Thị trường ô tô 'bùng nổ', ai mới là người hưởng lợi?

13/01/2015 08:30 AM |

Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng trưởng đến 103,8% về lượng và 117,3% về giá trị so với năm 2013.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ô tô Đông Nam Á, tính chung trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh số ô tô toàn khu vực ASEAN giảm 10,3% còn 2,65 triệu chiếc. Sản xuất trong khu vực cũng giảm 10,7% còn 3,35 triệu xe so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhu cầu sở hữu xe hơi của người dân Việt Nam vẫn tăng mạnh, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2014, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 157.810 chiếc, tăng 37% so với năm 2013 và gần chạm mức kỷ lục 160.000 chiếc của năm 2009.

Nhu cầu sở hữu xe 4 bánh tăng mạnh

Nhu cầu được sở hữu 1 chiếc xe 4 bánh của người dân Việt Nam đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Mặc dù xe máy vẫn là phương tiện giao thông phổ biến nhất, chiếm 85% lượng xe lưu thông trên đường, doanh số bán hàng đã liên tục sụt giảm trong hai năm qua do nguồn cung bắt đầu vượt quá nhu cầu.

"Thay thế một chiếc xe máy bằng một chiếc xe hơi, để có thể giúp gia đình tránh khỏi mưa và bụi bẩn, là một giấc mơ của hầu hết người dân tại Việt Nam", Horst Herdtle, giám đốc điều hành của Euro Auto, nhà nhập khẩu thương hiệu xe BMW cho biết.

Riêng trong tháng 12, Việt Nam đã nhập khẩu 10.000 ô tô nguyên chiếc và theo ước tính, giá trị kim ngạch tăng lên mức 227 triệu USD, đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong năm có lượng xe nhập khẩu lên đến con số 10.000, cao nhất trong vòng 5 năm nay.

Theo xu hướng các năm trước, dịp cuối năm lượng khách mua xe tăng do người dân tăng cường mua sắm cuối năm. Bên cạnh đó, chính sách trợ giá, hỗ trợ các chi phí của các hãng xe dịp cuối năm cũng kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Tháng 12 chính là thời điểm mà cả các nhà phân phối lẫn người tiêu dùng ô tô cần “chốt” lại trước khi bước sang năm mới, cho dù với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhất là các nhà sản xuất ô tô, năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3/2015, tức rơi vào thời điểm Tết nguyên đán năm nay.

Do đó, tháng 12 đồng thời cũng là quãng thời gian mà lượng xe nhập khẩu về nước sẽ dồn dập hơn theo các hợp đồng ký kết trước đó.

Xu hướng chuộng xe nhập khẩu

Nikkei Asia Reviews nhận định rằng, việc ô tô nhập khẩu gia tăng vào Việt Nam có thể gây ảnh hưởng lớn cho các hãng sản xuất trong nước, vốn tụt hậu so với các đối thủ đến từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Họ ước tính xe nhập hiện chiếm khoảng 25% thị trường Việt Nam và tiếp tục đà tăng trong 2 năm qua.

Còn theo số liệu của tổng cục thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 2014 chính thức lập đỉnh với 72.000 chiếc và 1,57 tỷ USD. Trong năm 2013, chỉ có tổng cộng 34.978 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch xấp xỉ 708 triệu USD.

Trong khi đó doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt gần 160.000 chiếc. Có thể thấy rằng, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đã chiếm khoảng 50% tổng lượng xe bán ra trong năm trên toàn thị trường.

Xe nhập khẩu đang quay trở lại xu hướng tăng trưởng

Như vậy, xu hướng nhập khẩu và tăng cường xe nhập khẩu của các hãng đang ngày càng rõ hơn. Theo các doanh nghiệp, năm 2014 đã có trên 60 mẫu xe mới được nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam, từ xe bình dân, giá rẻ, xe sang cho tới các siêu xe đắt tiền.

Nắm bắt được xu hướng thị trường, hiện nay hầu hết các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đều có ít nhất một mẫu xe nhập khẩu. Từng là một trong những liên doanh có sản lượng lắp ráp ô tô tương đối lớn tại thị trường Việt Nam, nhưng Vinastar mới đây đã công khai kế hoạch chuyển sang nhập khẩu các dòng xe mới.

Lý giải cho điều này, ông Kazuhiro Yamana, Tổng giám đốc Vinastar giải thích rằng, Mitsubishi chọn nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam vì hãng cũng chưa biết được từ nay đến năm 2018, Chính phủ có thay đổi gì về chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô hay không.

Xe sang hút khách

Năm 2014, trong khi nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu thì đây lại là năm "ăn nên làm ra" đối với các hãng xe, khi mà nhiều mẫu xe nhập khẩu, cứ về đến đâu là hết hàng đến đó, đặc biệt là xe sang.

Minh chứng rõ ràng nhất là tại sự kiện Vietnam Motorshow 2014 đã thiết lập kỷ lục bán hàng, khi mà chỉ trong 5 ngày đã có hơn 560 hợp đồng bán xe được ký kết, gấp đôi số xe bán được của kỳ triển lãm năm ngoái. Theo nhận định của các doanh nghiệp, thị trường xe sang Việt Nam năm 2014 vẫn giữ mức tăng trưởng 2 con số.

Hiện tại, Mercedes-benz Việt Nam là hãng chiếm thị phần lớn nhất và năm nay ước tính có thể bán vượt 2.000 xe, đây con số ấn tượng nhất kể từ khi hãng gia nhập thị trường này. Các hãng khác như BMW cũng có doanh số bán hàng ước tính hơn 1.000 xe trong năm nay. Audi thấp hơn cũng ở mức 800 xe, ngoài ra cũng phải kế đến các tên tuổi như Porsche, Range Rover, Renault...

Hãng siêu xe nổi tiếng Rolls-Royce cũng đã mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội hồi tháng 8, theo sau là Bentley tháng 10 và Lamborghini cũng hứa hẹn sẽ sớm gia nhập thị trường Việt Nam. Hãng xe Rolls-Royce vừa ra mắt mẫu xe Ghost SWB mới giá khởi điểm 17 tỷ đồng và cho biết hiện đang có 120 chiếc Rolls-Royce đăng ký tại Việt Nam.

Rolls-Royce mở showroom đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 8/2014.

Rolls-Royce mở showroom đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 8/2014.

"Mẫu xe được ưa chuộng nhất tại Việt Nam là Phantom có giá 25 tỷ đồng, hiện chiếm 60% doanh số bán hàng của hãng", Nikkei Asia Reviews dẫn lời ông Phạm Bửu Hội, Giám đốc Marketing Rolls-Royce Việt Nam.

"Số lượng người giàu tại Việt Nam ngày càng tăng lên. Họ muốn chứng tỏ sự thành đạt của mình", bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Marketing của Porsche Việt Nam cho biết.

Miếng bánh to được dành cho ai?

Vào tháng 7/2014, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa.

Còn thực tế phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô ở Việt Nam vẫn còn èo uột. Điều này được chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng phát biểu trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, hôm 17/11/2014, rằng: không doanh nghiệp nào dám làm nhà cung cấp phụ trợ vì dung lượng thị trường thấp, trong khi có đến 10 hãng lắp ráp. Cần phải đạt dung lượng thị trường 100.000 xe/năm thì mới đủ lớn để có nhà sản xuất phụ trợ nhưng Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp lắp ráp nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ 70.000 xe.

Theo phân tích của một lãnh đạo doanh nghiệp ô tô liên doanh, tỷ lệ nội địa hóa ô tô Việt Nam hiện chỉ nhỉnh hơn 10%. Đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực ASEAN hạ xuống bằng 0%, doanh nghiệp nếu muốn sản xuất ô tô tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ các quốc gia khác ở ASEAN với giá cao, nên khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Nikkei Asia Review thì dự báo nhiều nhà sản xuất xe địa phương có thể sẽ chọn cách rút lui hơn là cạnh tranh bình đẳng với các quốc gia sản xuất khổng lồ khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cả 3 quốc gia này đều sản xuất hơn 3 triệu xe trong năm 2014, trong khi nhà sản xuất Việt Nam chỉ có 97.430 xe.

Đại diện một hãng lắp ráp ô tô trong nước từng cảnh báo: “Nếu không quyết liệt, đến năm 2018 chỉ còn 3 hãng xe duy trì nhà máy tại Việt Nam”...

>> Tăng thuế ô tô 195%: Thử thách độ 'chịu chơi' của giới nhà giàu

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM