về cả thị trường bất động sản của Trung Quốc.

Sau giai đoạn gây sốc với toàn thế giới về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, những ngày gần đây Trung Quốc tiếp tục làm mọi người bất ngờ khi phá giá đồng Nhân dân tệ. Chưa dừng lại ở đó, tờ Financial Times còn dự đoán rằng, quốc gia này sẽ còn phải trải qua sự sụp đổ của thị trường bất động sản như là hậu quả của cơn địa chấn chứng khoán vừa qua để lại.

Chứng khoán chao đảo

Đầu tháng 7, cả thế giới không khỏi bất ngờ trước thông tin chỉ số Shanghai Composite đã giảm 24% so với mức đỉnh được lập hôm 12/6, khiến ít nhất 2.400 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi”. Những ngày sau đó, người ta dùng từ “hoảng loạn” để miêu tả về tình hình thị trường chứng khoán của Trung Quốc.

Trong khi các chỉ số chứng khoán chính tiếp tục giảm mạnh, phía chính phủ lại tỏ ra chậm chạp và thất bại trong việc ổn định thị trường. Bằng chứng là đến ngày 8/7, vẫn có thêm hàng trăm công ty tuyên bố ngừng giao dịch, nâng con số này lên 1.476 trong tổng số 2.808 công ty niêm yết tại Trung Quốc.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra đổ vỡ thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy nhiên, một tin đồn xuất phát từ bài viết trên Wechat của người dùng có nickname “Kevin” đổ lỗi cho hệ thống của HOMS gây ra sự sụp đổ chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây.

Giữa tháng 7, phía nhà chức trách Trung Quốc cũng đã xác nhận việc cử một đội điều tra đến công ty Hundsun để “kiểm tra việc thực hiện các quy định trên thị trường chứng khoán”, người phát ngôn của Ủy ban giám sát chứng khoán Trung Quốc là Deng Ge nói, tuy nhiên ông này không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Nhân dân tệ sụt giá

Sáng ngày 11/8, Trung Quốc bất ngờ thông báo mức điều chỉnh kỷ lục 1,9% đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày, xuống còn 6,2298 Nhân dân tệ đổi 1 USD. Động thái này ngay lập tức khiến Nhân dân tệ giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 1/1994.

NHTW Trung Quốc (PBOC) khẳng định đây chỉ là lần điều chỉnh duy nhất, vì PBOC đang có kế hoạch giữ đồng nhân dân tệ ổn định ở mức “hợp lý”. Tuy nhiên, sáng nay 12/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ thêm 1,6% xuống còn 6.3306 nhân dân tệ/USD. Động thái này rõ ràng gây tác động trên nhiều phương diện.

Đầu tiên, hàng loạt đồng tiền của các nước khác thuộc châu Á cũng theo đà lao dốc mạnh.

Trong phiên giao dịch vào ngày hôm qua, các đồng tiền của Australia, Hàn Quốc và Singapore giảm ít nhất 1%. Callum Henderson, chuyên gia nghiên cứu ngoại tệ tại ngân hàng Standard Chartered đưa ra nhận định: “Rõ ràng đây là một cú sốc đối với các nước còn lại ở châu Á. Nếu bạn nhìn vào các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc – gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức – đây là một đòn giáng mạnh vào sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trung Quốc đang xuất khẩu giảm phát sang các nước nhập khẩu lượng lớn hàng hóa từ Trung Quốc. Đây là tin rất xấu đối với các đồng tiền châu Á”.

Tiếp đó, những công ty Trung Quốc hoạt động mạnh ở thị trường trong nước sẽ là những đối tượng hứng chịu tổn thương nhiều nhất. Lý do là bởi phần lớn doanh thu của họ được tính toán bằng đồng Nhân dân tệ. Một số cái tên có thể kể đến là Lenovo Group và Coolpad Group.

Chưa hết, Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, chiếm tới 50% sản lượng xuất quặng sắt, dầu mỏ, và các mặt hàng khác mà các quốc gia Nam Mỹ này bán ra toàn thế giới. Việc giảm giá của đồng Nhân dân tệ khiến các mặt hàng vốn đã có giá thấp kỉ lục này càng rớt giá thảm hại. Thêm vào mớ lộn xộn trong hệ thống trính trị, Brazil đang đứng trước hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.

Thị trường bất động sản ngấp nghé bờ vực sụp đổ?

Ngay thời điểm chứng khoán Trung Quốc tăng và giảm bất thường, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại với thị trường bất động sản của nước này. “Đà lao dốc của TTCK có thể sẽ khiến tốc độ bán hàng trên thị trường bất động sản chậm lại, do đó có một số rủi ro ở đây”, Dariusz Kowalczyk – chiến lược gia đến từ Credit Agricole – nhận định. “Kể cả khi hoạt động bán hàng vẫn diễn biến tốt, các công ty sẽ phải mất thêm nhiều thời gian hơn để giảm lượng hàng tồn kho”.

Trong khi đó, theo đánh giá của tờ Financial Times, thị trường bất động sản là một trong những phần quan trọng nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Hiện bất động sản nhà ở và xây dựng chiếm khoảng 10% GDP cả nước. Ngoài ra, tờ báo này cũng nhận định, một trong những rủi ro lớn nhất với thị trường bất động sản Trung Quốc là người mua nhà hầu như là dân đầu cơ.

Dù đến nay tác động đối với thị trường bất động sản này vẫn chưa thể hiện rõ ràng tuy nhiên nguy cơ đổ vỡ của thị trường này đang được gắn “báo động đỏ”.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM