Phát triển thị trường rau quả sạch tại Việt Nam

22/06/2015 09:05 AM |

Mặc dù có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, thị trường nhưng các DN Việt Nam vẫn gặp khó trong đầu tư nên chưa biết đến bao giờ người tiêu dùng trong nước mới có cơ hội sử dụng rau quả sạch đúng nghĩa...

Nội dung nổi bật:

- Việt Nam vẫn chưa có một thị trường rau quả sạch đúng nghĩa. Chúng ta chỉ có thể gọi là thị trường rau quả sạch khi các sản phẩm bán ra được công bố rõ tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ được cấp và quan trọng nhất là có thể truy xuất được nguồn gốc.

- Cái khó của các DN trồng rau sạch hiện nay là đầu ra và sản lượng chưa ổn định. Mùa mưa thì sản lượng thấp, không đủ cung ứng, mùa nắng thì không cạnh tranh lại với rau củ trồng đại trà.


Thiếu thị trường?

Ông Dương Minh Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Hellomam, cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có một thị trường rau quả sạch đúng nghĩa.

"Chúng ta chỉ có thể gọi là thị trường rau quả sạch khi các sản phẩm bán ra được công bố rõ tiêu chuẩn trồng trọt, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ được cấp và quan trọng nhất là có thể truy xuất được nguồn gốc.

Sản phẩm chỉ sạch khi người tiêu dùng cầm mớ rau có thể biết được do ai trồng, trồng ở đâu, trồng theo tiêu chuẩn gì, thu hoạch vào lúc nào, được sơ chế và đóng gói ở đâu, cơ sở có đạt chứng chỉ an toàn nào hay không, do tổ chức nào cấp...", ông Dương Minh Việt nói.

Cũng theo ông Việt, nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, nhưng hàng hóa bán trong nước thì chưa tuân thủ điều này một cách chặt chẽ, đặc biệt là tại các chợ tạm, chợ cóc và các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ.

Khả năng truy xuất nguồn gốc là nền tảng cho một thị trường rau quả sạch phát triển nhưng điều này rất khó thực hiện ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, với hơn 20 triệu dân đô thị, trong đó tầng lớp trung lưu và gia đình trẻ đang tăng mạnh cùng với thói quen tiêu dùng hiện đại đang hình thành, Việt Nam chắc chắn là thị trường hấp dẫn không thua kém bất cứ thị trường nào trên thế giới về thực phẩm sạch.

Theo phân tích của ông Việt, hiện tại, các "đại gia" như Vingroup, Hoà Phát, Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư rất mạnh vào nông nghiệp và đó sẽ là những cú hích làm thay đổi thị trường. Và khi TPP được ký kết thì nông sản sạch nước ngoài sẽ vào Việt Nam dễ dàng và giá thành rẻ; và tất nhiên nông sản "bẩn" sẽ không thể cạnh tranh.

Cùng nhận định này, ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), cho rằng, thị trường rau quả sạch trong nước đang rất phát triển. Đó là lý do khiến Antesco quay về thị trường nội địa và hiện hàng phục vụ trong nước chiếm tỷ trọng đến 30%.

Cụ thể, rau sạch và một số loại khác từ doanh thu 3 - 5 tỷ đồng/năm trước đây đã nâng lên 50 tỷ đồng/năm vào thời điểm hiện nay. Hiện nay, các nhà hàng Việt Nam, Nhật, Hàn Quốc... đang ngày càng tăng số lượng đặt hàng với Antesco.

Trong năm 2015, Antesco đã có một lượng đơn hàng lớn từ đối tác Hàn Quốc về trái xoài cấp đông. Để có nguồn nguyên liệu, DN này phải liên kết với nông dân, đặt hàng trồng xoài đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

Cũng như các DN khác trong nước, hiện Hellomam đang đầu tư và hợp tác đầu tư sản xuất 30 ha rau sạch tại Ba Vì, Mộc Châu và một số khu vực quanh Hà Nội.

Ông Việt cho biết, Hellomam không chỉ hợp tác với nông dân để phát triển các vùng sản xuất, mà còn tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngay như dự án phát triển VietGap của Metro cho nông dân đã cho thấy tiềm năng của ngành này. Hiện nay, mỗi ngày, hệ thống 19 trung tâm Metro đã thu mua 35 tấn rau củ cho nông dân Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây.

Thôn Suối Thông 2, xã Đà Ròn, huyện Đơn Dương có 500 hộ chuyên canh về rau quả, trong đó có 11 hộ tập hợp thành một tổ hợp phân công nhau sản xuất theo đơn đặt hàng cung ứng rau quả theo tiêu chuẩn VietGap cho Metro kể từ năm 2008.

Từ đó đến nay, cuộc sống người dân của tổ hợp này rất phát triển, một số hộ đã tự sắm xe vận chuyển rau quả, làm nhà dàn lớn...

Ngoài rau củ quả, là một trong 6 đối tác phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Metro đã xây dựng chuỗi cung ứng thủy hải sản chất lượng cao theo các tiêu chuẩn quốc tế về VSATTP cho thị trường nội địa bằng việc đầu tư xây dựng Trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ.

Sau hơn 3 năm triển khai, Trạm trung chuyển này đã mua hơn 7.000 tấn thủy sản cho nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2014, đã có 82 container tôm đông lạnh, cá tra... được Metro xuất khẩu đến 19 quốc gia với tổng giá trị hơn 7 triệu USD.

Nhiều rào cản

Theo ông Đinh Thanh Minh Tùng, một đại lý cung cấp giống qua của quả sạch tại Đà Lạt, hiện khu vực này có khoảng 40 DN quy hoạch trồng rau củ theo tiêu chuẩn VietGap, trong đó có 3 DN lớn quy là Kim Bằng (liên doanh Anh quốc), Đà Lạt Gap và Công ty TNHH Liên doanh organik Đà Lạt. Các giống rau củ quả được các DN này trồng hầu hết đều nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Hà Lan.

Theo ông Minh Tùng, cái khó của các DN trồng rau sạch hiện nay là đầu ra và sản lượng chưa ổn định. Mùa mưa thì sản lượng thấp, không đủ cung ứng, mùa nắng thì không cạnh tranh lại với rau củ trồng đại trà.

Thế nên, cho đến nay, hầu hết rau sạch chủ yếu cung cấp các hệ thống nhà hàng, các siêu thị, khu dân cư cao cấp, và bán trong hệ thống cửa hàng do DN phát triển.Vì những lý do đó mà nguồn giống cung ứng có đầu ra, nhưng không tăng nhiều trong 2 năm trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng, nói đến rau quả sạch, tối thiểu phải đề cập đến 2 khâu là nuôi trồng và sơ chế - chế biến. Nhưng hiện nay có rất nhiều tiêu chí đánh giá về việc này.

Cụ thể, trồng theo phương pháp Bio: tự nhiên không kiểm soát, con người hầu như không can thiệp vào quá trình sản xuất, trồng trên môi trường không ô nhiễm.

Trồng theo phương pháp hữu cơ (organic): không sử dụng phân bón hóa học, kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất, trồng trên môi trường không ô nhiễm.

Trồng theo GAP (VietGap và Global Gap - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu): có sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học theo danh mục được phép và theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo phun thuốc trước khi thu hoạch theo thời gian quy định.

Nông sản sạch còn phải được sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có các tiêu chuẩn như GAP, HACCP, ISO 22000... với những quy định rất cụ thể.

Hiện nay, các loại rau quả sạch của Việt Nam xuất khẩu chất lượng rất tốt, được đánh giá cao trên thế giới và Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất sạch, sơ chế chế biến sạch.

"Vấn đề lớn nhất là các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được chất lượng hàng hóa và để hàng hóa kém chất lượng, độc hại, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường. Việt Nam cũng thiếu các chứng chỉ đủ uy tín để người tiêu dùng có thể tin cậy được", ông Việt chia sẻ.

Một trong những rào cản nữa là nhận thức của người dân chưa theo kịp thực tế.

Ông Huỳnh Quang Đấu, cho biết dù đã có đầu ra nhưng thời gian qua, giá xoài ở các tỉnh miền Tây giảm mạnh vì bị nhiễm Carbendazim, một loại hoạt chất đã được châu Âu đưa vào danh mục cấm sử dụng từ năm 2015.

Đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng mà nông dân nên chú ý. "Do chưa ý thức được điều này nên dù rau quả có đẹp mắt, ngon miệng cũng không xuất khẩu được. Công nghệ chế biến rau quả rất quan trọng nhưng điều này chưa quan trọng bằng việc người nông dân ý thức được việc làm sao để đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với máy móc hiện đại các nước nhập khẩu dễ dàng kiểm tra ra được những hoạt chất độc hại trong rau củ quả”, ông Quang Đấu cho biết. Không chỉ vậy, đầu tư sản xuất rau quả sạch rất tốn kém dù đầu ra đang phát triển.

Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc, cho biết, với 1.000m2 trồng xà lách thủy canh bà đã tốn đến hơn 800 triệu đồng chỉ cho khoản thiết bị công nghệ, chưa kể các chi phí về nhân công, giống...

Hiện lứa xà lách lolo tím mới được trồng nhưng chúng tôi đã được Metro đặt hàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Big C cũng đặt vấn đề này nhưng năng lực có hạn nên chưa dám nhận.

Theo Hồng Nga - Bích Loan

Cùng chuyên mục
XEM