Lý do Cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA
Phía Đà Nẵng cho rằng, tỉ giá đồng yên thay đổi, khi dùng tiền Việt Nam quy đổi để trả thì bị lỗ nhiều.
Liên quan đến việc cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA, ông Võ Duy Khương, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho hay: Ở giai đoạn 1, cảng Đà Nẵng đã từng vay ODA của Nhật Bản. Thành phố làm việc với phía Nhật Bản để tiếp tục vay vốn ODA triển khai dự án mở rộng cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) giai đoạn 2, và họ đồng ý.
Theo lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, phía cảng đã cam kết đến cuối tháng 12/2015 sẽ khởi công và đến giữa 2018 sẽ hoàn thành toàn bộ việc nâng cấp mở rộng giai đoạn 2. Nguồn vốn được huy động bằng vốn tự có, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… "Thành phố không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, hãy để họ làm, cái chính là đạt được hiệu quả", ông Khương nói.
Trước đó, tại buổi làm việc về tình hình KT-XH của TP Đà Nẵng sáng 8/4, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Việc triển khai dự án là tối cần thiết, không chỉ phục vụ sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng mà còn là động lực của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Cảng Đà Nẵng tự huy động vốn và phải đảm bảo được tiến độ của dự án như cam kết.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, phía cảng đã trình hồ sơ dự án gửi các sở, ngành liên quan. Sở và các ban, ngành sẽ theo dõi sát, báo cáo thường xuyên tiến độ dự án này.
>> 5 xe Lexus "bỏ quên" ở cảng Đà Nẵng
Theo Ngân Hà