Tại sao Putin không bắt tay với OPEC?

11/09/2015 14:32 PM |

Nước Nga đang đối phó rất tốt với việc giá dầu giảm cộng với những phản đối từ các công ty sản xuất trong nước là những lý do khiến quốc gia này chưa có ý định gia nhập hay hợp tác với OPEC

Thị trường dầu đang rơi vào trạng thái hồi hộp khi có thông tin tổng thống Nga sẽ liên minh với OPEC. Chỉ riêng những đồn đoán xung quanh vấn đề này cũng khiến giá dầu ba ngày qua tăng mạnh nhất trong vòng 25 năm.

Mặc dù rất hợp lý và theo đúng như quy luật của thị trường, nhưng vẫn có những lý do về mặt kinh tế khiến điều này khó mà xảy ra.

“Nga và OPEC đã thảo luận rất nhiều về vấn đề hợp tác trong việc cắt giảm sản lượng dầu, tuy nhiên, kết quả lại không mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là đáng thất vọng. Nga từng đặt ra giả thuyết rằng, nếu giá dầu giảm xuống, OPEC trở nên yếu thế hơn, họ sẽ là tổ chức đầu tiên giảm lượng cung dầu. Và đúng là họ đã làm như vậy.” – ông Nordine Ait Laoussine, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nacolsa, cựu Bộ trưởng bộ Năng lượng của Algeria cho hay.

Nga, cùng với Ả rập Saudi và Mỹ, là những quốc gia đứng đầu về công nghiệp dầu mỏ trên thế giới. Cuối tuần qua, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết ông và và người đồng cấp từ nước Nga đã đạt được sự thống nhất trong vấn đề bình ổn thị trường dầu, qua đó nỗ lực đẩy giá dầu lên sau những đợt giảm sâu.

Thị phần các nước xuất khẩu dầu trên thế giới

Tuy nhiên, các quan chức của điện Kremlin phải nhanh chóng bác bỏ viễn cảnh hợp tác này. Nước Nga cho rằng cách giải quyết như trên (cắt giảm sản xuất) “chỉ mang lại những lợi ích ngắn hạn và chẳng có ý nghĩa gì cả” - Bộ trưởng bộ Năng lượng Nga, ông Alexander Novak tuyên bố vào ngày 4/9.

Ông Igor Senchin, CEO công ty dầu khí lớn nhất tại Nga cũng đưa ra những số liệu điều tra thực tế, và khẳng định quốc gia này sẽ không gia nhập OPEC hay cắt giảm lượng dầu, dù cho tổ chức này có muốn họ làm như vậy.

Nga có những lý do của riêng mình về mong muốn giá dầu tăng trở lại. Đối với đất nước mà GDP chủ yếu đến từ xuất khẩu năng lượng như Nga (hơn 60% tổng lượng xuất khẩu là dầu khí, chất đốt), giá dầu giảm là một sự bất lợi không thể tồi tệ hơn. Chính vì điều này, nước Nga đang phải gánh chịu một đợt suy thoái mạnh nhất kể từ năm 2009. Lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây, dầu và khí ga dù được xuất khẩu nhiều nhưng chỉ nhận lại được doanh thu rất thấp.

Tỷ trọng nguồn thu từ năng lượng so với ngân sách quốc gia tại Nga

Quốc gia này dường như mong muốn các biện pháp hướng đến dài hạn, nhằm ổn định giá dầu một cách chắc chắn và hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, chứ không phải cắt giảm đột ngột hòng tạo nên sự thiếu hụt và đẩy mức giá lên trong thời gian ngắn.

Nước Nga đang xoay xở với giá dầu thấp tốt hơn rất nhiều so với những thành viên của OPEC. Thâm hụt ngân sách của Nga được ước tính vào khoảng 3% theo lời của Bộ trưởng bộ tài chính Anton Siluanov. Trong khi đó, con số này ở Ả rập Saudi – nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC là 20%, theo dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Nga“sẽ cảm thấy thoải mái nếu giá dầu cao hơn 60 USD/thùng” – phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết. Còn đối với một số thành viên của OPEC, họ cần tới mức giá 100 USD/thùng để có thể cân bằng ngân sách chính phủ. Thực tế, giá dầu thô được giao dịch tại London hôm thứ Năm chỉ ở mức 48 USD.

Các quốc gia cần mức giá dầu cao hơn Nga rất nhiều để có thể cân bằng ngân sách chính phủ

Thậm chí nếu Nga muốn gia nhập OPEC thì cũng sẽ rất khó khăn cho những khu vực như vịnh Ba Tư – nơi có mùa đông vô cùng khắc nghiệt và địa chất phức tạp đặc trưng của vùng Siberi, có thể thay đổi việc sản xuất nhiều lên hoặc ít đi một cách nhanh chóng.

“Sản lượng của cả nước Nga tăng hay giảm không thể diễn ra như việc tắt hay mở vòi nước.” – dẫn lời ông Sergei Klubkov, chuyên gia nghiên cứu và phân tích tại hội đồng cố vấn Vygon.

Những công ty tư nhân

Nga không có một công ty nhà nước duy nhất nào kiểm soát ngành dầu khí quốc gia như Ả rập Saudi hay Iran. Các nhà sản xuất tại Nga hoạt động độc lập, do đó rất khó để có yêu cầu tăng hay giảm lượng dầu theo ý muốn như các thành viên trong OPEC. Ông Sechin cho hay các công ty này chiếm đến một nửa lượng dầu xuất khẩu hiện nay ở Nga.

Những công ty dầu khí của Nga tỏ ra không hề mặn mà về việc liên minh với OPEC. Bản thân họ là nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới, dòng tiền mặt và lợi nhuận của họ cũng được đánh giá cao hơn. Hơn nữa, quy định về thuế tại Nga đang thấp hơn nhiều so với các quốc gia cũng đang xuất khẩu dầu khí, khiến các công ty này có thể bù đắp được chi phí khi giá dầu giảm tốt hơn.

Không thể phủ nhận rằng, Nga còn đang là đối thủ cạnh tranh thị phần lớn nhất của các thành viên OPEC, đặc biệt tại khu vực châu Á – nơi nhu cầu về dầu khí tăng dần lên và Ả rập Saudi vẫn đang cố gắng duy trì lợi thế của mình. Iran, nước có lượng dầu xuất khẩu tương tự như Nga, đang chuẩn bị tăng lượng sản xuất lên 1 triệu thùng vào năm sau, sau khi đạt được thống nhất về nâng mức trừng phạt.

Thực tế, kế hoạch liên minh giữa Nga và OPEC đã bắt đầu manh nha từ năm 1970, nhằm chống lại thế thống trị của đế quốc Mỹ - theo như giáo sư Stanilav Zhiznin của viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow, người đã từng làm việc ở cả Bộ ngoại giao của Liên bang Xô viết và Liên bang Nga từ năm 1977 đến 2011. Lần thứ hai ý tưởng này được cân nhắc là vào vào năm 2008 khi khủng hoảng tài chính nổ ra. “Cả hai lần, kết quả đều chẳng đi đến đâu.” – trích lời ông Nordine Ait Laoussine.

Quỳnh Anh

Cùng chuyên mục
XEM