Thương mại châu Á suy giảm sâu: Trong vòng luẩn quẩn
Vòng tròn luẩn quẩn của các đồng tiền suy yếu và nhu cầu sút kém của xuất khẩu đang khiến các yếu tố thương mại của châu Á có thể bị phá vỡ.
Kinh tế mất đà dẫn đến sự suy giảm liên tục trong thương mại toàn cầu và toàn bộ châu Á bây giờ đang phải nếm trải những khó khăn tích tụ do xuất khẩu sụt giảm mạnh. Suy thoái thương mại của châu Á dường như đã trở nên tồi tệ vào tháng 8 khi kim ngạch thương mại các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia giảm mạnh - như một vòng tròn luẩn quẩn của các đồng tiền suy yếu và nhu cầu xuất khẩu sụt giảm trong khu vực.
Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, trong nhiều thập niên qua đã trở thành khu vực kinh doanh năng động nhất thế giới. Nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong năm nay rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, giảm 7,7% trong tháng 7 và là tháng thứ 9 sụt giảm liên tiếp (theo số liệu của Capital Economics).
Các số liệu trong tháng 8 cho một cái nhìn sâu sắc của xu hướng này. Ấn Độ công bố sụt giảm 20,6% xuất khẩu trong tháng 8, trong khi Hàn Quốc giảm 14,9%, Indonesia giảm 12,3% và Trung Quốc giảm 6,1%. Hoạt động thương mại giảm sâu cho thấy một vòng luẩn quẩn của các thị trường mới nổi, chứ không riêng gì châu Á. Nhiều nước nhảy vào cuộc chiến phá giá tiền tệ để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng nhu cầu nhập khẩu vẫn sụt giảm.
Một nghiên cứu của The Financial Times tại 107 quốc gia có thị trường mới nổi cho thấy, một đồng tiền yếu đã không dẫn đến gia tăng xuất khẩu, trái lại làm nhập khẩu giảm xuống trung bình 0,5% khi một đồng tiền mất giá 1% so với USD. "Chúng tôi đã mong đợi một chuyển đổi suôn sẻ trong động lực tăng trưởng toàn cầu khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và hướng tới khu vực tiêu dùng Mỹ trong năm 2015 - 2016 - Glenn Maguire, Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương tại bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ nói - Nhưng mong đợi này đã không xảy ra". Ông cũng cho biết "suy giảm thương mại sâu" của khu vực đã khiến nhóm nghiên cứu phải hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2015-2017 xuống đáng kể.
Một số yếu tố đứng đằng sau yếu kém của hoạt động thương mại trong khu vực, trong đó có "tiềm năng tăng trưởng thấp của một số nền kinh tế lớn, xu hướng nhân khẩu không thuận lợi và thiếu đầu tư để mở rộng năng lực thương mại". Tình trạng khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra mặc dù hầu hết các đồng tiền châu Á (ngoài đồng đô la Hồng Kông) đã giảm đáng kể so với đồng USD từ đầu tháng 8.
Các nhà phân tích đã đưa ra giải thích cho hiện tượng này. Một là chính sách nới lỏng định lượng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã tăng giá trị tài sản nhiều hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Một giải thích khác cho rằng nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm khi phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển đến Trung Quốc.
Một nguyên nhân khác là do sự suy giảm mạnh trong nhu cầu tiêu dùng tại các nước sản xuất hàng hóa như Brazil và Nga, đã kích hoạt một ứng dây chuyền tiêu cực khắp các thị trường mới nổi. Trong quý II, theo dữ liệu của Capital Economics, chi tiêu tiêu dùng tại các thị trường mới nổi chỉ tăng 1,2% so với năm trước, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng còn yếu, chỉ 2,2% so với năm trước trong ba tháng, tính đến tháng 7, và đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2009.
Theo xu hướng này, các yếu tố thương mại của châu Á sẽ bị phá vỡ, tức là sự gia tăng xuất khẩu sẽ không còn đi kèm với sự gia tăng một phần GDP nữa. Hay nói cách khác, "số nhân thương mại" của những nước này sẽ sụt giảm (số nhân thương mại tính bằng khoản thu nhập quốc gia - thu nhập của những đối tượng liên quan tới việc xuất khẩu tăng thêm từ việc gia tăng một lượng đơn vị xuất khẩu hàng hóa).