Tại sao Việt Nam và Thái Lan không thành lập một liên minh OPEC về lúa gạo?

23/06/2015 11:10 AM |

OPEC chiếm 50% lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu nên họ có thể tăng giá theo ý muốn của mình. Việt Nam và Thái Lan chiếm 45% thị trường xuất khẩu gạo thế giới, tại sao lại không thành lập 1 liên minh để có thể điều tiết giá gạo theo ý mình?

Từ trước đến nay, để bán gạo cho Philippines, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan và Việt Nam đều phải qua nước họ dự thầu. Tuy gọi là đấu thầu nhưng Philippines luôn đưa ra mức giá tham chiếu, thực ra là mức giá trần.

Điểm lại một số lần đấu thầu của phía Philippines gần đây:

- Cuối tháng 2/2015 vừa qua, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cho biết, Thái Lan đã chào bán 100.000 tấn gạo trắng 15% tấm và 100.000 tấn 25% tấm, với giá tương ứng 369 USD và 421 USD/tấn cho Philippines.

Mức giá này thấp hơn so với giá chào bán của Việt Nam, tuy nhiên phía Việt Nam đã chấp thuận giảm giá và đã giành được quyền bán 150.000 tấn mỗi loại gạo kể trên.

- Trong buổi đấu thầu ngày 5/6/2015, Philippines đưa ra giá mua 340 USD/tấn gạo trắng hạt dài loại 25% tấm. Sau khi đồng ý hạ giá bán, Việt Nam đã có được hợp đồng bán 150.000 tấn gạo cho Philippines.

- Trong phiên thầu ngày 16/6/2015, ba nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia cùng tham dự để cung cấp 100.000 tấn gạo (loại 25% tấm) cho Philippines. Sau đó cả 3 ứng viên trong đợt tham gia thầu này đều không được lựa chọn. Lý do, giá bỏ thầu đã cao hơn mức dự kiến mà NFA đưa ra là 408,14 đô la Mỹ/tấn.

Đó là một số thông tin về những lần đấu thầu bán gạo cho Philippines thời gần đây. Dễ thấy rằng, phía Philippines luôn sử dụng mức giá trần để làm "chiêu bài" ép giá chung. Theo đó, nước nào muốn thắng thầu, không những phải bỏ thầu giá thấp nhất mà còn phải thấp hơn mức giá trần mà Philippines đưa ra.

Đấu thầu, nhưng giá phải thấp hơn giá trần hay giá tham chiếu mà NFA đưa ra đồng nghĩa là Philippines luôn nắm quyền ấn định giá gạo.

Theo thống kê, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines là khoảng 1,8 triệu tấn gạo mỗi năm, chiếm khoảng 10% tổng lượng gạo xuất khẩu của hai nước Việt Nam và Thái Lan là 17,5 triệu tấn (dự báo trong năm 2015).

Nguồn: Hiệp hội lương thực Việt Nam, FAO

Nguồn: Hiệp hội lương thực Việt Nam, FAO

Chưa kể đến các nước nhập khẩu khác, họ sẽ dựa vào mức giá tham chiếu bán cho Philippines để đàm phán. Hệ quả kéo theo là Việt Nam và Thái Lan không chỉ bán gạo giá rẻ cho riêng Philippines, mà còn bị ép giá thấp cho gần 18 triệu tấn gạo xuất khẩu của cả 2 nước.

Chưa hết, sau khi cố giành được thầu với mức giá rẻ, các doanh nghiệp lại quay sang tìm cách "ép giá" thu mua đầu vào, đây là tình trạng phổ biến tại Việt Nam. Vậy là mọi thiệt thòi lại bị chuyển hết sang phía người nông dân.

Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân từng nhận xét rằng, "Philippines biết Việt Nam ham giật thầu bằng mọi giá nên mới đưa ra mức giá sàn thấp. Tốt nhất Việt Nam không giật thầu. Trong trường hợp Philippines vẫn cương quyết mua với mức giá thấp hơn mức giá Việt Nam đã chào thầu thì Philippines có thể kiếm chỗ khác".

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Việt Nam và Thái Lan đều là nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng lại để cho Philippines ép giá như vậy?

Hằng năm, riêng sản lượng xuất khẩu của 2 nước đã chiếm 45% thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, lẽ ra Việt Nam và Thái Lan phải là 2 nước nắm quyền điều tiết giá gạo trên thế giới, hoặc chí ít là ở trong khu vực mới phải.

Trong khi đó, khối OPEC có tới 12 thành viên, chiếm 50% lượng xuất khẩu dầu thô toàn cầu nên họ có thể tăng giá theo ý muốn của mình bằng cách tăng hoặc giảm lượng dầu cung cấp ra thị trường.

Có lẽ, Việt Nam và Thái Lan nên cùng ngồi lại để thiết lập một cuộc chơi OPEC lúa gạo, trước mắt là trong khu vực ASEAN. Nếu được như vậy, chúng ta không những sẽ tước đi quyền ép giá gạo của Phillippines, mà có lẽ còn giành quyền chủ động trong việc điều tiết giá gạo của toàn thế giới.

Thái Nam

Cùng chuyên mục
XEM