Niềm tin vào thị trường bán lẻ Việt Nam dần được cải thiện
Theo CBRE, những thương hiệu mới đang thực hiện cam kết bước đầu để tiến hành những dự án trong tương lai, điều này chứng tỏ niềm tin vào thị trường Việt Nam đang được cải thiện.
Trong quý 2 năm 2015, các hoạt đông cho thuê bán lẻ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương khá trầm lắng, ngoại trừ thị trường ở Tokyo đang hoạt động rất sôi nổi.
Mức tăng trưởng cho thuê mạnh tại thị trường này đã kéo đà tăng trưởng chung trong khu vực lên 0.6% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, nếu không tính Tokyo, thì tỉ lệ chung lại đang giảm 0.5% so với cùng kì năm trước.
Trong khi đó, nhu cầu thuê đang giảm tại khu vực Trung Quốc đại lục. Tại Hồng Kông, giá thuê tiếp tục giảm trong khi các khu vực ven biển Thượng Hải giá thuê đang đạt mức cao nhất.
Các nhà bán lẻ nhà hàng tiếp tục dẫn đầu nhu cầu thuê, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc đại lục. Các thương hiệu thời trang mang phong cách thể thao (Athleisure) và chăm sóc da/ mỹ phẩm vẫn hoạt động ổn định. Các thương hiệu sang trọng mới có mức giá phải chăng có xu hướng mở rộng hơn so với các thương hiệu đẳng cấp truyền thống đang ngày càng im ắng.
Do vẫn còn lo ngại rủi ro nên các nhà bán lẻ chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô nhỏ, trong khi các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm cơ hội xâm nhập thị trường thông qua các hoạt động nhượng quyền thương hiệu.
Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng phòng nghiên cứu, CBRE châu Á - Thái Bình Dương đưa ra nhận định: Gần đây, sự thay đổi trong ngành du lịch cũng đang có ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ ở Hồng Kông, tại Hàn Quốc, ngành du lịch bị tổn thất khá nặng do dịch MERS, nhất là ở Seoul.
Ngành du lịch, cùng với tâm lý kinh doanh chung giảm do nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực kinh doanh bán lẻ ở các nước này. Mặt khác, ở Nhật Bản, các trung tâm thương mại chính lại đang được hưởng lợi từ dòng khách du lịch đến từ Trung quốc đại lục.
Trong quý 2 năm 2015, các doanh nghiệp bán lẻ có cách tiếp cận thận trọng hơn, tập trung vào việc kiểm soát chi phí và hiệu quả điều hành, họ sẽ có sự thẩm định chi tiết, quản lý chiến lược và quy hoạch mạng lưới. Các chủ cho thuê cũng điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu người thuê.
"Ở Nhật, chúng tôi thấy các cửa hiệu trang sức đá quý đã mở thêm quán cà phê và phòng chờ cho khách VIP. Với cơ hội tăng nhu cầu tiêu thụ cao, từ cả dân địa phương và khách du lịch từ Trung Quốc, các nhà bán lẻ đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội mở rộng không gian để cung cấp những trải nghiệm mua sắm tốt nhất", ông Henry Chin cho biết.
Trong tương lai, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư cùng với nhu cầu mở rộng không gian, cũng như các chủ đầu tư tìm kiếm cơ hội giới thiệu các thương hiệu mới đến với khách hàng.
Khu vực này thu hút các thương hiệu bán lẻ quốc tế dựa vào các yếu tố như sự gia tăng tầng lớp trung lưu, đặc điểm dân số, và mức độ đô thị hóa.
Phân khúc bán lẻ đang có chiều hướng tích cực nghiêng về phía người thuê khi họ đang nắm nhiều lợi thế thương lượng giá cả hơn và người cho thuê cũng cởi mở hơn trong việc đàm phán nhưng nó cũng đồng nghĩa, việc kí hợp đồng sẽ không quá gấp gáp, và thời gian hợp đồng được kéo dài hơn.