Nông, lâm, thủy sản tồn ứ: Xúc tiến thương mại ở đâu?

05/05/2015 09:22 AM |

Về tình trạng tồn kho nông sản xuất khẩu, đại diện nhiều ngành hàng nói rằng, bên cạnh vấn đề thị trường, còn có nguyên do từ khâu xúc tiến thương mại quá yếu, thủ tục “không thân thiện” với doanh nghiệp.

Đồng loạt kêu khó

Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5 khá xôm với sự xuất hiện đầy đủ đại diện các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp ngành hàng lớn.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, bức tranh xuất khẩu khá ảm đạm trong các tháng đầu năm. Sự khó khăn của thị trường, doanh nghiệp thể hiện khá rõ khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1%. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gạo, cà phê đều giảm so với cùng kỳ, trong đó, giảm mạnh nhất là cà phê với mức giảm 38,3% so với cùng kỳ. Riêng mặt hàng thủy sản, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp một mình không thể làm được, cần sự giúp sức của cơ quan quản lý. Ông Huỳnh Thế Năng-Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra ý kiến như vậy nhằm kêu gọi cơ quan chức năng phụ trách xuất khẩu lưu ý việc hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông Năng, bên cạnh sức mua yếu, các doanh nghiệp phải đối mặt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau. Đến nay, giá gạo thơm của Việt Nam đã giảm rất mạnh nhưng vẫn không bán được.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Ngân hàng Nhà nước, tiếp cận vốn vay không còn khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, đại diện các doanh nghiệp khẳng định vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn. Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, ông Nguyễn Viết Vinh cho biết, cà phê chịu ảnh hưởng của điều chỉnh tỷ giá nặng hơn so với thủy sản. Một số nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới đã điều chỉnh tỷ giá khiến giá bán cà phê của họ ngày càng cạnh tranh. Lãi suất đã tạm ổn, nhưng thủ tục của ngành ngân hàng cần được cải thiện hơn nữa.

Đại diện các doanh nghiệp thủy sản cũng cho rằng, xúc tiến thương mại là việc chính của Bộ Công Thương nhưng trong nhiều năm qua, hoạt động này trong lĩnh vực nông sản ngày càng thu hẹp. Thực tế cho thấy, xúc tiến đầu tư dàn trải sẽ không đem lại hiệu quả. Nhìn sang những nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, mỗi năm họ đổi mới hình thức xúc tiến thương mại theo hướng rất đa dạng.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, khó khăn thị trường đã rõ nhưng có những quy định từ các cơ quan quản lý đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn. Ông dẫn chứng việc các cơ quan quản lý sâu sát trong hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp tháo gỡ khó khăn rất nhiều. “Như ở Thái Lan vừa qua, hiệp hội và các cơ quan quản lý đã đồng loạt có nhiều biện pháp để lên tiếng đồng thời phản ứng trước một quy định của Úc”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, việc chia sẻ thông tin thị trường từ cơ quan quản lý với doanh nghiệp hầu như không có. Doanh nghiệp phải tự bơi, tự tìm kiếm thông tin, thị trường. Như thế sao có thể cạnh tranh.

Xúc tiến thương mại giậm chân tại chỗ

Xúc tiến thương mại đứng nguyên một chỗ, thậm chí giảm so với các bạn xung quanh, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định. “Đề nghị Bộ Công Thương nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại không phải hôm nay ra chợ bán được ngay. Không phải thấy thị trường này có dấu hiệu giảm là co lại, ít làm đi”, ông Ánh nói.

Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Nguyễn Viết Vinh, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, cần tổ chức xúc tiến thương mại theo hình thức hội chợ kết hợp giao lưu thương mại.

“Thông tin là vấn đề quan trọng với doanh nghiệp, hiện các đơn vị phải mua thông tin từ Trung tâm thông tin thương mại với giá 5 triệu đồng/bản tin. Chính sách thuế không nhất quán cũng khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khi thủ tục hành chính cứng nhắc cũng đang hành doanh nghiệp. Nhiều thị trường không đòi hỏi kiểm định chất lượng trước khi xuất khẩu, nhưng cơ quan quản lý vẫn buộc doanh nghiệp phải làm kiểm định của Vinacontrol rất tốn kém và phiền hà”, ông Vinh bức xúc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong các tháng đầu năm đang có vấn đề. “Đúng là có sự đứt đoạn trong thông tin giữa cơ quan quản lý, hệ thống tham tán thương mại và các doanh nghiệp. Đây là một trong những điểm yếu hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận nhiều thông tin được hệ thống tham tán dày công tìm kiếm, khi đưa về không được doanh nghiệp khai thác, rất uổng phí”, ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, sẽ báo cáo Bộ trưởng Công Thương xin ban hành một chỉ thị (của Bộ trưởng hoặc của Chính phủ) hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Qua đó, tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, sự chủ động năng động của các bộ ngành và sự phối hợp của các bộ ngành với nhau. Cùng đó, sẽ báo cáo Chính phủ lập một tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý kịp thời những vướng mắc, tồn đọng trong xuất nhập khẩu.

>> Làm gì để nông sản xuất khẩu Việt Nam có thương hiệu quốc gia?

Theo Phạm Tuyên

Cùng chuyên mục
XEM