Tại sao Thủ tướng Shinzo Abe lại lo sợ khi đồng Yên tăng giá?

15/02/2016 15:45 PM |

Việc thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm mạnh và đồng Yên yếu đang đe dọa kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, qua đó tiếp tục làm giảm khả năng phục hồi của kinh tế quốc gia này.

Thủ tướng Abe đã phải có cuộc gặp khẩn cấp với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda vào ngày 12/2 trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán quốc tế, khi đà tăng điểm của chứng khoán Nhật Bản nhờ kế hoạch thúc đẩy kinh tế Abenomics đã bị xóa sạch sau những phiên điều chỉnh vừa qua.

Hiện nhiều chuyên gia đang tập trung sự chú ý vào số liệu GDP quý IV/2015 của Nhật Bản. Trước đó, một số chuyên gia dự đoán GDP của nước này sẽ giảm 0,7% trong quý IV/2015.

Nếu dự đoán trên là chính xác, đây sẽ là một thông tin vô cùng tồi tệ với chính sách nới lỏng tiền tệ mà Thủ tướng Abe đang thực hiện. Nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đó đã từng cam kết chính sách trên sẽ giúp cải thiện tình hình giảm phát và tăng trưởng chậm của quốc gia đang lão hóa này.

Nhiều chuyên gia cho rằng chương trình kinh tế của chính quyền Tokyo thất bại có thể tạo mối nguy hiểm lớn cho đất nước khi quốc gia này mất thế chủ động trước những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình lão hóa dân số.

Kế hoạch của Thủ tướng Abe, trong đó bao gồm việc tăng mạnh chi tiêu công, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và cải tổ nền kinh tế ban đầu đã đem lại một số hiệu quả.

Đồng Yên yếu đã thúc đẩy lợi nhuận cho ngành xuất khẩu cũng như đẩy các chỉ số chứng khoán lên cao. Tuy nhiên, đà tăng trưởng chậm của kinh tế Nhật Bản khiến những nỗ lực của Thủ tướng Abe bị cho là không thực sự hiệu quả.

Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định kế hoạch của Thủ tướng Abe không thực sự đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng như mức vốn có và nếu chương trình trên thất bại, nội các Nhật Bản hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm khoảng 30% so với hồi giữa năm 2015, trong khi đồng Yên đã tăng giá gần 4% trong 1 tuần qua.

Chính quyền Tokyo dường như ngày càng bất lực trong việc hạ giá đồng Yên khi các nhà đầu tư tăng cường mua vào đồng tiền này.

Nhiều nhà đầu tư thậm chí dự đoán BOJ có thể can thiệp vào thị trường lần đầu tiên kể từ năm 2011 nhằm chặn đà tăng giá của đồng Yên ngay sau khi chính sách lãi suất âm được ban hành.

Quyết định điều chỉnh lãi suất âm của BOJ đã gây bất ngờ thị trường và được cho là nhắm đến các ngân hàng thương mại, vốn tích trư tiền chứ không chịu tăng cường cho vay như theo kế hoạch của Thủ tướng Abe.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng quyết định lãi suất âm không đủ để cứu vãn tình hình khi đồng Yên tăng giá sẽ khiến nhiều tập đoàn Nhật Bản bị thiệt hại về lợi nhuận. Do đó, kỳ vọng các công ty sẽ nâng lương của Thủ tướng Abe đang ngày càng trở nên xa vời.

Việc đồng Yên tăng giá được cho là bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bên ngoài, như kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhu cầu suy giảm tại nhiều nền kinh tế phát triển. Vì vậy, những động thái của chính quyền Tokyo hay BOJ được cho là sẽ không có nhiều hiệu quả trong việc ngăn chặn đà tăng của đồng Yên.

Mắt xích quan trọng trong kế hoạch khôi phục nền kinh tế của Thủ tướng Abe là các công ty sẽ nâng lương cho nhân viên khi lợi nhuận tăng, qua đó thúc đẩy chi tiêu và tăng lạm phát lên mức mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi trên và hầu hết họ đều giữ lại lợi nhuận trước tình hình kinh tế khó khăn.

Trong tình hình trên, có khả năng Thủ tướng Abe sẽ lại phải tung ra một đợt tăng thuế tiêu thụ mới vào năm tới nhằm hỗ trợ ngân sách, qua đó khiến Nhật bản ngày càng ngập trong nợ nần cũng như tác động tiêu cực đến tiêu dùng.

Một khảo sát của tờ Nikkei cho thấy 42% người được hỏi không tin tưởng vào kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Thủ tướng Abe, cao hơn so với mức 37% tin tưởng.

Ngân hàng BNP Paribas dự đoán Nhật Bản hầu như sẽ không lâm vào suy thoái nhưng nền kinh tế này cũng sẽ không tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM