Phát triển mắc ca và bài học từ cây ca cao
Sự phát triển cây mắc ca trong giai đoạn hiện nay có nhiều điểm tương tự như thời gian đầu chúng ta trồng ca cao, mà điển hình là việc phát triển tự phát, đầu tư nhỏ lẻ.
Nội dung nổi bật:
- Sau nhiều năm phát triển diện tích ca cao của cả nước ước đạt 22.000 hecta, sản lượng trên 4.000 tấn. Chính vì do sản lượng thấp nên mặt hàng này xuất thô là chính.
- Chỉ có 30% là diện tích trồng đúng quy hoạch, 30% ít chăm sóc đầu tư, 70% số vườn có qui mô dưới 1 ha, 75% người trồng thiều thông tin về giống, cách chăm sóc bảo quản hạt.
- Nếu như định hướng phát triển nông nghiệp nước ta tập trung chủ yếu vào sản lượng, diện tích trồng cấy thì các nước có nền nông nghiệp phát triển ví dụ như Thái Lan tập trung chủ yếu vào sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân.
Cây ca cao sau 10 năm
10 năm trước đây cây ca cao từng là một trong những cây trọng điểm trong việc phát triển nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Theo dự kiến, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 60.000 hecta ca cao. Tuy nhiên thực tế sau nhiều năm phát triển diện tích ca cao của cả nước ước đạt 22.000 hecta, sản lượng trên 4.000 tấn. Chính vì do sản lượng thấp nên mặt hàng này xuất thô là chính. Không thể phủ nhận ca cao có thị trường tiêu thụ tốt, tiềm năng suất khẩu nhưng tại Việt Nam giống cây này vẫn còn phập phù, thiếu sự đầu tư thích đáng.
Theo điều tra của Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT), trong tổng số 22.000 hecta ca cao của cả nước thì chỉ có 30% là diện tích trồng đúng quy hoạch, 30% ít chăm sóc đầu tư, 70% số vườn có qui mô dưới 1 ha, 75% người trồng thiều thông tin về giống, cách chăm sóc bảo quản hạt. Đầu tư tự phát, thiếu sự định hướng của nhà nước là nguyên nhân ở một số nơi, bà con chặt bỏ cây ca cao để chuyển sang loại cây trồng khác. Từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, tổng diện tích ca cao bị chặt bỏ khoảng 3000 ha, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người nông dân.
Phát triển mắc ca
Sự phát triển cây mắc ca trong giai đoạn hiện nay có nhiều điểm tương tự như thời gian đầu chúng ta trồng ca cao, mà điển hình là việc phát triển tự phát, đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi cây ca cao có thể thu giá trị kinh tế sau 3- 4 năm thì cây mắc ca cần đến 10 năm để đạt giá trị kinh tế cao nhất. Diễn biến giá mắc ca trên thị trường thế giới dao động lớn vì vậy cần có sự đầu tư dài hạn cả về vốn và nhân lực. Tuy nhiên, người nông dân rất khó tiếp cận với vốn dài hạn từ ngân hàng.
Mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mắc ca nhưng thực tế người dân cũng khó tiếp cận với sự hỗ trợ này. Thiếu vốn, đầu tư dài hạn, thiếu hiểu biết về giống và giá cả diễn biến thất thường là những nguyên nhân có thể làm cho người nông dân phải từ bỏ giống cây này.
Định hướng phát triển mắc ca còn thiếu gì?
Nếu như định hướng phát triển nông nghiệp nước ta tập trung chủ yếu vào sản lượng, diện tích trồng cấy thì các nước có nền nông nghiệp phát triển ví dụ như Thái Lan tập trung chủ yếu vào sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Trong khi doanh nghiệp có thể cung cấp vốn, cây giống, tìm thị trường tiêu thụ thì người nông dân chịu trách nhiệm trồng cấy và chăm sóc cây.
Sự liên kết này tạo nên một nền nông nghiệp bền vững và ổn định cuộc sống của người nông dân, tránh tình trạng được mùa, mất giá đang rất phổ biến hiện nay. Hiện nay, doanh nghiệp duy nhất có đủ tiềm lực về kinh tế cũng như khoa học kĩ thuật đang đầu tư cho mắc ca là Him Lam. Tuy nhiên, với định hướng phát triển đến 200000 hecta mắc ca thì liệu một mình Him Lam có là đủ?
>> Một mắc-ca đang “xấu xí”: 20 năm, Bộ ở đâu?
Duy Công