Những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam nói gì về năm vừa qua?

09/12/2014 10:18 AM |

Ngày 9/12/2014, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014. 

Sau đây là một số kết quả ghi nhận được từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 và cuộc khảo sát các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam:

Thứ nhất, nền kinh tế và kinh doanh có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong giai đoạn 2014 - 2015

Kết quả điều tra cơ bản cho thấy các doanh nghiệp lớn rất tự tin với kết quả kinh doanh năm 2014, khi hơn 50% doanh nghiệp nhận định, cả doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động, lượng đơn hàng của họ đều tăng hơn so với năm trước.

Về tổng thể, 64,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định, tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong năm 2014 tốt hơn năm 2013, 28,6% nhận định kinh doanh ổn định, và chỉ 7,1% nhận định tình hình kinh doanh xấu hơn năm 2013.

DN, top, bảng-xếp-hạng
Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2014 so với năm 2013 (Nguồn: Survey các doanh nghiệp VNR500, tháng 11/2014)

Gần 95% số doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh doanh năm 2015 sẽ "cơ bản ổn định" và có xu hướng "tăng lên" so với năm trước, đặc biệt về doanh thu, lợi nhuận và lượng đơn hàng. Trong năm 2015, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị và số lượng công nhân viên sẽ được duy trì như năm 2014.

DN, top, bảng-xếp-hạng
Dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2015. Nguồn: Survey các doanh nghiệp VNR500, tháng 11/2014

Thứ hai, tái cơ cấu doanh nghiệp và ngành nghề chưa có nhiều chuyển biến tích cực

 

Theo thống kê, 59,4% tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đến từ khối nhà nước, cho thấy DNNN vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong BXH VNR500.

Ngoài ra, thống kê BXH VNR500 năm 2014 cũng cho thấy, khoảng 15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản - xăng dầu đang tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn BXH, mức doanh thu cao nhất trong số các ngành nghề kinh doanh. Đứng thứ hai về tổng doanh thu là ngành điện (19%), tiếp theo sau là ngành tài chính - ngân hàng (10,3%).

Khi được hỏi về hiệu quả của công cuộc tái cơ cấu kinh tế trong 3 lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, đầu tư công và DNNN, phần đông cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước "chưa có hiệu quả rõ rệt", với tỷ lệ lựa chọn đáp án này lần lượt là 70,5% và 64,4%. Ngược lại, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng đang được thực hiện khá hiệu quả, khi trên 65% số doanh nghiệp lựa chọn đáp án "hiệu quả" và "rất hiệu quả".

DN, top, bảng-xếp-hạng
Đánh giá của doanh nghiệp về tái cơ cấu kinh tế trong ba lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. (Nguồn: Survey các doanh nghiệp VNR500, tháng 11/2014)

 

Thứ ba, Bắc Ninh vươn lên trở thành địa phương đứng thứ ba về tổng doanh thu của BXH VNR500 năm 2015 nhờ sự đóng góp của nhóm doanh nghiệp FDI

Sự xuất hiện của nhà máy sản xuất điện thoại Nokia, nối tiếp bước đi của Samsung tại Việt Nam trong năm 2013 đã giúp tỉnh Bắc Ninh trở thành địa phương có ít doanh nghiệp lớn nhưng tổng doanh thu chiếm gần 10% tổng doanh thu toàn BXH, chỉ đứng sau hai trung tâm kinh tế lớn là TP.Hà Nội (45,2%) và TP. Hồ Chí Minh (21,4%).

Không chỉ vậy, doanh nghiệp FDI cũng đang ngày càng thể hiện tốt hơn vị thế của mình, khi đóng góp đến hơn 22% tổng doanh thu toàn BXH, trong khi số doanh nghiệp lọt vào BXH VNR500 năm nay chỉ chiếm chưa đến 16%. 

Thứ tư, các doanh nghiệp lớn kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ được điều hành ổn định trong thời gian tới

Nhận định về giải pháp Chính phủ cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, 76,8% doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục "đảm bảo ổn định vĩ mô", đặc biệt là kiềm chế tốt lạm phát.

Trong hai năm vừa qua, nhiệm vụ "ổn định kinh tế vĩ mô" đã trở thành ưu tiên hàng đầu thay cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đó. Đây là phương án ưu tiên, cũng là mục tiêu chính yếu mà Chính phủ cần tập trung đạt được, trước khi nghĩ tới các phương án "tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp thông qua các gói hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế".

DN, top, bảng-xếp-hạng
Các giải pháp Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới (Nguồn: Survey các doanh nghiệp VNR500, tháng 11/2014)

Kiều Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM