Ôtô Việt Nam: Không làm được, khó mơ giống... Campuchia!

09/01/2015 09:47 AM | Công nghệ

"Cuối cùng, ngành công nghiệp ô tô VN, chỉ thay thế được một số phụ tùng hết sức bình thường, phát triển không có đầu, có đũa"

Tại sao cứ trông chờ vào một chính sách?

PV: Theo tổng cục Thống kê, năm 2014, số lượng ô tô nhập nguyên chiếc là 72.000 chiếc, giá trị tương đương 1,57 tỷ USD, chiếm một nửa lượng tiêu thụ của cả thị trường. Theo ông, điều này có dự báo xu hướng của thị trường sắp tới là xe nguyên chiếc nhập khẩu hay không và vì sao? Ngành lắp ráp ô tô trong nước sẽ đối mặt với những áp lực như thế này từ xu hướng này?

PGS TS Phạm Tất Thắng: Con số nhập khẩu ô tô này, theo tôi cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì: Thứ nhất, ngành sản xuất ô tô trong nước hiện nay không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng cả về chất lượng, số lượng và giá cả. Chính vì vậy, cho nên người tiêu dùng thích lựa chọn dòng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để thỏa mãn tất cả các yếu tố đó.

Thứ hai, thu nhập của người dân trong thời gian vừa qua cũng đã khá lên, việc sử dụng ô tô cũng không còn quá cao xa như trước, việc sở hữu một chiếc ô tô là quá bình thường, miễn là có chỗ để. Để có thể thấy, về nguồn tài chính mua sắm ô tô không còn là một vấn đề quá lớn với người VN và mức sống của người Việt trong những năm vừa qua đã được cải thiện.

Thứ ba, trong vòng 2 năm trở lại đây, điều kiện giao thông đã được cải thiện rõ nét, việc đi bằng ô tô thuận lợi hơn, trong quá trình sử dụng ô tô thì người dân còn thấy an toàn hơn đi xe máy.

Bên cạnh đó, cũng do phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng của người dân. Nếu như người dân châu Âu cũng chủ yếu sở hữu ô tô, nhưng giao thông công cộng thuận lợi và rẻ, nên họ hạn chế đi ô tô mà chủ yếu đi phương tiện công cộng. Còn ở VN chúng ta chưa làm được thì người dân phải chủ động sắm ô tô. Đây là lý do dẫn tới việc lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng cao trong thời gian qua, nên tôi cho rằng nó không quá đáng ngạc nhiên.

Kể cả, thời gian qua nhà nước đánh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc rất cao, đặc biệt đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 50%, ngoài ra còn đóng thuế trước bạ. Mặc dù những biện pháp đưa ra cũng kiên quyết nhưng người dân vẫn chấp nhận để có được ô tô nhập khẩu nguyên chiếc.

Chả những vậy, sắp tới chúng ta sẽ phải đưa mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào năm 2015 xuống 50%, năm 2018 từ 0 - 5%, nếu như vậy thì càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.

Tất cả những điều này, để thấy sự thất bại của công nghiệp ô tô VN, thất bại từ chính sách, đến tổ chức thực hiện, tuyên truyền, giáo dục.

Và khi người dân chuộng xe nhập khẩu, thì ngành lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn là đương nhiên. Thế nhưng, tôi cho rằng, có gặp khó khăn thì sản xuất ô tô trong nước mới có thể thay đổi, mới xác định được bước đi cần thiết là gì?

Trong thời gian vừa qua, tôi không thấy ngành công nghiệp ô tô có đường nét phát triển một cách rõ ràng, cụ thể, thậm chí không có hiệu quả.

Dù đã cho rất nhiều hãng lớn vào đầu tư, nhưng mỗi hãng ở một thị phần nho nhỏ không đáng đầu tư, đưa ra một tỷ lệ nội địa hóa, nhưng cũng gọi là đưa ra nhưng không có giải pháp gì để thực hiện.

Cuối cùng, ngành công nghiệp ô tô VN, chỉ thay thế được một số phụ tùng hết sức bình thường, một vài DN chúng ta có xác định được phương hướng, đi bằng ô tô khách, ô tô tải, những chỉ là nhỏ lẻ, mặc dù đã bước đầu thành công. Điều này dẫn đến, ngành công nghiệp ô tô không phát triển đến đầu đến đũa.

PV: Trên thực tế, tại hội nghị công bố chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN mới đây, ông Metelo Jesus Arias - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã nêu kiến nghị, mong giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước, đồng thời giữ trần thuế nhập khẩu nguyên chiếc trong cam kết FTA.

Điều này có phải minh chứng cho việc ngành sản xuất trong nước không chống đỡ được với xe nhập khẩu hay không, thưa ông? Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này khi trên thực tế giá xe lắp ráp cạnh tranh hơn rất nhiều so với xe nhập khẩu?

PGS TS Phạm Tất Thắng: Khi đã hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt hội nhập WTO, thì không thể phân biệt đối xử giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, nên chuyện ưu đãi cho bên này, khắt khe với bên kia là không được.

Thiết nghĩ việc cần làm không phải là tìm mọi biện pháp để ngăn chặn không cho nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu dùng ô tô, lắp ráp trong nước. Đây chỉ là những đề nghị mang tính chất chỉ có lợi, nhưng không xuất phát từ hoàn cảnh chung.

Mà việc cần làm là định hướng phải làm gì, các DN sẽ phải tự mình tìm ra con đường để phát triển, để có được sản phẩm của riêng mình.

Hiện nay, với chính sách sai lầm, với tổ chức sai lầm, chúng ta đang phải trả giá, sản xuất trong nước vẫn dậm chân tại chỗ, không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu.

Để thấy những người làm chính sách tầm nhìn rất kém, bị lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt chi phối quá nhiều, nên cứ trông chờ, trông đợi vào một chính sách, nên cuối cùng cái được ít hơn cái mất.

Giấc mơ ngày càng xa vời

PV: Từ khi có Chiến lược phát triển ngành ô tô tới nay, ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện nay vẫn đang là lắp ráp, chưa làm được trục khuỷu, sơn ô tô... Vậy phải hiểu những kiến nghị bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước như thế nào, thực chất là để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô hay là bảo hộ cho những doanh nghiệp FDI?

PGS TS Phạm Tất Thắng: Theo tôi, ở đây, thực chất không phải là chiến lược hay đường hướng cụ thể để phát triển ngành ô tô VN, mang màu sắc VN. Chúng ta cần trả lời liệu VN có nên đi vào sản xuất ô tô cá nhân hay không?

Còn những chính sách hiện nay, cũng chỉ là bảo hộ cho những cơ sở lắp ráp được cho phép vào VN sản xuất, không có màu sắc mang tính đặc thù của VN, phát huy thế mạnh của VN, vậy có khác nào đi làm giàu cho nước ngoài.

Đây chính là hệ quả của chính sách không đối mặt với những cạnh tranh mà các nước khác đi trước đã thành công của chúng ta. Cứ nhìn ngay, đến Campuchia còn sáng chế được xe ô tô, trong khi chúng ta cứ hô hào đặt mục tiêu tăng lượng hàng nội địa hóa, nhưng đến cái trục khuỷu còn không làm được, điều này khẳng định chính sách của chúng ta hoàn toàn thất bại.

PV: Do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình, Tập đoàn ô tô Mazda (Nhật Bản) đã tuyên bố chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất với quy mô lớn nhằm cung cấp sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á. Một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc, mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.

Ông dự báo xu hướng lựa chọn lại địa điểm đầu tư sẽ khiến cho ngành lắp ráp ô tô Việt Nam phải đối diện với những khó khăn như thế nào? Và hạn chót cho chiến lược phát triển ô tô Việt Nam, nền sản xuất ô tô Việt Nam sẽ có được những gì?

PGS TS Phạm Tất Thắng: Chuyện họ không lựa chọn VN mà là các nước xung quanh là điều tất nhiên. Bởi ở đây họ không sống được, không có công nghiệp hỗ trợ, nội địa hóa không được, không hạ giá thành xuống được, điều này không chỉ riêng ô tô, mà nhiều lĩnh vực khác họ cũng đầu tư chủ yếu vào đây là dựa vào chính sách ưu đãi của chúng ta.

Dựa vào sự cấm nhập khẩu của chúng ta, dựa vào giá nhân công rẻ của chúng ta, nhưng khi những điều kiện đó không còn thì họ ra đi, đó là điều hiển nhiên.

Vậy là chúng ta thêm thất bại trong việc thu hút FDI cùng với sự thất bại trong phát triển ngành ô tô của VN, cho nên đến cuối cùng VN vẫn chỉ làm được những bộ phận đơn giản, vẫn chỉ làm anh lắp ráp mà thôi, giấc mơ sản xuất ô tô nội địa sẽ ngày càng xa vời.

Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ!

>> Viễn cảnh ôtô Việt Nam 2015: Mừng mà lo

Theo Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM