Mắc ca chẳng dễ trồng, cũng không phải “cây tỉ phú”

07/04/2015 14:05 PM |

Nhiều địa phương cho rằng cần phải có một kế hoạch rõ ràng về đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ trước khi bắt đầu trồng đại trà cây mắc ca.

Không hồ hởi với tham vọng trở thành “thủ phủ mắc ca của thế giới”, phát triển hơn 200.000ha mắc ca tại các tỉnh Tây nguyên, nhiều địa phương cho rằng cần phải có một kế hoạch rõ ràng về đầu ra của sản phẩm, thị trường tiêu thụ trước khi bắt đầu trồng đại trà.

Trong khi đó một số chuyên gia cũng khuyến cáo cây mắc ca không dễ trồng như nhiều người lầm tưởng và đây cũng không phải là “cây tỉ phú” như đồn đại.

* Ông Nguyễn Văn Hòa (cục phó Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT):

Tìm đầu ra

Đến nay Cục Trồng trọt vẫn chưa biết cụ thể về dự án trồng 200.000ha của một số đơn vị mà báo chí đưa tin thời gian qua. Họ làm việc trực tiếp với các địa phương chứ chưa tiếp xúc với Cục Trồng trọt.

Hiện quỹ đất trồng cây nông nghiệp ở Tây nguyên đã kín với các loại cây khẳng định sự phù hợp và lợi thế như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cao su... Vì vậy tôi không biết họ lấy đất ở đâu trồng tới trên 200.000ha.

Để thực hiện mục tiêu này bắt buộc phải thay thế diện tích các cây trồng hiện có như cao su hoặc cà phê. Đó là điều đáng lo ngại bởi mắc ca là một cây trồng còn rất mới ở nước ta, cần phải trải qua quá trình khảo nghiệm giống để đánh giá tính phù hợp của các giống cây trồng này cũng như điều kiện về dinh dưỡng và chăm sóc tiếp theo chứ không phải muốn trồng là trồng ngay.

Nếu ồ ạt trồng loại cây này sẽ rất nguy hiểm cho người dân nếu đất đai không phù hợp. Mới đây Bộ NN&PTNT đã chính thức có ý kiến về phát triển cây mắc ca tại VN.

Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu khảo nghiệm giống, chỉ trồng cây mắc ca ở những vùng đã khảo nghiệm thành công và diện tích trồng loại cây này đến năm 2020 chỉ dừng lại mức 10.000ha.

* PGS.TS Nguyễn Minh Châu (nguyên viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chuyên gia về cây mắc ca):

Giá ảo gây lầm tưởng siêu lợi nhuận

Dự án nghiên cứu về cây mắc ca được Úc tài trợ cho VN, triển khai vào năm 2005 và sau khi kết thúc vào năm 2010, phía Úc cũng để lại tài liệu về kỹ thuật trồng và bộ giống, trong đó có một số giống tốt được Bộ NN&PTNT công nhận.

Tuy nhiên, trồng cây mắc ca đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp. Phải hiểu rõ giống nào được trồng chung với giống nào, giống nào trồng dày, giống nào trồng thưa chứ không có chuyện mua đại, trồng đại theo cảm tính như cây khác được.

Bởi mắc ca là loại cây thụ phấn chéo, phải nhờ giống khác mới thụ phấn được nên phải trồng 3-4 giống trong một vườn. Cũng không thể cứ mua đại 3-4 giống khác nhau về trồng là được vì giống A chỉ thụ phấn với giống C chứ không thụ phấn với giống B.

Không chỉ khó trồng, đây cũng không phải là giống “cây tỉ phú”, giúp nông dân làm giàu như nhiều người đồn đại. Giá hạt mắc ca trên thị trường thế giới hiện chỉ 3,5 USD/kg (tương đương 70.000 đồng/kg).

Trong khi đó, giá hạt mắc ca tại VN lên tới 300.000 đồng/kg, gấp bốn lần so với giá thực. Đây là giá ảo, khiến nông dân lầm tưởng trồng mắc ca sẽ thu siêu lợi nhuận. Diện tích cây mắc ca của VN còn rất ít, chưa xuất khẩu và cũng không thể xuất khẩu được với giá như thế.

* TS Đặng Kim Sơn (viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn):

Đừng tự hại mình

Ngay cả những cây trồng đã được quy hoạch trên đất Tây nguyên mà chúng ta còn phải xem xét điều chỉnh cho phù hợp, trong khi đó cây mắc ca đã được quy hoạch đâu.

Điều chỉnh này dựa trên rất nhiều cân bằng động, đầu tiên là yếu tố về thị trường và nhiều yếu tố khác như nước và rừng. Phải thận trọng, không để trồng nhiều quá so với mức thị trường thế giới yêu cầu để rồi tự hạ giá trị sản phẩm của mình.

Thực tế Tây nguyên trồng được rất nhiều cây, không chỉ riêng mắc ca. Vấn đề không còn là cây gì ở mảnh đất quá tốt này, mà công nghệ ra sao để nâng cao giá trị trên một diện tích đất. Theo tôi, cây mắc ca còn quá mới, nên thận trọng về thị trường và công nghệ để có hiệu quả phù hợp với lợi thế của Tây nguyên.

* Ông Nguyễn Văn Sơn (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, phó Ban chỉ đạo thường trực dự án mắc ca Lâm Đồng):

Phải chứng minh có thị trường tiêu thụ

Dù doanh nghiệp đưa ra dự án phát triển 200.000ha mắc ca trong năm năm nhưng hiện tỉnh Lâm Đồng mới dự tính trồng khoảng 22.000ha, còn có mở rộng hay không phải đợi việc thực hiện dự án.

Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư phải chứng minh được đầu ra cho quả mắc ca một cách rõ ràng như chế biến sản phẩm gì, bán cho ai hay thị trường nào... Địa phương và nhà đầu tư phải hợp tác làm rõ bức tranh thị trường, có vậy mới có thể đầu tư lớn như kế hoạch nhà đầu tư đưa ra. Nếu chưa chứng minh được, dự án nên dừng ở mức vừa phải với 22.000ha được trồng trong năm năm.

Để bắt đầu dự án cùng nhà đầu tư, chúng tôi đang giải quyết các vấn đề sau: cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân như thế nào, nhấn mạnh yếu tố bền vững và an toàn cho nông dân; quy hoạch tổng thể việc trồng mắc ca gồm giống, vùng trồng, thị trường, sản phẩm; cơ chế để địa phương cùng tham gia giám sát hoạt động của dự án nhằm tránh nảy sinh các vấn đề liên quan đến quyền lợi nông dân và đất đai, tài nguyên rừng và nước.

* Ông Nguyễn Hoài Dương (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk):

Gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Cây mắc ca được Đắk Lắk mua về, trồng thử nghiệm cây đầu tiên năm 1996. Khoảng 10 năm gần đây, ở một số vùng trên địa bàn, người dân cũng đưa cây mắc ca về trồng nhưng chưa thực hiện khảo sát nên chưa có số liệu chính thức về diện tích.

Nhìn chung, cây mắc ca phù hợp với một số vùng sinh thái trên địa bàn nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được. Có những vùng trồng cây sinh trưởng phát triển tốt, nhưng cũng có nơi cây không ra hoa kết trái hoặc ra hoa mà không kết trái.

Đặc tính sinh thái của cây mắc ca là biên độ nhiệt từ 18-20OC trong thời điểm ra hoa mới có quả được. Do đó, người dân phải hết sức thận trọng khi trồng cây mắc ca vì đây là cây dài ngày, đầu tư khá cao, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến kết quả không tốt.

Vừa qua có một số đơn vị như Liên Việt PostBank đến đặt vấn đề liên kết đầu tư phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ và mong muốn có những doanh nghiệp lớn đầu tư tại tỉnh.

Tuy nhiên, việc đầu tư này phải gắn liền chế biến, tiêu thụ và có những cam kết lâu dài để người dân yên tâm sản xuất.

Ông Lê Văn Lịnh (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai):

Rà soát toàn bộ diện tích

UBND tỉnh Gia Lai vừa yêu cầu Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích đã trồng cây mắc ca, xem xét hiệu quả thực tiễn của loài cây này để quyết định có nên tiếp tục mở rộng diện tích hay khống chế.

Diện tích mắc ca trên địa bàn được trồng từ hai nguồn: từ dự án của trung ương triển khai về các huyện và số diện tích tự phát do người dân tìm hiểu và đưa vào trồng xen kẽ trong vườn. Tất cả đều chỉ mang tính khảo nghiệm.

Cho đến nay, cây mắc ca chưa được tỉnh Gia Lai quy hoạch diện tích để trồng, chưa có quỹ đất để phát triển, chưa có đầu ra, chưa có đơn vị chuyên môn hướng dẫn nông dân...

Tuy nhiên, nhiều người dân hiếu kỳ về loài cây được quảng cáo là “nữ hoàng cây công nghiệp” nên mua giống về trồng chứ chưa biết trồng rồi có hiệu quả hay không, bán cho ai do thị trường tiêu thụ ở Gia Lai chưa hề có.

* Ông Đoàn Năng Rường (giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum):

Quảng cáo để bán cây giống

Diện tích cây mắc ca tại Kon Tum tập trung chủ yếu ở các huyện Đắk Hà, Đắk Glei, Kon Plông. Các hộ dân đọc báo hay nghe đài, được giới thiệu nên đưa về trồng tự phát chứ tỉnh chưa có dự án nào trực tiếp triển khai cho người dân.

Cây mắc ca ở địa bàn này hiện nay lớn nhất cũng mới vài ba năm tuổi, có vườn đã cho thu bói nhưng để đánh giá được hiệu quả hay tiềm năng tới đâu là chưa thể.

Tuy nhiên đứng ở góc độ làm chuyên môn, tôi cho rằng cần phải cẩn trọng đối với cây mắc ca bởi hiện nay đầu ra chưa có. Nhiều công ty lên Kon Tum xin đất trồng nhưng mục đích của họ chỉ là để quảng cáo bán cây giống, chứ chưa thấy có đơn vị nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm.

>> Mắc ca: Ngộ nhận giá bán, mập mờ sản lượng, lạc quan vì đâu?

Theo NHÓM PV

Cùng chuyên mục
XEM