Ra sức “tranh thủ” vì tưởng ODA là “của cho”
Quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA cả ở trung ương lẫn địa phương vẫn còn vương vấn "ODA thời bao cấp", coi "ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ".
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2006 - 2014, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 52 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức trên 40 tỷ USD, và giải ngân 32 tỷ USD vốn giải ngân.
Vay ODA xây bệnh viện, xây xong lại thiếu thiết bị, bác sỹ…
“Cho đến nay, Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong việc huy động và sử dụng ODA. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những "góc tối" mà ta không thể không nói đến”, TS. Nguyễn Thành Đô - Nguyên cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết.
Theo TS. Đô, có những chương trình, dự án ODA hoặc thất bại hoàn toàn, hoặc không có hiệu quả như mong muốn. Điển hình như dự án trích trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.Hồ Chí Minh, vay vốn ODA Ấn Độ, vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao hoàn toàn không vận hành được.
Hay như dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, vay vốn ODA Italia - không hoạt động do thiếu nguyên liệu. Chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng, vay vốn ODA Italia - thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Chương trình trồng bông, trồng cà phê Arabica, vay vốn ODA Pháp - thất bại do không nghiên cứu kỹ quy hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kém…
“Có thể thấy các dự án thất bại nói trên đều là các dự án ODA thực hiện theo cơ chế vay về cho vay lại. Theo cơ chế này, khi dự án không trả được nợ chúng ta thấy rõ và thừa nhận đó là dự án thất bại. Tuy nhiên trong số các dự án ODA, có tới 70% là các dự án thực hiện theo cơ chế cấp phát từ ngân sách – những dự án hầu như chưa có đánh giá về các mặt thất bại, trừ việc ở một vài dự án có phát hiện ra một số sai sót hoặc có biểu hiện tiêu cực”, TS. Đô nhận định.
“Chương trình phát triển nông thôn, vay vốn Ngân hàng Thế giới, không phát huy được hiệu quả vì đại đa số các con đường được xây dựng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng chỉ sau vài năm sử dụng; hoặc nhiều bệnh viện cấp tỉnh đầu tư lớn nhưng thiếu thiết bị, thiếu đội ngũ y, bác sĩ…
Vẫn còn vương vấn “ODA thời bao cấp”
Theo TS. Đô, một trong những tồn tại của việc sử dụng vốn ODA tại Việt Nam là quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA cả ở trung ương lẫn địa phương vẫn còn vương vấn "ODA thời bao cấp", coi "ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ".
“Hậu quả của quan niệm sai lệch này là ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA mà không tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ”.
Kinh nghiệm sử dụng ODA trên thế giới cho thấy, ODA không phải luôn luôn có hiệu quả đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ lĩnh vực nào. Trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc và gần đây là một số nước ASEAN đ sử dụng ODA có hiệu quả. ODA thành công ở các nước này do phát huy tính tự chủ cao, quản lý chặt chẽ và các cơ quan tiếp nhận ODA đủ năng lực quản lý.
“Trong khi đó, vì nhiều lý do, trong đó có lý do huy động và sử dụng vốn ODA chưa tốt, nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng bất ổn định (như Trung quốc trong thập kỷ 70-80, Việt Nam trước năm 1990), thậm chí làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế-xã hội (Argentina, Nigeria, Brazil, một số nước Châu Phi), tạo ra gánh nặng nợ nần khó trả cho một số nước, nhất là ở Châu Phi”, Ts. Đô cảnh báo.