Tái cấu trúc ngân hàng: Thế hệ 2.0
Từ đầu năm đến nay, công cuộc tái cấu trúc ngân hàng đã ghi nhận nhiều biến chuyển đáng chú ý với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 16.8 vừa qua, ngân hàng Maritime Bank công bố đã hợp nhất thành công hệ thống giao dịch của Ngân hàng Phát triển Mekong (MDB) vào Maritime Bank. Chuyện sáp nhập giữa 2 ngân hàng này có thể nói là không có gì đáng kể nếu so với việc một ông lớn khác là Sacombank sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Nhưng vẫn có một điểm chung: đây đều là những thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) hiếm hoi của nhóm ngân hàng tư nhân trong năm 2015.
Tư nhân gặp khó, Nhà nước vào cuộc
Các thương vụ M&A trước đây đều ghi đậm dấu ấn của những nhà đầu tư tư nhân nhảy vào lĩnh vực ngân hàng. Có thể kể đến thương vụ mở màn năm 2012 của “bầu Hiển” (Ðỗ Quang Hiển) khi đưa Ngân hàng SHB sáp nhập Habubank. Sau đó, lần lượt là “bầu Thắng” (Võ Quốc Thắng) với Ngân hàng Kiên Long; ông Đỗ Anh Tú với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Cũng trong khoảng thời gian này, HDBank nhận “đỡ đầu” Ngân hàng Đại Á.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nếu không tính thương vụ của Maritime Bank và Sacombank thì dấu ấn của các nhà đầu tư nhân hoàn toàn mờ nhạt, mà thay vào đó là vai trò của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2015 cũng là năm đầu tiên chứng kiến những câu chuyện tái cấu trúc chưa có tiền lệ.
Sự kiện được nhắc đến nhiều nhất là việc cơ quan quản lý đã mạnh tay mua lại 3 ngân hàng với giá “0 đồng” bao gồm Ocean Bank, Ngân hàng Xây Dựng và GP Bank. Nhưng ở khía cạnh khác, không chỉ sở hữu 100% các ngân hàng gặp khó, Ngân hàng Nhà nước còn kiểm soát các vị trí cấp cao ở những ngân hàng này.
Gần đây nhất là chuyện Sacombank, khi theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, ông Trầm Bê sẽ không tham gia quản trị, điều hành Sacombank sau sáp nhập. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan. Điều này đồng nghĩa với việc đại diện của Ngân hàng Nhà nước thay mặt ông Trầm Bê tham gia vào quản trị ở Sacombank.
Trong khi thị trường còn chưa hết ngạc nhiên với câu chuyện của Sacombank thì một ngân hàng khác cũng chịu cảnh tương tự. Sau “cú trượt chân” đáng tiếc, lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc đồng thời là đại diện cho nhóm cổ đông lớn, nay sẽ không còn tại nhiệm. Thay vào đó là ông Nguyễn An, Phó Tổng Giám đốc sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò điều hành chung. Sự kiện Ngân hàng Đông Á gây nhiều bất ngờ, dù trong vài năm trở lại đây tình hình kinh doanh của Ngân hàng có phần khó khăn.
Còn với trường hợp Eximbank, thông tin bên lề cho thấy rất có khả năng cán bộ của Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm nhiệm chiếc ghế lãnh đạo của ngân hàng này. Cho đến nay, Eximbank vẫn chưa thực hiện Ðại hội Cổ đông bất thường để bầu mới Hội đồng Quản trị, dù Ban Quản trị này đã hết nhiệm kỳ. Sự chậm trễ được cho là xuất phát từ động thái mua phần lớn cổ phần Eximbank của người cũ bên phía Ngân hàng Nam Á.
Một lý do khiến Ngân hàng Nhà nước mạnh tay kiểm soát các ngân hàng trong thời gian này vì sợ tư nhân không “đủ sức” tái cấu trúc lại thị trường vốn đang hỗn loạn, nhất là sau khi đã cho một khoảng thời gian đủ dài để ngân hàng tự lực cánh sinh. Ngân hàng Nhà nước có lẽ đã có bài học “xương máu” với các cổ đông tư nhân. Đó là trường hợp của Ngân hàng Xây Dựng (có tiền thân là Ngân hàng Đại Tín) trước đây. Sau khi mua lại hơn 85% cổ phần của Ngân hàng Xây Dựng, nhóm cổ đông Tập đoàn Thiên Thanh nhảy vào “rút ruột” ngân hàng này đến hơn 18.000 tỉ đồng. Số nợ quá lớn có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến Ngân hàng Xây Dựng trở thành cái tên đầu tiên mà Ngân hàng Nhà nước không ngần ngại công bố mua lại với giá 0 đồng.
Trên thực tế, việc xử lý các ngân hàng gặp trục trặc phải cần đến rất nhiều tiền. Về cơ bản, ngân hàng có nợ xấu cao do hoạt động cho vay thiếu cẩn trọng trong quá khứ cần phải được chủ sở hữu hiện hữu, hoặc cổ đông mới góp thêm tiền thực vào. Và việc cần cụ thể bao nhiêu tiền sẽ tùy thuộc vào mức độ âm vốn của mỗi ngân hàng. Nguồn lực tư nhân được kỳ vọng nhiều nhất trong cuộc chơi này, nhưng ai chấp nhận bỏ ra mua lại một ngân hàng 0 đồng (thực tế là âm vốn) thì lại là một vấn đề khác. Giới tư nhân rõ ràng không “ham” tài sản ngân hàng hiện nay, vốn đang bị chôn chân phần nhiều vào bất động sản và rất khó tháo gỡ.
Và rồi có một thời, nguồn lực nước ngoài cũng được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện, nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu. GP Bank khi đó được Ngân hàng Nhà nước bật đèn xanh “mai mối” với Ngân hàng UOB (Singapore). Dự kiến UOB sẽ mua lại 100% cổ phần và chuyển thành mô hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Nhưng cuối cùng, vì sự không đồng ý về giá của một nhóm cổ đông nên thương vụ không thành. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, sau này có Hong Leong Bank (Malaysia) và 2 ngân hàng cổ phần khác của Việt Nam cũng tham gia khảo sát GP Bank, nhưng cuối cùng cũng không thành do văn hóa kinh doanh không phù hợp. Tính già hóa non, cuối cùng, những cổ đông của GPBank cũng trắng tay.
Rõ ràng, khi không có nhà đầu tư tư nhân nào nhảy vào gánh phần nợ như thế, vai trò cuối cùng vẫn thuộc về Nhà nước. “Nay Nhà nước đã có lực để làm điều đó, không cần nhờ đến lực lượng thị trường một khi tư nhân không đủ sức”, ông Bình khẳng định với báo giới. Nhìn lại quá khứ, các thương vụ gần đây đều liên quan đến ngân hàng có quy mô nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Ngân hàng Nhà Nước cũng thẳng thắn thừa nhận quan điểm phá sản về mặt kỹ thuật ở những ngân hàng nhỏ này.
Tuy nhiên, câu chuyện gần đây đã khác. Mặc dù cả Đông Á lẫn Eximbank trong thời gian gần qua đều có kết quả kinh doanh không tốt, nhưng hai ngân hàng này vẫn là những ngân hàng có tiếng tăm và thực lực. Nếu như Ngân hàng Nhà nước mua các ngân hàng nhỏ là để giải quyết thị trường sau khi khối tư nhân không tham gia, thì với những ngân hàng lớn lại là câu chuyện khác. Việc đặt một chân giám sát vào ban lãnh đạo và ban quản trị ở những ngân hàng tư nhân lớn cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang lo ngại những trục trặc sẽ xảy đến với các ngân hàng này, bởi tầm ảnh hưởng của chúng cũng khác rất nhiều so với những ngân hàng nhỏ.
Nhìn lại trên thế giới, chuyện các cơ quan quản lý ngân hàng can thiệp sâu hơn vào một ngân hàng là chuyện phổ biến. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia có nền tài chính phát triển vượt trội, sự can thiệp là cần thiết khi Chính phủ nhận thấy một nguy cơ nào đó. Nhưng nếu nhìn ở cách tiếp cận khác, chuyện bố trí nhân sự sẵn sàng ở những ngân hàng lớn cũng là cách tạo ra nền móng cho bước đi mới của các ngân hàng này trong tương lai.
Với nền tài chính còn non trẻ và mới mẻ như Việt Nam, Thống đốc Bình rõ ràng vẫn còn nhiều điều phải làm. Nhưng dấu ấn của ông đã bắt đầu hiện rõ hơn với những nền móng đang đặt ra cho thế hệ ngân hàng mới 2.0, bao gồm việc tạo ra cơ sở sáp nhập mới cho các ngân hàng trong tương lai, cũng như các văn bản quy định cần thiết tạo môi trường hoạt động cho các ngân hàng.
Thế hệ ngân hàng 2.0
Bức tranh ngân hàng đang thay đổi đáng kể từ sau giai đoạn bùng nổ năm 2008 và dự kiến còn khác hơn rất nhiều sau khi những thương vụ tái cấu trúc trên có kết quả. Dưới sức ép giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, các ngân hàng Việt Nam sẽ có quy mô lớn hơn trong tương lai.
Như Maritime Bank là ví dụ. Với vốn điều lệ tổng gộp là 11.750 tỉ đồng, ngân hàng này bước lên gần ngang hàng với các ngân hàng trong nhóm 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất, theo sát Ngân hàng Quân Đội. Ở trường hợp Sacombank, sự hợp nhất với Ngân hàng Phương Nam đã tạo ra một ngân hàng tư nhân có quy mô vốn, chi nhánh vượt trội so với nhóm tư nhân còn lại. Những ngân hàng lớn cũng có tham vọng tương tự, như trường hợp BIDV với Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB).
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng được đặt dấu hỏi nhiều nhất chính là các “ngân hàng 0 đồng”. Bị mua lại đầu tiên, dưới sự hỗ trợ của Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng đã có những chuyển động mới đáng kể. Ngân hàng này vừa ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới và những sản phẩm tài chính cơ bản vào đầu tháng 8 vừa qua.
Các ngân hàng nhỏ này cũng nhận được sự “dìu dắt” toàn diện của những ngân hàng lớn nhất trong hệ thống, bao gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Vai trò của những ông lớn là cung cấp các nền tảng quản trị, công nghệ, nhân sự cho đến cả chia sẻ khách hàng. Các ngân hàng này có tái cấu trúc thành công hay không? Câu trả lời là không khó vì quy mô 2 đối tác ở tầm quá chênh lệch nhau. Nhưng mục tiêu của các ngân hàng 0 đồng vẫn là tài sản thế chấp, như ông Bình thừa nhận. “Ngân hàng Nhà nước vào các ngân hàng 0 đồng để đảm bảo duy trì hoạt động của chúng cho đến thời điểm có thể xử lý được các tài sản thế chấp. Nếu để tư nhân vào, có thể thị trường sẽ không tin tưởng”, ông nói.
Vì thế, số phận của những ngân hàng 0 đồng cũng sẽ không tránh khỏi những cuộc M&A khác trong tương lai. Thống đốc Bình cũng không giấu ý tưởng các ngân hàng con này sẽ trở thành “chân rết” của các ngân hàng lớn trong tương lai, một khi tái cấu trúc thành công và nếu như những ông lớn có ý định mua lại. “Còn không, Ngân hàng Nhà nước sẽ mang ra bán đấu giá công khai trên thị trường cho mọi đối tượng có nhu cầu, đáp ứng đủ quy định pháp lý và khả năng tài chính tham gia”, người đại diện cho cơ quan quản lý ngân hàng cho biết.
Trên thực tế, đây là bước đi phổ biến trên thế giới, như bài học Thụy Điển được đánh giá là thành công. Quốc gia này trong thập niên 90 cũng có những ngân hàng không đủ vốn để hoạt động theo luật định. Thụy Điển sau đó quốc hữu hóa 2 ngân hàng lớn, kiên quyết loại cổ đông hiện hữu ra vì kinh doanh thất bại. Tài sản xấu được tách ra và bán cho một cơ quan xử lý nợ độc lập khác. Sau khi xử lý hết nợ xấu, Thụy Điển lại tiến hành cổ phần hóa các ngân hàng này và phần tiền thu được đủ bù đắp cho chi phí bỏ ra để xử lý.
Bên cạnh việc tạo ra nhiều loại “hàng hóa” hơn trên thị trường ngân hàng trong tương lai, cơ quan quản lý các ngân hàng Việt Nam cũng đặt nền móng pháp lý mới cho thế hệ ngân hàng 2.0. Giai đoạn năm 2008, thị trường ngân hàng bùng nổ nhưng các quy định pháp lý chưa theo kịp (và cũng là nguyên nhân khiến nhiều ông chủ ngân hàng vướng vòng lao lý trong thời gian qua). Ðến giai đoạn 2013-2015 này, các văn bản quy phạm pháp luật ngành ngân hàng được ban hành nhiều hơn và sửa đổi, bổ sung liên tục.
Hầu hết các văn bản này ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều loại thị trường khác nhau của ngân hàng. Chẳng hạn như thị trường liên ngân hàng (Thông tư 21/2012), thị trường vàng, thành lập công ty xử lý nợ riêng VAMC (đang hướng đến xây dựng thị trường mua bán nợ), cơ chế trích lập dự phòng rủi ro (Thông tư 10/2014) và các quy định mới nhất trong hoạt động ngân hàng (Thông tư 36/2014).
Mặc dù vẫn còn vướng mắc trong mỗi văn bản cụ thể, nhưng về cơ bản, sự nỗ lực tạo ra hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động ngân hàng là điều đáng ghi nhận. Theo Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 3 đến nay, số liệu nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng không còn khác biệt nhiều so với số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia kinh tế lẫn giới điều hành ngân hàng đều có phản hồi tích cực.
Dù vậy, bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng vẫn có những điểm sáng tối xen kẽ. Có những ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao như VPBank (lợi nhuận trước thuế tăng gần 60%), hay VIB (tăng hơn 88%). Ngược lại cũng như một vài ngân hàng tăng trưởng âm như Sacombank hay chững lại như ACB, Vietinbank. Các ngân hàng nhỏ hơn tiếp tục tăng trưởng tốt, trong số đó có những ngân hàng đang tái cấu trúc như TPBank hay Ngân hàng Kiên Long.
Một nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục giảm chính là do khoản trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản vay thiếu cẩn trọng trong quá khứ. Nhưng ngược lại, những khoản vay mới trong năm nay lại gia tăng đáng kể. Theo đại diện Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 10.8 tăng trưởng ở mức 8,3%. Trong đó, tín dụng bất động sản (chiếm 8% trong tổng dư nợ) tăng trưởng 10%. Mức tăng này vượt xa so với cùng kì năm ngoái. Hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã gia tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm. Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu của hệ thống đã giảm từ mức 3,81% ở thời điểm cuối quý I về mức 3,72% vào cuối quý II vừa qua. Cam kết của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỉ lệ này giảm xuống dưới mức 3% trong năm nay.
Nhưng một câu hỏi quan trọng là Việt Nam sẽ mất bao lâu để ổn định lại được hệ thống ngân hàng và bắt đầu hệ thống 2.0? Nhìn sang bài học các nước trong khu vực, Thái Lan mất gần 6 năm để giảm tỉ lệ nợ xấu từ mức 46% về mức 12,9%. Còn Malaysia được đánh giá là kiên quyết hơn thì mất chưa đến 5 năm. Đề án tái cấu trúc ngân hàng của Việt Nam được thông qua vào năm 2012 và mở màn với sự hợp nhất 3 ngân hàng, nay là SCB. Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, thị trường ngân hàng Việt Nam có lẽ sẽ mất thêm 3 năm nữa để thực sự ổn định.