Mắc ca đang sống thế nào trên đất Tây Nguyên?
Diện tích trồng mắc ca tại Tây Nguyên hiện chưa tới 2.000 ha trên khoảng 750.000 ha đất trồng cây công nghiệp của khu vực này.
Cây cà phê “chung sống hòa bình” trên cùng một khu đất với mắc ca, nhờ trồng xen canh. Đây cũng là phương pháp trồng chủ yếu hiện nay đối với cây này tại Tây Nguyên, nhờ cây có khả năng chịu hạn tốt, dễ sống, không cần chăm bón nhiều, đồng thời có thể "che chở" cho cà phê, vì cà phê cần bóng mát.
Tại một điểm ươm giống mắc ca chuẩn, gần thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận khoảng 10 loại giống, nhưng vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu để mở rộng số giống đạt chất lượng. Chọn đúng giống tốt được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để trồng mắc ca thành công.
Mắc ca mọc cao, phủ tán, rễ ăn khá sâu, nên còn tác dụng giữ ẩm và chống xói mòn cho đất. Theo nghĩa này, ngoài việc mang lại giá trị kinh tế từ hạt, đây cũng có thể xem là cây lâm nghiệp nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc.
GS.TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Các hội sinh học Việt Nam, trò chuyện với một công nhân tại khu vườn mắc ca giống của Công ty Vinamacca tại huyện M’Drak (Đắk Lắk). Trên khu vườn 8 ha của công ty này, chỉ cần 2 công nhân chăm sóc thường xuyên, do loại cây này khá “dễ tính”.
Mắc ca ra hoa và thành trái đủ lớn để thu hoạch trong vòng 6 tháng.
Ong bướm tỏ ra rất thích hoa mắc ca. Nhiều trang trại đã nuôi thêm ong, vừa có loại mật, vừa giúp hoa dễ thụ phấn.
“Từ đầu vụ, thương lái đã đặt tiền mua. Hái được bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu”, anh Đinh Kim Thu (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc huyện Krông Năng, Đắk Lắk) nói. Năm vừa rồi, vườn mắc ca 10 tuổi với khoảng 100 cây trên diện tích 1 ha của gia đình anh mang về doanh thu 300 triệu đồng (chi phí chăm sóc chiếm khoảng 1/10 doanh thu), với 1,8 tấn quả.
Ông Trần Đình Mạnh, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông (bên phải). Ông bí thư này từng hai lần bị kiểm điểm vì tiên phong “rủ” nông dân cùng trồng mắc ca từ vài năm trước, khi tên tuổi loại cây này còn quá mới mẻ. Nay, nhiều doanh nghiệp đã đổ về Tuy Đức thu mua mỗi vụ thu hoạch. Thành công của Tuy Đức là động lực để UBND tỉnh Đắc Nông vào cuộc. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước chính thức quy hoạch vùng mắc ca, chủ yếu là trồng xen canh với cà phê.
Dễ sống, nhưng lại kén khí hậu và thổ nhưỡng, không phải vùng đất nào cũng có thể trồng tốt mắc ca. Đây là nguyên nhân chính khiến tổng diện tích trồng loại cây này trên thế giới sau nhiều năm phát triển cũng mới chỉ đạt khoảng 80.000 ha, khiến nguồn cung luôn thấp hơn cầu. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thí điểm, đất Tây Nguyên đã tỏ ra phù hợp, với sản lượng thu hoạch khá cao.
Tỷ lệ nhân trên hạt của mắc ca khoảng 1/3, tức cứ 3 kg hạt thì cho 1 kg nhân. Việc chế biến có thể làm tăng giá trị hạt thô lên từ 3-5 lần.
Các sinh viên Đại học Ngân hàng TP HCM, trong một chuyến tìm hiểu thực tế trồng mắc ca tại Tây Nguyên.
>> Cây mắc ca đổi đời: Thiếu thận trọng sẽ đến "mất cả chì lẫn chài"
Theo Hải Âu