Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp và chiến lược phòng hộ

20/04/2015 11:18 AM |

Mặc dù là một quốc gia nông nghiệp, có truyền thống canh tác lâu đời, nhưng các công cụ và giải pháp phòng ngừa rủi ro nông nghiệp ở Việt Nam vẫn rất sơ khai.

Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp

Nông nghiệp là một cuộc chơi mới với nhiều doanh nghiệp lớn nhưng luôn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt với người nông dân. Để người nông dân không còn đơn độc trên đồng ruộng rất cần những chính sách mang tầm vĩ mô từ quy hoạch vùng sản xuất đến kỹ thuật trồng trọt.

Tháng 4 này, cảnh hàng trăm ngàn tấn dưa hấu, thanh long Việt Nambị ùn ứ, chật vật tìm đường sang Trung Quốc lại tái diễn.

Chuyện chẳng có gì mới. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3-4, mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn lại ùn hàng trăm ôtô chờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu là dưa hấu và thanh long với khối lượng từ 8.000 - 10.000 tấn.

Những nguyên nhân trực tiếp khiến việc xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc bị ách tắc đều đã cũ rích từ nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đều cho rằng do khả năng tiếp nhận của kho bãi bên phía Trung Quốc hạn chế. Khu bãi Pò Chài chỉ giải phóng được khoảng 300 xe, trong khi lúc cao điểm, mỗi ngày có khoảng 700 - 800 xe.

Câu chuyện tương tự xuất hiện ở cây hồ tiêu. Năm nay, giá café giảm mạnh, trong khi giá hồ tiêu lại tăng. Nông dân Tây Nguyên đổ xô chặt cà phê trồng hồ tiêu. Một lần nữa nông dân đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt. 

Ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Cụ thể như vườn tiêu của gia đình bà Bùi Thị Tâm (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin). Bà cho biết: “Nhà tôi có 6 sào tiêu đang xanh tốt, quả nhiều và sắp cho thu hoạch, bỗng dưng có tới gần 30 trụ bị héo, xuống lá rồi chuyển vàng, rụng ào ạt chỉ để lại dây, cành trơ trọi (tất cả các triệu chứng trên diễn ra trong vòng 7 - 10 ngày), sau đó cây chết trong vòng vài tuần".

Rủi ro tương tự cũng xảy ra với mặt hàng thủy sản như ngao ở Tiền Hải, Thái Bình. Tháng 8/2014, chỉ sau một đêm những cánh đồng ngao của các hộ dân đã chết hàng loạt, xác trắng phơi trên cát như vỏ trấu. Tổng diện tích ngao bị chết là hơn 1.000 ha, với tổng sản lượng thiệt hại khoảng 7.000 tấn với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Chiến lược phòng hộ rủi ro nông nghiệp

Mặc dù là một quốc gia nông nghiệp, có truyền thống canh tác lâu đời, nhưng các công cụ và giải pháp phòng ngừa rủi ro nông nghiệp ở Việt Nam vẫn rất sơ khai.

Trên thế giới, có chiến lược phổ biến sau để áp dụng:

Thứ nhất, bảo hiểm nông nghiệp

Các công ty bảo hiểm lớn trên thế giới với năng lực tài chính, cơ sở dữ liệu về thời tiết, năng lực khoa học công nghệ để đánh giá và tư vấn đã cung cấp các gói sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp giúp cho nông dân và các doanh nghiệp tránh và bù đắp thiệt hại.

Ở Việt Nam, Công ty Bảo Việt đã tiên phong cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho nông dân trồng lúa ỏ Vụ Bản Nam Định vào năm 1982. Tuy nhiên, đến năm 1983 thì sản phẩm này đã dừng lại. Hiện tại, ở Việt Nam có khá nhiều các công ty bảo hiểm nhưng tỷ lệ bảo hiểm nông nghiệp là rất thấp.

Chính phủ cũng đang thử nghiệm chương trình hỗ trợ bảo hiểm cho nông nghiệp trong giai đoạn 2011-2013. Mặc dù chương trình này lỗ nhưng Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh vẫn yêu cầu tiếp tục thí điểm chương trình. Lý do bảo hiểm chưa đem lại kết quả là do năng lực và kinh nghiệm lĩnh vực này chưa nhiều. Chúng ta nên mạnh dạn kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

Thứ hai, sử dụng thị trường phái sinh và hợp đồng tương lai

Thị trường tương lai các sản phẩm nông nghiệp đã phát triển mạnh từ lâu trên thế giới với các sản giao dịch hàng hóa quốc tế như LIFFE, LME (London), NYBOT, NYMEX CME (New York), TOCOM (Tokyo). Các loại nông sản giao dịch bao gồm xơ bông, gạo, đậu tương, coffee, đường, cao su…Tham gia vào thị trường này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội kí được các hợp đồng theo đó khối lượng và giá cả khi giao hàng hóa trong tương lai đã được xác định trước và từ đó giảm thiểu rủi ro biến động giá.

Ở Việt Nam, hiện có Sở Giao dịch Cà Phê và hàng hóa Buôn Mê Thuột đang hoạt động cầm chừng. Ngân hàng Techcombank, PG Bank, BIDV, Sacombank cũng tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm phòng ngừa rủi ro giá cho các khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giao dịch thành công đòi hỏi cần nhiều kiến thức và kĩ năng do đó cũng hạn chế nhiều doanh nghiệp thuần túy trong nông nghiệp tham gia.

Một số doanh nghiệp như Intimex TP.HCM, Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 (SIMEXCO) tại Đắk Lắk… đã đào tạo, huấn luyện được đội ngũ có khả năng tiếp cận thị trường thế giới nhanh nhạy và hiệu quả.

Thứ ba, sử dụng các công cụ máy móc và nhà xưởng đa năng

Khi doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng thì thông thường họ sẽ lựa chọn máy móc và thiết kế nhà xưởng với một mục đích nhắm tới cho một loại cây trồng hoặc vật nuôi nào đó. Tuy nhiên, để phòng chống rủi ro đầu tư tài sản cố định, một ý tưởng hay đó là doanh nghiệp nên lựa chọn các máy móc thiết bị có thiết kế đa năng. Nhà xưởng cũng nên thiết kê linh hoạt. Trên thế giới, có một số loại máy có khả năng thu hoạch hoa hướng dương, lúa mỳ, gạo, và các loại cây cho hạt nhỏ khác.

Thứ tư, chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm

Việc đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư vào nông nghiệp giúp cho nông dân và doanh nghiệp ứng phó với sự thay đổi về cầu của các loại hàng hóa. Nguyên tắc này nếu kết hợp với các kỹ thuật thâm canh, xen canh giữa các loại cây trồng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất và các nguồn tài nguyên thì sẽ đem lại một kết quả tốt cho ngành nông nghiệp. Sự đa dạng hóa đòi hỏi khả năng chuyển đổi nhanh về kĩ năng, về khoa học công nghệ.

Trồng xen canh cây gừng dé với đu đủ lai ở Nam Sách, Hải Dương

Thứ năm, sự hỗ trợ từ chính phủ

Các trợ cấp từ chính phủ là một phương cách để giúp cho nông dân và những hộ nghèo có thu nhập thấp trong lĩnh vực nông nghiệp có một cuộc sống an toàn hơn. Mặc dù đây không phải là những biện pháp mang tính lâu dài.

Trên đây là những chiến lược cơ bản đề phòng ngừa rủi ro đầu tư nông nghiệp. Hi vọng rằng, với sự tham gia của các ông lớn thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ khởi sắc tiến tới một nền nông nghiệp hiện đại dựa trên những thế mạnh sẵn có về thiên nhiên và lao động và quan trọng nhất là dựa vào những tiến bộ về khoa học công nghệ về giống, năng suất và mô hình quản lý hiện đại.

Minh Thanh

Nguyễn Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM