Trồng mắc ca: "Việt Nam đừng mắc lại sai lầm như Trung Quốc"

15/06/2015 09:13 AM |

“Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ cây mắc ca, tránh lặp lại sai lầm như Trung Quốc", ông Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc- nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất trên thế giới đưa ra lời khuyên.

Nội dung nổi bật:

Ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc, chia sẻ:

- Vì sao Úc là nước đứng thứ hai về phát triển cây mắc ca nhưng trong 10 năm qua, Úc hầu như không mở rộng diện tích? Tại sao ở Úc năng suất, giá thành sản phẩm mắc ca ngày càng giảm?

- Mắc ca cũng có lúc tăng trưởng không hợp lý vì bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. Một năm, mắc ca có thể đạt sản lượng 43.000 tấn nhưng nếu năm sau mưa, hạn hán không đúng thời điểm thì có thể chỉ 30.000 tấn. Tình trạng này bắt đầu xảy ra vào năm 2011.

- Khi giá mắc ca giảm, nông dân ở Úc không có lợi nhuận. Họ bắt đầu tìm cách giảm mức tiêu thụ chi phí cho phân bón, khiến năng suất giảm, kéo theo lại giảm giá…và cứ thế một vòng luẩn quẩn.


Việt Nam biết chọn đúng thời điểm?

Theo ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc thì Việt Nam đã rất biết chọn thời điểm phù hợp để bước chân vào thị trường hạt. Ngành hàng hạt hiện nay đang tăng trưởng mạnh, đã có những mức kỷ lục về giá và sản lượng. Trong 10 năm qua, tổng sản lượng hạt hạnh nhân tăng gấp đôi, trong khi giá trị thị trường tăng gấp 3. Tổng giá trị bán buôn hạt óc chó đã tăng gần 400%...

Nguyên nhân là do người dân nhận thức cao hơn về giá trị dinh dưỡng của các loại hạt. Mắc ca có thể nhân rộng, phát triển ở Việt Nam là hoàn toàn hợp lý.

Nhu cầu mắc ca trên thế giới tăng mạnh. Sản lượng mắc-ca toàn thế giới tăng 12,5% trong năm 2014 đạt 152.663 tấn (chưa tách vỏ). Cuối năm 2014, khối lượng mắc ca tồn kho của thế giới ở mức thấp và hầu như không có dự trữ cho đến khi có vụ thu hoạch năm 2015.

Doanh thu từ mắc ca chưa tách vỏ của Úc tăng hơn gấp đôi và doanh thu của Nam Phi tăng 36%.

Theo Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc, năm 2015 sản lượng mắc ca sẽ tăng lên hơn 160.000 tấn. Trong 5 năm tới nguồn cung mắc ca sẽ tăng nhanh khi Nam Phi tăng sản lượng lên 80.000 tấn, Trung Quốc 50.000 tấn, Úc dự kiến 55.000 tấn và Việt Nam khoảng 10.000 tấn.

“Hiện nay Nam Phi đang đứng đầu về cung cấp sản lượng Mắc ca, tuy nhiên biết đâu khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ chiếm luôn vị trí số một vô địch này”, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc lạc quan nói.

Thị trường tiêu thụ mắc ca hiện nay chủ yếu tại tại 5 thị trường: Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản và Brazil (Chiếm 70% khối lượng). Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất lượng mắc-ca chưa tách vỏ, ước tính trên 90%. Trong thời gian tới thị trường có thể mở rộng sang Nga và Ấn Độ, Hàn Quốc.

Các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức và Nhật Bản đều có tăng trưởng mặc dù giá bán ra cao. Hiện nay các loại chế phẩm từ mắc ca như đồ ăn nhẹ, sữa, bột, dầu, mỹ phẩm cũng đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Với nhu cầu tiêu thụ mắc ca hiện nay của thế giới, ông Burnett cho rằng, trong 10 năm tới, thu nhập từ mắc ca vẫn sẽ rất tốt.

Trung Quốc cũng đang ồ ạt phát triển cây mắc ca nhưng bỏ qua chất lượng giống. Ảnh Internet

Trung Quốc cũng đang ồ ạt phát triển cây mắc ca nhưng bỏ qua chất lượng giống. Ảnh Internet

Bài học từ các nước

Đánh giá cao về cơ hội trên nhưng Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc cũng khuyến cáo: Việt Nam phải luôn luôn đảm bảo tăng trưởng một cách nhanh chóng sản lượng đi kèm với chất lượng. Không thỏa hiệp chất lượng để theo đuổi thị trường. Trung Quốc là một thị trường mới nổi, diện tích mắc ca ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên họ đang theo đuổi khối lượng mà bỏ qua chất lượng, trồng nhiều dòng không phù hợp, bỏ qua kiểm soát chất lượng cây con khiến năng suất cây trồng thấp.

“Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ cây mắc ca, tránh lặp lại sai lầm như Trung Quốc. Trước hết phải xây dựng những vườn ươm chuyên nghiệp. Chính phủ cần hỗ trợ để có những bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, cung cấp hướng dẫn cho người nông dân biết thế nào là cây tốt, đảm bảo mỗi cây khi trồng phải cho chất lượng tốt nhất bởi cây mắc ca tồn tại trong vòng 40 năm. Hơn nữa chất lượng mắc ca phụ thuộc vào chất lượng giống đầu vào chứ không phải nhờ công nghệ chế biến”, ông Burnett đưa ra lời khuyên.

Ngoài ra ông cũng cho rằng, việc thu hoạch mắc ca tại Việt Nam hiện nay chủ yếu bằng tay, điều này sẽ đội lên chi phí lao động. Những người trồng mắc ca ở Việt Nam nên sang Úc để thăm quan các trang trại, cơ sở chế biến mắc ca tại Úc. Chủ tịch Hiệp hội mắc Úc hứa sẽ sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với nông dân, doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, sau lời chia sẻ của ông Burnett, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn, hoài nghi đã được gửi đến ông. Nổi bật nhất là: Vì sao Úc là nước đứng thứ hai về phát triển cây mắc ca nhưng trong 10 năm qua, Úc hầu như không mở rộng diện tích? Tại sao ở Úc năng suất, giá thành sản phẩm mắc ca ngày càng giảm?

Trả lời câu hỏi này ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc cho biết, thời gian qua chỉ có khoảng 1.000 ha trang trại mới đươc phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đất. Tại Úc giá thuê đất phù hợp để trồng mắc ca tốn kém khoảng 1.000 đô Úc/ha, tiền đầu tư cho 1ha mắc ca lên tới 30.000 USD nhưng phải đợi đến 30 năm mới thu lại lợi nhuận. Điều này khiến doanh nghiệp ở Úc không hứng thú để bỏ tiền đầu tư vào những trang trại mắc ca mới.

Nói về sản lượng và giá mắc ca đã có lúc biến động tại Úc, ông Jolyon Burnett cho hay: Năng suất trung bình ở Úc mỗi ha là 2,8 tấn hạt chưa tách vỏ. Nơi trồng tốt nhất có thể đạt 6 tấn/ha. Tuy nhiên, mắc ca cũng có lúc tăng trưởng không hợp lý vì bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. Một năm, mắc ca có thể đạt sản lượng 43.000 tấn nhưng nếu năm sau mưa, hạn hán không đúng thời điểm thì có thể chỉ 30.000 tấn. Tình trạng này bắt đầu xảy ra vào năm 2011.

Năm 2012, điều kiện thời tiết xấu tiếp tục khiến sản lượng giảm, năng suất giảm. Bên cạnh yếu tố môi trường, thời tiết thì việc Nam Phi tăng sản lượng một cách nhanh chóng, cung vượt cầu đã khiến giá mắc ca giảm mạnh.

Khi giá mắc ca giảm, nông dân ở Úc không có lợi nhuận. Họ bắt đầu tìm cách giảm mức tiêu thụ chi phí cho phân bón, khiến năng suất giảm, kéo theo lại giảm giá…và cứ thế một vòng luẩn quẩn.

“Chúng tôi rất vất vả khi lật ngược chiều xoắn trôn ốc đi xuống ấy bằng cách thúc đẩy ngành này ở Nam Phi, củng cố lại vị thế của sản phẩm này trên thị trường, thay vì để cho giá mặt hàng này giảm thì chúng tôi đã đẩy giá tăng lên. Trong 3 năm vừa qua, giá mắc ca đang tăng dần và sản lượng cũng tăng lên. Đó là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh, các quốc gia trồng mắc ca vì sao phải hợp tác, chung sức để đảm bảo mắc ca phát triển một cách quy củ”, Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc nhấn mạnh.

Đánh giá cây mắc ca có nhiều lợi thế ở Việt Nam, song Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho rằng cần hết sức thận trọng với cây mắc ca. Tránh vội vàng, hấp tấp gây thiệt hại cho DN và bà con. Cuối năm nay, Bộ NN&PTNT sẽ chính thức ban hành quy hoạch phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, từ nay đến 2020, lượng giống mắc ca có chất lượng, nguồn gốc đã được công nhận chỉ đủ để trồng với diện tích 10.000 ha.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM